Chuyện tình người chồng 27 năm chăm vợ bệnh hiểm nghèo

Ngày 28/06/2015 08:43 AM (GMT+7)

Không một lời kêu thân, trách phận, người đàn ông ở cái tuổi lục tuần vẫn từng ngày chăm bẵm từng thìa cơm, giặt từng chiếc áo, canh chừng từng giấc ngủ cho vợ 20 năm có lẻ.

Đến xóm chạy thận Phương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi được những người bệnh ở đây kể về câu chuyện chồng ốm chăm vợ bệnh cảm động đầy nước mắt. Câu chuyện của ông Bùi Văn Hồng (60 tuổi), 26 năm qua ân cần chăm sóc người vợ mắc bệnh là bà Lê Thị Minh (58 tuổi) khiến những người chứng kiến ai cũng khâm phục, thêm niền tin vào tình yêu trong những thử thách của cuộc sống.

Mảnh tình đời chạy thận

Hai vợ chồng ông Hồng quê ở Kiến Xương, Thái Bình. Bà bệnh tật liên miên, ban đầu là căn bệnh viêm cầu thận hoành hành hơn chục năm rồi lại tiếp tục chiến đấu với căn bệnh tiểu đường 12 năm. 3 năm nay, bệnh đã chuyển thành suy thận, ông theo bà lên chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai. Trước đó, 2 vợ chồng ông bà cũng đã lăn lộn hơn 2 tháng điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Mấy cái chục năm cộng lại cũng là từng ấy năm ông Hồng long đong đưa vợ đi chữa trị khắp nơi.

Nhớ lại từng quãng thời gian nhọc nhằn, vợ bệnh, con nhỏ, ông chạy đôn đáo đưa vợ đi khắp các bệnh viện, phòng khám. Ai mách có ông lang nào chữa giỏi hay vị thuốc hay là xa tận đâu, ông cũng đi tìm mua về cho vợ. Ông Hồng sức khỏe cũng không được tốt, ông là bộ đội đi ra từ cuộc kháng chiến gian khổ, trở về với vết thương nặng gần tim, ông là thương binh hạng ¼.

Chuyện tình người chồng 27 năm chăm vợ bệnh hiểm nghèo - 1

Ông Hồng và bà Minh ở xóm chạy thận nghèo Phương Mai

Ông Hồng rưng rưng: “Nhờ mai mối mà năm 80 chúng tôi đến với nhau, tôi không ngờ một người con gái xinh đẹp hiền lành lại tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân đến chăm sóc một kẻ không lành lạnh là thương binh như tôi. Nhưng ông trời chỉ thương có vậy, bà ấy mắc bệnh làm cho tôi rất bàng hoàng”.

Nén nỗi đau vào trong, người thương binh ấy tích từng đồng lương còm dìu vợ đi khắp nơi chạy chữa. Ông nhớ những ngày ấy ngày đạp xe 2 lần sáng, tối tổng cộng 60km để cho vợ ăn rồi lại đạp về chăm con. Cuộc sống cứ đều đặn trôi qua như thế, hai vợ chồng yếu ớt chăm nhau. “Bà ấy giảm đi gần chục cân, người gầy yếu giờ chỉ còn chưa đầy 35 kg. Tôi cứ dỗ ăn mãi mà như trẻ con, chỉ ăn chút xíu rồi lại bỏ, nên khi bà thèm ăn gì kêu một tiếng là tôi phải vội chạy đi ngay, cứ như nuôi vợ nghén quanh năm ấy”, ông Hồng cười xuề xòa.

Đêm nào bà cũng trở dậy ít cũng 4-5 lần, những lúc ấy, ông cũng không ngủ được lại thao thức, lo lắng rồi dậy đấm bóp cho vợ. Nhiều khi đi chạy thận, ông phải cầm theo chiếc chậu  nhựa đứng cạnh vợ để lỡ vợ nôn, rồi động viên từng câu nhẹ nhàng cho vợ đỡ tủi vì biết bà mệt mỏi lắm. Gần 4 tiếng chạy thận từ 6 giờ 30 sáng đến 11 giờ trưa, lúc nào ông cũng túc trực bên vợ, không dám đi đâu.

Tình yêu ngọt ngào vượt lên bệnh tật, tuổi già

Ở xóm chạy thận, 2 vợ chồng ông bà trải chiếu nằm dưới nền nhà. Mới đây, ông thương vợ sắm chiếc giường chưa đến 500 nghìn để vợ đỡ cực hơn. Chiếc giường cũng là góc nhỏ duy nhất cho việc ăn, ngủ, sinh hoạt, là không gian nương tựa và hạnh phúc của hai vợ chồng. Ông bà tâm sự nhiều lúc 2 vợ chồng cũng buồn chán rồi lại tự động viên lẫn  nhau. Bà Minh lại hay buồn chuyện người em cũng mắc suy thận bệnh phải chạy như mình.

Dù nghèo khó nhưng ông Hồng nhất quyết: “Phải chạy chữa đến cùng dù có vay thêm nữa cũng để bà nhà tôi được sống, bà ấy sống cùng tôi ngày nào là tôi hạnh phúc ngày ấy rồi”.

Đến xóm chạy thận, nghe những “đồng nghiệp” của ông bà kể chuyện đời thường mới thấy tình cảm mặn mà của hai người già mà như thuở mới yêu. Ông Hồng tự tay tiêm thuốc cho vợ, ông vẫn trêu đùa ông là bác sĩ riêng của vợ, là bác sĩ vườn. Mọi việc sinh hoạt, ông không để cho vợ đụng vào việc gì, đến thay chiếc áo, giặt chiếc quần cho bà cũng mình ông làm cả.

Chuyện tình người chồng 27 năm chăm vợ bệnh hiểm nghèo - 2

Ông Hồng trở thành “thầy thuốc vườn” hàng ngày chăm sóc, dỗ dành vợ đau ốm

Những người ở xóm chạy thận bảo: Ông sợ bà đi lắm, ông ấy làm hết mọi việc chỉ mong bà ấy ở bên mình. Chị Nhung, cùng phòng với ông bà thủ thỉ: “Nhớ những đêm mùa hè mất điện, chúng tôi chẳng ai ngủ được, ngõ sang giường bên cạnh thấy ông đang ngồi tay phe phẩy chiếc quạt cho bà, cứ thế đến tận sáng, ai chứng kiến cũng cảm động”.

Trời mưa đi chạy thận về có cái mũ cối trên đầu ông cũng đội cho vợ. Đi ra ngoài, ai cho ông cái gì ăn, ông chẳng dám ăn, chỉ bảo xin một miếng cầm về cho vợ. Ông Hồng còn tiết kiệm, lần nào về quê cũng mang rau lên. Ông chăm bà cứ như chăm con thơ, mọi việc đều ông làm đến nỗi 3 năm nay bà không biết đo huyết áp.

Bà Minh sụt sùi kể: “Tôi may mắn vì có được người chồng như thế. Valentine năm trước, ông đưa tôi chiếc bánh Chocopie bảo tặng bà, có thế thôi mà tôi cứ nhớ mãi”.

3 năm lên Hà Nội chăm vợ chữa bệnh, khi thấy người yếu đi, ông Hồng lại bắt xe về quê khám bệnh để con trai lên chăm mẹ nhưng Tết này ông nhất quyết ở lại chăm vợ. Lịch chạy thận sát ngày Tết, ông Hồng thương vợ đi lại vất vả, 2 vợ chồng đành đón Tết ở xóm chạy thận.

Câu chuyện cảm động của vợ chồng 2 người bệnh giữa cuộc sống xô bồ khiến chúng ta trân quý hơn thứ tình cảm yêu thương giản đơn mà cao đẹp ấy.

Minh Nguyệt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện tình yêu