Cô gái mua váy online bị chủ shop lừa 1,6 triệu: Vạch mặt 3 trò lừa đảo khi chốt đơn

HÀ ANH - Ngày 18/12/2020 14:45 PM (GMT+7)

Thêm một trường hợp mới bị mất tiền oan khi mua hàng online, cảnh báo mọi người nên cảnh giác với những hành vi lừa đảo tinh vi.

Mua hàng online đang là xu hướng tiêu dùng ngày càng phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam vì tính tiện lợi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít người đã dính phải "trái đắng" khi mua hàng qua phương thức này chỉ vì không xem được tận tay, tận mắt nhìn sản phẩm như khi mua offline hoặc mất tiền oan vì bị shop lừa đảo trắng trợn.

Mới đây, trên mạng xôn xao với trường hợp một nữ khách hàng mua hàng online ở một shop thời trang. Trên trang bán hàng của shop này có lượng người theo dõi lớn, sản phẩm của shop được quảng cáo khá đẹp và toàn ảnh thật, có thể thấy đây là shop khá uy tín. Sau khi tham khảo, cô gái T.T chi tiền mua 8 bộ đồ, giá mỗi bộ nằm trong khoảng 170.000 đồng - 200.000 đồng, tổng của đơn phải thanh toán là 1.580.000 đồng.

Cô gái mua váy online bị chủ shop lừa 1,6 triệu: Vạch mặt 3 trò lừa đảo khi chốt đơn - 1

T.T chốt đơn nhưng bị chủ shop lừa tiền triệu

Cô gái đã thanh toán ngay và chờ đợi nhận hàng. Khoảng 10 ngày sau đó vẫn không nhận được hàng, cô nhắn tin cả ngày mà không có phản hồi, sau đó T.T bình luận ở trên trang bán hàng của shop thì shop trả lời, bảo cô đợi thêm 1-2 ngày. Sau đó cô gái "điếng người" vì bị shop block và không thể làm gì được nữa. 

Câu chuyện mà cô gái vấp phải trên đây không phải là lần đầu tiên, trước đó đã từng có không ít khách hàng bị shop "xù" hàng dù đã chuyển khoản đầy đủ. 

Hồi năm 2018, một cô gái từng đau đầu sau khi đã chuyển khoản chiếc váy đặt online song cuối cùng chờ "dài cổ" vẫn không nhận được hàng. Cô gái này cho hay, shop hứa sẽ chuyển hàng sớm nhưng cô chờ đợi rồi thắc mắc mà shop chỉ nói "hàng chưa về" hay nhiều lý do khác.

Thời gian càng kéo dài, nữ khách hàng càng mất hết kiên nhẫn. Vì chán nản chờ đợi, cô gái yêu cầu shop hoàn tiền nhưng shop lại trây ì theo kiểu yêu cầu khách đợi thêm. Thời gian kéo dài cả tháng, tiền đã chuyển, váy không thấy đâu nên cô gái lên mạng kể lể vừa phàn nàn vừa "tố" thái độ của shop.

Những chiêu "dở khóc dở cười" sau khi đã chuyển tiền

1. Đã chuyển tiền nhưng không nhận được hàng

Đây có lẽ là câu chuyện thường gặp khi mua bán hàng online. Sở dĩ mua hàng online dễ bị lừa kiểu này là do người bán và người mua tương tác qua ô chat, không gặp trực tiếp. Khách và người bán có thể cách nhau cả ngàn km hoặc trong nước - nước ngoài. Cho nên, chuyện để có thể biết rõ shop là ai, shop bán hàng thế nào, chất lượng ra sao là điều rất khó. Người mua chủ yếu dựa vào đánh giá của khách hoặc đọc xem shop có từng bị dính các "phốt" hay không.

Khi gặp những trường hợp này, khách hàng cũng không nên quá nhân nhượng, có thể báo với cơ quan chức năng. Trong luật cũng có quy định hành vi này. Nếu người vi phạm gian dối nhằm đoạt tiền của khách bằng cách chặn liên lạc, không thể liên lạc được, xóa trang web thì có thể gửi đơn tốc giác. Tại điều 174, Bộ luật tố tụng hình sự ghi rõ:

Điều 174 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

2. Đã chuyển tiền nhưng khi tận mắt nhận hàng thì chất lượng kém

Những ảnh chụp, quay dưới tác động của đèn, hiệu ứng đã giúp sản phẩm trông bắt mắt và lung linh hơn. Cho nên, rất nhiều khách hàng từng than trời vì sản phẩm nhận được không hề như hình ảnh quảng cáo dù trước đó, người bán đã cam kết sản phẩm giống ảnh.

Cô gái mua váy online bị chủ shop lừa 1,6 triệu: Vạch mặt 3 trò lừa đảo khi chốt đơn - 2

Hình đăng một đằng mà hàng nhận được lại một nẻo

Trường hợp này thường gặp ở những khách hàng mua váy, áo. Hình ảnh mà người mẫu mặc vừa vặn, chất liệu đẹp, đường may cẩn thận... nhưng khi khách nhận được lại là sản phẩm kém chất lượng, nhăn nhúm, màu khác xa hình chụp, rộng so với thân hình... 

Trong trường hợp này, khách không nên tặc lưỡi cho qua mà cần trao đổi ngay với shop để có được phản hồi vì sao sản phẩm như vậy, hoặc yêu cầu phải đổi sản phẩm ngay. Vì vậy, bí kíp là khi mua phải có đoạn trao đổi yêu cầu cửa hàng phải đảm bảo hình ảnh như hình, nếu khác hay không đảm bảo yêu cầu thì sẽ phải hoàn tiền hoặc đổi đúng như sản phẩm mà khách đặt.

3. Những tên lừa đảo giả mạo cửa hàng online

Sự tiện lợi khi mua sắm ở shop online không phải bàn cãi nhưng vì không gian ảo nên sẽ có những kẻ mượn danh để lừa đảo. Chiêu thức của chúng là lập shop online hoặc đăng trên mạng xã hội. Chúng nhận tiền nhưng không trả hàng cho khách, khi khách vào thắc mắc thì có thể page đã biến mất.

Vì vậy, khi mua hàng online khách phải kiểm tra kỹ thông tin về shop. Những shop làm ăn có uy tín sẽ có các đánh giá trên mạng. Ngoài shop online, khách nên xem có công khai địa chỉ không, sau đó gõ địa chỉ này trên google để kiểm tra chính xác. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể xem địa chỉ đó có số điện thoại khác không thì gọi điện để kiểm tra một cách chính xác.

Tiết lộ thời điểm không nên đi siêu thị: Mất tiền nhưng dễ rước phải thực phẩm không tươi
Nhiều người vẫn giữ thói quen đi mua sắm ở siêu thị vào buổi tối hoặc cuối tuần, mà không nghĩ rằng dễ mua phải thực phẩm ôi, kém chất lượng.
HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiêu dùng thông minh