Bản nhạc chiều dang dở (Phần 4)

Ngày 17/09/2015 21:48 PM (GMT+7)

Anh như thế, ra đi mà chưa bao giờ nghĩ rằng rồi người ở lại là cô sẽ phải chật vật bắt đầu tiếp tục như thế nào. Không ai thật sự là tri kỉ của ai trong cuộc sống này cả.

Một câu chuyện tình buồn sâu lắng... Những con người mang sẵn nỗi đau trong lòng liệu có vượt qua được ám ảnh của quá khứ để mở lòng mình?

Mời các bạn theo dõi câu chuyện Bản nhạc giữa chiều dang dở trên Tình yêu giới tính.

Hơn một năm rồi, từ khi quen và yêu Quân, Thụy Anh được bao bọc như một đứa trẻ không biết một chút gì cuộc sống đang diễn ra ngoài kia. Quân chăm sóc cô từng bữa cơm, giấc ngủ. Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng của anh luôn làm cô yên tâm rằng anh đang dõi theo cô dù cô ở bất kì đâu. Từ khi ấy cô sống cởi mở hơn với chính những nỗi đau của riêng mình. Cô ăn cơm ở nhà đều hơn. Những bữa cơm đã nổi lên đôi chút niềm vui. Ánh mắt cha cô bớt thăm thẳm, và gương mặt dì hai trông sáng hơn. Có Quân, mọi điều trong cuộc sống của cô đã trở nên bình lặng hơn bao giờ hết. Anh cuốn cô đi trong những bình yên của ngày tháng. Những giấc mơ đêm chập choạng, những ám ảnh đã vơi đi trong tâm hồn.

Thụy Anh tưởng rằng Quân thật sự là người đã đến và đem bình yên ủ ấm trái tim vỗn quá nhiều nỗi đau đóng thành băng trong cô. Nhưng rồi, như một dải lụa đang trơn thẳng bỗng dưng chạm phải một nút thắt giữa lưng chừng. Thụy Anh chới với chực ngã, và Quân đã không nhận ra điều đó, bởi thế anh đang để Thụy Anh rơi xuống mà không hề biết để giữ cô lại. Cũng như cái buổi chiều lặng lẽ này, cô về lại bên anh sau những ngày chạy trốn khỏi thực tại đang diễn ra.

Cô đã trở về với nơi chốn yên bình của lòng mình nhưng rồi không thể ép những đợt sóng dữ dội đang ào đến. Cô lần tránh điều đó. Nhưng nỗi sợ hãi và những mảng kí ức xám vụn của những ngày rất xa xôi cứ hiện về, không một cách nào có thể thoát ra nổi.

Cô giấu thân mình, nép sâu vào trong lòng ngực anh để xua tan cái cảm giác đang có, nhưng người cứ dần lạnh đi, tim cứ đập chậm lại. Không có một vết tích nào của sự ấm nóng đang có để có thể kéo cô gần về bên anh. Quân vẫn vỗ về âu yếm cô như một đứa trẻ bé nhỏ, nhưng Thụy Anh lặng lẽ dẫn, cố ru mình vào một giấc ngủ giả dối để trốn ánh mắt của anh. Bờ môi của anh. Không gian lặng  lẽ của một buổi chiều mùa đông Hà Nội càng kéo căn phòng trở nên ủ rũ hơn bởi những bản ballad mê hồn của Air Supply.

Giấc ngủ chập chờn đủ để Thụy Anh biết Quân đã đặt cô lên giường và nhẹ nhàng bước ra ngoài hiên. Anh đốt thuốc, mơ hồ nghĩ ngợi rất nhiều điều. Anh đã quen với cái tâm lý bất bình thường của Thụy Anh từ ngày yêu cô. Đã quen với cách cô im lặng, không một lời giải thích nào trước bất kì chuyện gì. Anh cũng đã rất cố gắng để hiểu cô, dù anh biết mình không thể có đủ sự nhạy cảm để hiểu những ra điều đang diễn ra trong tâm hồn người con gái mà anh yêu. Cũng như buổi chiều hôm nay, cô lặng lẽ và hờ hững trước tất cả những cử chỉ yêu thương của anh. Anh không trách cô. Nhưng anh lo lắng. Lo lắng một lần thứ hai nữa anh lại phải ở bên cạnh cô cả một tuần trong bệnh viện bởi sự suy nhược cơ thể quá nặng. Anh sợ một lúc nào đó cô lại sẽ ra đi, ra đi khỏi anh vĩnh viễn.

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 4) - 1

Thụy Anh tưởng rằng Quân thật sự là người đã đến và đem bình yên ủ ấm trái tim vỗn quá nhiều nỗi đau đóng thành băng trong cô. (Ảnh minh họa)

Tiếng nhạc phát ra từ chiếc đầu DVD với những bản nhạc của Air Supply rơi vào trong chính sự lạc lõng của hai con người đang tồn tại trong cùng một căn phòng. Thời gian chầm chậm trôi đi, kéo lê cảm giác của Quân trong mệt mỏi. Anh nhẹ nhàng trở vào phòng ngủ, khẽ kéo Thụy Anh vào lòng âu yếm.

Dậy thôi em. Sắp đến giờ tới quán rồi.

- Ôi, hình như em ngủ lâu rồi anh nhỉ. Anh kéo rèm lên đi. Bật đèn nữa. Em thấy tối quá.

Cô vừa nói vừa đứng dậy đi về phía phòng tắm.

- Anh đợi em một lát thôi nhé. Em sẽ tắm nhanh thôi. Chắc không quá muộn đâu anh nhỉ.

- Mấy giờ rồi?, à mới 6h45 thôi mà. Vẫn đủ thời gian ăn gì đó trước khi đi anh nhỉ. Bỗng dưng em thèm một bát phở nóng ở Bát Đàn anh ạ. Mình ra đó ăn trước rồi hãy qua Cầu Giấy nhé.

- Ừ, được rồi. Nếu em muốn thì mình sẽ đi. Nhưng em phải nhanh lên. Anh là khách mời danh dự mà. Anh không muốn đến muộn đâu đấy.

Phố cuối năm, lạnh. Những hàng cây im lìm trong những đợt gió heo may tê tái. Phố càng lạnh giá thì các hàng quán càng đông vui, nhộn nhịp. Đủ các thể loại người ngồi chen chúc nhau trong những chiếc bàn nhỏ nhắn, xưa cũ. Họ ngồi sát vào nhau, cười nói ồn ào quanh những tô phở nóng hổi.

Cảm giác có một góc Hà Nội thật nhỏ bé chỉ tồn tại xung quanh đây thôi. Và những con người kia cũng trở nên đáng yêu nhiều lắm. Không còn những bon chen ngột ngạt. Còn lại chỉ là những hơi ấm của rất nhiều những xa lạ trở thành gần gụi giữa những ngày cuối năm Hà Nội. Thụy Anh hít hà từng hơi với tô phở nóng, và ăn với cảm giác ngon lành như có một niềm vui với người bạn cũ lâu ngày không gặp. Nhìn Thụy Anh khác hẳn với một Thụy Anh mệt mỏi lẩn tránh mà Quân đã ở bên cả chiều nay.

Ngồi trên xe cùng Quân, cô vòng tay ra sau ôm anh thật chặt và thì thầm: - Em xin lỗi. Đừng giận em nhé.

Quán café mới mở nằm trong một ngõ rất nhỏ trên đường Cầu Giấy.

Đây là một ngôi nhà cổ do bố mẹ cậu ta để lại khi họ chuyển sang Mỹ định cư. Ban đầu mọi người trong nhà bàn nhau bán nhà đi để sang đó sống cả gia đình, nhưng mà cậu này “say” Hà Nội quá nên xin ở lại đây làm ăn. Hai năm với dự án về quán café này đấy em. Mà cậu này cũng lạ, có nhiều ý tưởng hay ho ra phết. Anh không thân với cậu ta nhiều nhưng chết mệt ý tưởng kinh doanh của hắn.

- Em có nghe anh nói không vậy Thụy Anh?

- Dạ. Em vẫn đang nghe mà.

Thụy Anh trả lời trong lơ đãng bởi cô thật sự bị bất ngờ với không gian nơi đây. Giữa một Hà Nội nhộn nhịp quá đỗi, khi mà cô và những người xung quanh đều đang vội vã trôi đi trong rất nhiều những lo âu thường ngày như chạy đua với thời gian thì tại nơi đây, thời gian như ngừng lại, ngừng lại tất cả trong tận sâu tâm hồn của mỗi người.

Bỗng dưng đứng trước không gian này, cô muốn khóc, khóc như để nhớ về một phần đã rất xa xưa của Hà Nội. Một Hà Nội tinh tế, kín đáo. Một Hà Nội lặng lẽ, tinh khôi. Một Hà Nội dịu dàng, cổ kính. Một Hà Nội của tuổi thơ dịu dàng với những bản nhạc êm đềm trôi như lá vàng và phố. Nhưng điều ấn tượng nhất của Phố vẫn là một số lượng lớn những bức ảnh chụp cảnh những con phố Hà Nội trong từng khoảnh khắc của thời gian. Những khoảng chớp rất nhỏ lại tạo nên được ấn tượng độc đáo. Thụy Anh miên man nghĩ trong khi bản nhạc Em ơi Hà Nội phố vẫn du dương vang lên đắm say từ người nghệ sĩ đang thổi violin ở phía cuối dãy phố trong căn nhà này này.

Đang mải mê ngắm nhìn không gian của quán thì Quân và Thụy Anh đều giật mình bởi một tiếng nói rất vui vẻ:

- Anh Quân. Cảm ơn anh đã tới. Bọn em đợi anh mãi để cùng nâng ly khai trương mà mãi bây giờ anh mới tới. Muộn quá, đến giờ đẹp nên đành phải làm trước. - Cậu thanh niên trông còn rất trẻ vừa vỗ vai Quân vừa nói.

- À, mình cũng bận chút chuyện nên không qua sớm được. Nghe giang hồ đồn đại quán này ổn lắm, mà giờ tận mắt chứng kiến, tôi thấy ngạc nhiên quá. Cậu giỏi thật đấy.

Quân chỉ sang Thụy Anh và nói:

- Đây là bạn gái mình, Thụy Anh.

- Vâng, chào anh.

- Chào em. Anh Quân đúng là có con mắt tinh tường. Thật là trai tài, gái sắc. Thật đáng ngưỡng mộ.

- Thôi, cậu đừng có nịnh nữa. Mà tôi nghe nói các cậu có cả một nhóm cùng thực hiện dự án này phải không?. Hôm nay họ có đến hết không, cho tôi làm quen với những con gương mặt tài giỏi ấy một chút được chứ?

- Ồ, tài giỏi thì bọn em còn chưa dám nhận nhưng có thể tự hào về tình yêu của mình với Hà Nội. – Dũng vừa nói vừa quay sang mỉm cười với Thụy Anh và Quân.  Mọi người chắc bị ấn tượng bởi cách sắp xếp nội thất trong quán này phải không? Để em gọi chủ nhân của công trình này ra nhé.

- Ê, Phong, Tiến, hai đứa mày ra đây. – Dũng đưa tay vẫy vẫy về phía quầy và hai chàng thanh niên bước ra. Mặt Thụy Anh dần tái đi. Im lặng. Chỉ Quân là cười thật tươi bắt tay Phong và Tiến.

- Thì ra lại là cậu. Tôi nghĩ sau này nhất định cậu sẽ nổi tiếng trong nghề đấy. – Quân vừa bắt tay Phong vừa nói rất hồ hởi.

- Hai người quen nhau rồi sao?, Dũng lên tiếng. Đúng là quả đất này hẹp quá nhỉ. Vậy phải uống rượu để mừng cho buổi gặp mặt ngày hôm nay mới được. Mà như anh nói thì Phong là bạn của em họ Thụy Anh  à? Vậy có phải là cô bé Hải Hoa không nhỉ?

- Đúng rồi, Hải Hoa là em họ của Thụy Anh, hiện đang học cùng lớp với Phong mà. – Quân nói.

- Haaaaaaaa. Vậy thì tất cả chúng ta là những người rất thân thiết rồi. Hải Hoa cũng là một trong những người đã rất tích cực giúp đỡ em trong thời gian xây dựng café Phố đấy ạ. – Dũng vừa cười vừa uống ực luôn ly rượu cầm trên tay.

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 4) - 2

Thụy Anh miên man nghĩ trong khi bản nhạc Em ơi Hà Nội phố vẫn du dương vang lên đắm say từ người nghệ sĩ đang thổi violin ở phía cuối dãy phố trong căn nhà này này. (ảnh minh họa)

Mọi người vui vẻ trò chuyện với nhau về những dự định cũng như về thời gian triển khai ý tưởng của quán Phố, trong khi đó Phong và Thụy Anh im lặng dần. Phong cứ chăm chú nhìn về phía Thụy Anh. Cô biết điều đó, nhưng cô cố gắng ngồi thật gần về phía Quân và né tránh ánh mắt của Phong. Việc gặp Phong hôm nay thật sự đã làm cô cảm thấy vui, bởi cô không thể phủ nhận rằng cô đã rất trông ngóng anh, dù ở bất cứ đâu, cũng mong được nhìn thấy anh.

Nhưng rồi, nhìn thấy ánh mắt của Phong, cô lại cảm giác sợ hãi. Sợ rằng cô sẽ bị kéo tuột đi trong chính sự yếu đuối của tâm hôn mình. Có phải cô đang yêu Phong? Không cô không tin vào điều đó nhưng cô lờ mờ nhận ra rằng anh là người đã đánh thức những nỗi đau đớn và chênh vênh trong tâm hồn cô. Ở đây, nhìn vào ánh mắt của anh cô biết anh đang đọc được tất cả những suy nghĩ và day dứt của cô bới vậy mà cách duy nhất cô có thể làm là trốn tránh anh. Sự đối diện thinh lặng của hai người làm cho cả Phong lẫn cô đều cảm thấy đau xót.

Phong đã rất nhớ Thụy Anh. Anh muốn nói cho cô biết anh đã nghĩ về cô nhiều như thế nào. Đã thổi bao nhiêu bản saxophone để như cố đi tìm một Thụy Anh tại sao lại sợ hãi saxophone đến như thế. Nhưng rồi bây giờ hai người ngồi đối diện với nhau, rất gần, nhưng việc duy nhất mà cả hai có thể làm là im lặng. Im lặng theo đuổi những suy nghĩ về nhau.

- Hải Hoa có thường tới đây không?, à mà sao hôm nay là ngày quan trọng của Phố mà cô ấy lại không tới nhỉ? - Thụy Anh buộc phải lên tiếng để phá vỡ cái cảm giác sợ hãi đang trấn áp cô khiến cô nghẹt thở.

- Có, cô bé thường hay tới đây. Nhưng muộn lắm. Vì buổi tối đi làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng anh nào đó. Tôi cũng không rõ lắm. Nhưng chắc chỉ khoảng ba mươi phút nữa là có mặt ấy mà. Nhóc này mà không tới đây là kiểu gì cũng nhớ không ngủ được. - Tiến cười hồ hởi nói.

Nghe như cô bé say quán này quá nhỉ.

- Không những say quán mà còn say cả người nữa. - Tiến nói rồi quay về phía Dũng cười rất điệu bộ.

Trong khi mọi người đang nói chuyện rất rôm rả thì Phong lên tiếng:

- Thôi, tôi về trước đây. Tối nay hứa với ông bà là về sớm rồi. La cà mãi đến lúc muốn đi đâu mà không đi được thì chết. – Phong đứng dậy xin về trước có việc, nhưng thực ra có lẽ Thụy Anh là người hiểu rõ lý do nhất. Họ lại im lặng nhìn nhau, cứ như thế cho tới lúc Phong kéo ghế đi ra ngoài.

- Thằng này hôm nay lạ. Tự nhiên lại lý do lý trấu về sớm. Bình thường hôm nào mà nó chẳng lang thang ngoài phố rồi đi bar thổi saxophone cho đến đêm mới về cơ mà.

Phong về được một lúc thì Quân và Thụy Anh cũng xin phép ra về:

- Mà nói vậy thôi chắc tôi với Thụy Anh cũng về bây giờ vì hôm nay Thụy Anh cũng mệt. Để hôm khác mấy anh em mình tụ tập nhau lâu hơn nhé.

- Sẵn sàng thôi anh. Quán này chúng em quyết định sẽ là nơi chốn của dân lang thang nên sẽ đóng cửa muộn. Em làm kế hoạch với các bác tổ dân phố rồi. Mình là dân thổ cư mà từ trước tới giờ chưa có vấn đề gì nên chắc cũng ổn thôi. Vậy nên khi nào mà có muốn tìm ai đó uống rượu hay muốn ngắm phố đêm thì cứ sang đây với bọn em.

Dũng tiễn Thụy Anh và Quân ra đến tận cửa rồi còn dặn với theo, - Hai người nhớ qua lại thường xuyên ủng hộ nhé.

Thụy Anh trở về phòng trong khi vẫn còn đang chuếnh choáng vì lần gặp gỡ quá bất ngờ với Phong khi nãy. Cô thật sự đã phải cố gắng hết sức để chế ngự cảm xúc của mình. Nhưng cô biết cô đã làm Quân buồn, và biết đâu Quân đang lờ mờ nhận ra điều gì đó trong con  người cô mà từ trước đến giờ vẫn luôn là một ẩn số với anh. Thụy Anh nằm im trên giường mặc kệ những suy nghĩ cứ chồng chéo lên  nhau. Không có bất kì điều gì liền mạch nhau hay có sự kết dính với nhau vì điều gì đó.

Mọi điều đang diễn ra trong đầu cô đều là những vết gạch, xóa nham nhở. Mùi thuốc lá ngày một đậm đặc hơn khiến chính bản thân cô ngạt thở. Thụy Anh vùng dậy mở cửa sổ, nhìn xuống đường. Gần 2h sáng, phố vắng tanh, lạnh ngắt. Không còn tiếng gì vọng lại ngoài một luồng gió xoẹt qua đầu Thụy Anh, cô bỗng nhiên ngã nhào xuống nền gạch lạnh buốt của banlcon tầng 3. Choáng váng như có một mảnh đạn chạy quanh trong đầu. Cảm thấy nhưng không thể nào giữ nó đứng yên một chỗ.

Dư âm của những ngày tháng mười một với sự ra đi của mẹ và cái chết của Phương, và rồi sự xuất hiện của Phong như một định mệnh đã được số phận sắp đặt. Có khi nào sự xuất hiện của Phong bên cạnh cô cũng giống như mẹ và Phương. Họ rồi cũng đến và đi bên cuộc đời của Thụy Anh như thế, ra đi mà chưa bao giờ nghĩ rằng rồi người ở lại là cô sẽ phải chật vật bắt đầu tiếp tục như thế nào. Không ai thật sự là tri kỉ của ai trong cuộc sống này cả.

Cô chỉ có cảm giác rằng khi đó cô như bị một ai đó đập một vật rất nặng vào đầu, và tất cả mọi điều đang có trong tâm hồn cô chợt tan biến, còn lại chỉ là những tờ giấy trắng tinh đặt lộn xộn giữa rộng dài tâm hồn. Và nước mắt bắt đầu rơi. Rơi không có cách nào ngăn lại được. Những ngày sau đó, cô bé Thụy Anh vẫn cứ khóc, khóc mãi, từ khóc thật to, nước mắt ước đẫm cả những vạt tóc dài lấm tấm dính trên mặt, rồi đến khi chỉ còn tấm tức khóc, nước mắt như nghẹn lại, vón cục trong cổ họng đã quá đau rát. Đôi mắt sưng lên, đỏ ngầu, và nhức đến nỗi cô không thể nhắm đôi mắt của mình lại nữa.

Rồi tiếp đó là cảm giác chỉ nằm trong phòng với lỉnh kỉnh những bình truyền và nhiều những loại dây thòng lòng khác. Suốt những ngày ấy, cô không còn khóc nữa, và mảy may không nghĩ gì đến mẹ. Chỉ có những giấc mơ cứ chập choạng, mờ ảo về những bông hoa trắng, bay đầy những con đường quen thuộc. Một màu trắng héo héo, mỏng mảnh, cứ ngày một đầy, ngày một nhiều. chúng đợi nhau, đuổi nhau, kéo nhau đi rất xa, rất xa. Cô cứ ngẩn ngơ nhìn chúng. Không có bóng dáng của bất kì ai.

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 4) - 3

Anh như thế, ra đi mà chưa bao giờ nghĩ rằng rồi người ở lại là cô sẽ phải chật vật bắt đầu tiếp tục như thế nào. Không ai thật sự là tri kỉ của ai trong cuộc sống này cả. (Ảnh minh họa)

Và trong những giấc mơ thức ngủ chờn vờn đùa giỡn ấy, đôi lúc có thể mở mắt ra, khi nào cô cũng nhìn thấy một người đàn ông ngồi đó, im lặng nhìn cô. Mái tóc đã lơ thơ trắng, cùng với bộ comple đen. Dáng ông trông gầy, nhỏ thó trong chiếc ghế bành to rộng để trong phòng cô. Hình ảnh của người đàn ông đó rồi cũng mờ dần, mờ dần. Đôi mắt ấy lại nhắm vào, và tất cả chỉ là một màu trắng, trắng mãi đến tận cùng.

Hơn một tuần sau, Thụy Anh tỉnh lại. Căn phòng âm u như kiểu cả năm trời không có người ở.

- Con lên phòng thờ đi. – ông Minh nhìn Thụy Anh mệt mỏi nói.

- …

Thụy Anh im lặng đi theo bố lên phòng thờ. Khói hương vẫn nghi ngút. Bên dưới đó đặt rất nhiều vòng hoa và một vài lọ hoa cúc vàng đặt ngay ngắn bên dưới bàn thờ.

- Mẹ con và em mất rồi. Mẹ đẻ khó. Bố đã muốn cứu cả hai người nhưng rồi lại để cả hai cùng phải ra đi….. Bố xin lỗi.

- ….

- Con thắp hương cho mẹ đi.

- Mẹ mất rồi…., con sẽ không bao giờ được gặp mẹ nữa. – Thụy Anh nói những âm thanh ấy như một chiếc máy, khô khan. Không có một giọt nước mắt nào rơi xuống.

- Con gái…., ông nói rồi nghẹn lại, từ từ đến ôm cô con gái bé nhỏ của mình. Vai Thụy Anh khẽ rung lên nhưng rồi cô bé bảy tuổi ấy vẫn im lặng. Cô nhẹ nhàng gỡ vòng tay của bố ra và từ từ lấy ba nén hương thắp lên bàn thờ.

- Con về phòng đây. Con mệt rồi.

- ….

Thụy, con vẫn ổn chứ? , Ông Minh kéo tay Thụy Anh lại và nhìn cô với vẻ mặt lo âu, vẻ vừa như bất lực vừa như cầu xin. Cô bé choàng đôi tay bé xíu của mình ôm ông lấy cổ ông, khẽ vuốt mái tóc rất nhiều sợi bạc của ông và thì thầm: “mình đi ăn cơm nhé. Con biết làm món trứng rán, con sẽ rán cho bố ăn”.

Một giọt nước mắt lăn dài trên đôi má đã hóp lại vì nhiều ngày mất ngủ của ông. Rồi ông khóc, khóc như một đứa trẻ. Cuối cùng những giọt nước mắt mà ông cố nén trong suốt những ngày qua đã bị cô con gái bé nhỏ làm vỡ òa. Ông ôm cô, xoa đầu và bế cô xuống bếp, đặt cô bé vào bàn ăn, và bê một nồi cháo đỗ xanh thơm nức đặt trên bàn.

- Hai bố con mình cùng ăn. Bố ninh từ sáng sớm, bây giờ đã nhừ lắm rồi.

- Bố cũng biết nấu cháo đỗ xanh ạ?

- Bố phải học nấu chứ. Nấu cho con gái còn đang ốm ăn mà. Đỗ xanh mát lắm, con ăn nhiều vào cho khỏe để còn đi học chứ.

- ….

Thụy Anh im lặng.

- Sáng mai con sẽ bắt đầu đi học lại.

- Con không muốn nghỉ ngơi nữa sao? Bố thấy con vẫn còn hơi yếu.

- Con khỏe rồi, mai bố đưa con đi học nhé.

Con lên phòng trước nhé.

Ông Minh ngồi nhìn Thụy Anh bước lên tầng hai mà vẫn không thể nào cắt nghĩa nổi những gì diễn ra trong mấy ngày nay với đứa con gái của mình. Tại sao bỗng dưng con bé lại trở nên như vậy, để rồi ngày cả khi biết mẹ và em trai không còn nữa, nó cũng chỉ có được một thái độ dửng dưng như vậy. Nhưng ông đã quá mệt mỏi với quá nhiều chuyện ập đến chỉ trong mấy ngày này. Ông thậm chí không còn sức để thở nữa. Ngay chính cái bản năng nhất để duy trì sự sống cho mình mà ông cũng phải khó nhọc lắm mới có thể tiếp tục. Từng hơi thở khò khè, như một con bò già kéo cả một đoàn người nặng nề trên sa mạc. Chỉ cần dừng lại một giây thôi, mọi thứ sẽ dừng lại vĩnh viễn. Ông sẽ ngã quỵ trong chính khi đang cố gắng.

Những ngày đó bây giờ vẫn còn hiển hiện một cách sáng tỏ nhất trong tâm trí của Thụy Anh. Những ngày tháng mười một đầy mưa bụi và hoa cúc. Những ngày tháng mười một, cô chỉ còn lại là một cơ thể héo mòn hao gầy. Không có một dấu chấm hỏi nào được đặt ra vào khi ấy, bởi cô không còn một ý niệm nào về bất kì chuyện gì. Cô bé lặng lẽ, lặng lẽ mãi đi như một con người đã chết và cơ thể đang tồn tại chỉ là một mô hình được tạo nên bởi điều gì đó.

Sáng nhẹ nhàng đến bên ô cửa sổ nhỏ bé, hắt vào bên trong một vài vạt nắng hanh hao của mùa đông đầy gió với một màu trời âm u, bàng bạc.

Thụy Anh đến lớp, vẫn ngồi vào chiếc bàn cuối cùng nhìn ra phía cửa sổ tầng bốn. Lớp vẫn tẻ nhạt như mọi ngày, vẫn là những câu chuyện không đầu không cuối, là những nụ cười nhạt nhạt đưa đẩy nhau.

Chưa hết tiết hai, cô chui ra ngoài quán trà đá gần trường đốt thuốc. Những hàng cây mùa đông liêu xiêu rụng lá. Bất chợt có người đến ngồi bên cạnh, rất gần.

- Lại có người trốn học rồi?

- …… - Thụy Anh ngạc nhiên quá nên không thể nói được điều gì.

- Muốn đi dạo phố cùng tôi không?

- Cũng được.

Phong cười rất tươi và để mặc cho Thụy Anh còn băn khoăn không hiểu sao cậu ta lại có mặt ở trước cổng trường cô vào lúc này. Đang mải suy nghĩ vẩn vơ thì cô đã giật mình vì Phong đã phóng xe đến ngay cạnh mình: - Đi nào. Cũng không hiểu sao mỗi lúc gặp Phong, cô lại chỉ muốn được như một đứa trẻ, bé nhỏ vâng lời. Phong chạy xe chầm chậm trên phố. Cả hai cùng im lặng ngắm nhìn thành phố bé nhỏ. - Chị đang nghĩ gì?

- Nghĩ về những con phố. Tôi muốn chạm chân vào chúng.

- Đợi tôi tìm chỗ gửi xe nhé.

Phong tạt vào phố Gia Ngư gửi xe.

- Bao lâu rồi chị không đi qua những con phố này?

- Bao lâu?, tôi không nhớ nữa, cũng không biết mình có phải đi thật không hay chỉ là một ảo giác nào đó mà chính tôi cũng không thể cảm thấy được.

Phong nhẹ nhàng chạm vào đôi bàn tay đang lạnh giá của cô thì thầm: - Để tôi nắm tay chị.

Thụy Anh cứ để im đôi bàn tay mình trong tay Phong và cô càng cảm thấy rõ hơi ấm từ đôi tay với các ngón tay rất dài và mềm của Phong.

- Tay cậu thật ấm nhỉ?

- Bởi vì tay chị lạnh mà.

- …….

Phong khẽ cười, cười rồi nhìn về phía bên kia phố “Hãy cho tôi được ở bên Thụy Anh hết ngày hôm nay nhé”, và anh siết chặt tay Thụy Anh hơn nữa.

- Thật ra Hà Nội vẫn như thế nhỉ. Đôi lúc tôi thèm ra phố, chạy thật nhanh qua những con đường để hít hà chút gì đó. Có lúc bụi bặm, khói bụi, xăng xe cũng khiến tôi mỏi mệt, nhưng càng như thế, tôi càng muồn lao mình vào những nơi đó để vuốt ve những con đường đang đau đớn vì nhiều khi phải làm việc quá sức chịu đựng.

- …….

-  Chị hãy thử nhìn về một phía thôi. Cứ nhìn vào đó, chị sẽ thấy những con đường hiện ra dần dần, ngày một sâu thêm và nhỏ lại. Cũng giống như chúng ta thôi. Con đường mà những con người như chúng ta đang cố gắng để lao tới cứ dài thêm mãi. Chị hãy tưởng tượng rằng, một lúc nào đó chị sẽ phải dừng lại vì nó ngày bỏ xa chị. Càng cố đuổi theo nó càng dài ra.”

- Còn quay lại cũng không có đường quay lại phải không?.

- ……

- Ừm, vô nghĩa thôi. – Thụy Anh nói  rồi lảng nhìn đi chỗ khác. Cô nghĩ thầm “Vô nghĩa thật mà”. Cô chỉ còn biết lúc này thôi.

(Còn nữa)

Mời các bạn theo dõi phần 4 của truyện ngắn Bản nhạc giữa chiều dang dở trên Tình yêu giới tính và ngày 19/9.

Đại Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện ngôn tình