Những lời em dâu nói mà tôi rơm rớm nước mắt. Không ngờ em ấy có suy nghĩ sâu sắc đến vậy. Thế mà bao lâu nay, tôi cho em là trẻ con, lười biếng, sống ỷ lại.
Bố mẹ tôi ngày trẻ là những người năng động, làm ăn giỏi nên kiếm được khá nhiều tiền. Ông bà xây được căn biệt thự trị giá 10 tỷ và mua được 2 đầm để nuôi tôm.
Sau khi tôi lấy chồng, bố mẹ thương tình kinh tế gia đình tôi khó khăn nên đã cho mượn một đầm lớn để nuôi tôm thả cá. Nhờ được sự giúp đỡ của ông bà ngoại nên suốt 20 năm qua mà chúng tôi có đủ tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và lo cho các con ăn học.
Để báo đáp lòng tốt của ông bà, những năm qua, vợ chồng tôi luôn chăm lo sức khỏe cho 2 người. Mẹ tôi bị nhiều bệnh nên tháng nào cũng phải đi bệnh viện khám, có những lần bà còn nằm cả tuần ở viện. Lần nào tôi cũng đưa đi và chăm lo cho bà.
Mỗi khi nhà ngoại có cỗ bàn gì, vợ chồng tôi luôn đến sớm để lo toan mọi việc. Tuy ông bà sống cùng với vợ chồng em trai tôi nhưng các em bận rộn công việc, đi làm cả ngày, nếu có cỗ mọi người chỉ ngồi chờ mấy em ấy về ăn. Đến cái bát cũng chẳng muốn rửa vì ăn xong các em ấy bận lo chuyện con cái học hành, tắm rửa giặt đồ cũng tối muộn.
Ngày em tôi lấy vợ, bố mẹ mừng lắm cứ nghĩ là ế nên em dâu rất được mọi người cưng chiều. Từ ngày em ấy về làm dâu rất ít khi động vào việc nhà. Đi làm về bố mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn cơm ra bàn và chỉ việc ngồi vào ăn. 2 đứa con đẻ xong để ông bà chăm sóc và các em yên tâm đi kiếm tiền.
Các em bận rộn công việc, đi làm cả ngày, nếu có cỗ mọi người chỉ ngồi chờ mấy em ấy về ăn. (Ảnh minh họa)
Tháng nào mẹ tôi cũng mua cho cháu nội vài thùng sữa, thỉnh thoảng còn cho tiền em dâu đóng học phí cho con. Tuy mẹ không nói nhưng tôi biết. Đôi lúc tôi có chút ghen tị với em dâu, dường như bố mẹ đối xử tốt với con dâu hơn con gái.
Nhiều lần tôi buồn phiền và tâm sự với chồng, anh ấy động viên:
“Bố mẹ cho ai người ấy hưởng, không cho cũng phải chịu. Phận làm con thì cứ hiếu thảo tốt với ông bà để cho các con học hỏi. Bỏ tính ghen tị với em dâu đi, người ngoài họ biết sẽ cười cho”.
Nói xong chồng búng tay vào mũi tôi cái làm tôi tỉnh táo lại. Tôi là chị lại ghen tị với các em, thật xấu hổ quá mất.
Ngày hôm kia, gia đình tôi có đông đủ con cháu sum họp, bố bất ngờ nói:
“Bố mẹ đã già rồi, chẳng biết sống được bao lâu nữa. Bố sợ ra đi đột ngột, các con lại mâu thuẫn bất hòa về tài sản của bố mẹ để lại. Vì thế bố quyết định lập di chúc để lại tài sản cho các con.
Bố sẽ cho vợ chồng con gái cái đầm tôm nhỏ, tháng sau các con chuyển đồ đạc qua đó mà ở, trả lại đầm lớn cho em trai. Vợ chồng con trai sẽ quản đầm lớn và ngôi biệt thự này. Sau này các con có nghĩa vụ thờ cúng bố mẹ và tổ tiên”.
Tôi là chị lại ghen tị với các em, thật xấu hổ quá mất. (Ảnh minh họa)
Dù biết trước những lời bố nói nhưng tim tôi đau nhói, tổng tài sản bố cho em trai tôi lên đến 13 tỷ, vậy mà cho tôi cái đầm nhỏ khoảng hơn 1 tỷ. Tại sao lúc nào bố cũng quý trọng em trai tôi hơn thế này?
Ở đầm lớn, tôi xây nhà cửa rộng rãi, chuyển qua đầm nhỏ, gia đình tôi chen chúc trong túp lều tranh đúng nghĩa ư? Đầu óc tôi đang quay cuồng, chưa biết phải làm gì để bố mẹ cho ở lại đầm lớn thì em dâu bất ngờ nói:
“Những năm qua, toàn có vợ chồng chị gái chăm sóc bố mẹ, bọn con không giúp được gì mà chỉ có quấy rầy ông bà. Bọn con đi làm suốt và không có duyên làm đầm ao. Bố mẹ để lại cho chúng con ngôi biệt thự này là quá lớn.
Bố nên sửa lại di chúc là để lại 2 cái đầm cho vợ chồng chị gái cai quản, bọn con không dám nhận hết tài sản đâu. Con trai cũng như con gái, bố mẹ phải đối xử công bằng”.
Những lời em dâu nói mà tôi rơm rớm nước mắt. Không ngờ em ấy có suy nghĩ sâu sắc đến vậy. Thế mà bao lâu nay, tôi cho em là trẻ con, lười biếng, sống ỷ lại. Nào ngờ em lại rất đạo đức và không tham lam. Nhờ lời nói của em ấy mà gia đình tôi vẫn được ở chỗ cũ và có thêm một cái đầm nữa để làm ăn.