Những tưởng sang Iran du học 6 tháng rồi về, không ngờ Đỗ Lệnh Hoài Anh có mối tình định mệnh ở đây khiến cô gắn bó với mảnh đất hồi giáo này.
“Cảm ơn anh! Nếu không có anh thì em sẽ không thể nào tìm được những điều tiềm ẩn trong bản thân, bứt phá được và cũng không có người nào chịu được em như anh đâu. Cảm ơn anh đã đến”- Đó là những chia sẻ của Đỗ Lệnh Hoài Anh (26 tuổi, Sài Gòn) dành cho ông xã của mình, Amir Hossein, 30 tuổi, đang là giám đốc một công ty du lịch tại thành phố Qazvin (Iran).
Amir không chỉ giúp cô biến những điều không thể thành có thể, giúp cô tự mua được nhà, xe hơi mà còn mang đến cho cô một tình yêu tuyệt đẹp, một gia đình chồng tuyệt vời ở đất nước nghìn lẻ một đêm này.
Hoài Anh và ông xã Amir.
Nhân duyên định mệnh trong một lần bất ngờ dạy sớm đi leo núi
Đỗ Lệnh Hoài Anh là một du học sinh của Việt Nam hiếm hoi trụ lại lâu ở Iran. 5 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở một trường đại học TP. HCM, cô gái Sài Thành này quyết định “nộp hồ sơ vui vui” xin học bổng 100% của Đại sứ quán Iran. Nào ngờ quyết định ấy đã đưa cô đến một ngã rẽ khác khi là một trong 6 người trúng học bổng này.
Thời điểm đó, Hoài Anh sang Iran không có một người Việt Nam nào vì mọi người khóa trước học xong đều bỏ cuộc hết về nước. Ngay chính khóa của cô có 6 người cũng bỏ về hết chỉ còn một mình cô trụ lại sau 6 tháng sang đây học tiếng.
Hoài Anh tâm sự, bản thân cô thời điểm đó cũng nản vì học tiếng Iran khó.Thêm nữa, ở đây không có một người Việt Nam nào, ngay cả một quán ăn cũng không có. Cô phải ăn tiêu dè sẻn với 700 đô Iran một tháng và mọi sinh hoạt bị bó hẹp trong khuôn viên trường. Đó chưa kể, cô bị sốc văn hóa hoàn toàn với tôn giáo đạo hồi của họ.
Khi vừa đặt chân xuống sân bay Ispahan cô đã bị nhắc nhở, rồi ra cổng ký túc xá cũng bị bảo vệ chặn không cho đi mà bắt vào thay đồ vì trang phục tuy dài nhưng chưa dày. Và đã không ít lần cô gặp phiền toái với trang phục, với chiếc khăn đội đầu với bộ quần áo dày sụ giữa thời tiết mùa hè nóng bức 50 độ.
“Ở đây là thành phố cổ nên rất nghiêm khắc trong chuyện quần áo. Người phụ nữ phải trùm khăn trên đầu và mặc quần áo dày qua mông kín đáo. Vậy là từ đó, trong đầu mình luôn cố gắng chú ý đến trang phục để không bị nhắc nhở.
Sau một năm, những khó khăn nhất đã qua đi, mình biết tiếng, không còn sợ gì nữa. Mình được chuyển xuống thành phố Qazvin học thạc sĩ, ở đây có suy nghĩ thoáng hơn nên trang phục không còn khắt khe và khó như trước nữa. Đây cũng là nơi mình gặp được mối tình định mệnh”, Hoài Anh cười kể.
Sang đây cô phải chú ý trang phục của mình mỗi khi đi ra đường.
Chia sẻ cơ duyên gặp gỡ với Amir, Hoài Anh cho biết, đó là một ngày cuối tháng 11/2016. Cô được một người chị ở chung phòng rủ đi leo núi với những người bạn Iran để trao đổi tiếng. Với bản tính không thích những hoạt động leo trèo lại hay ngủ nướng nên Hoài Anh cứ chần chừ “để mai tính”. Nào ngờ như duyên số sắp đặt sẵn, hôm đó cô bị mất ngủ, dạy sớm hơn mọi ngày nên đã tham gia vào hoạt động đó và gặp Amir.
Sau lần gặp đầu tiên, được tiếp xúc với Hoài Anh, dường như Amir đã trúng tiếng sét ái tình. Anh chủ động xin số của Hoài Anh để liên lạc. Kể từ đó duyên số gắn kết 2 người lại với nhau cho đến tận bây giờ.
“Mình là mối tình đầu của anh nên có lẽ anh vụng về. Hồi đầu anh lạnh lùng ít nói lắm, xin số điện thoại cũng cục mịch, không lãng mạn gì cả. Anh xin số qua chị bạn của mình rồi nhắn tin bảo “Em đấy à sao tự nhiên em có trong danh bạ của anh”. Mình buồn cười bởi sự dễ thương, hóm hỉnh đó”, Hoài Anh chia sẻ.
Cứ thế một năm trời, hàng ngày, Amir luôn viện cớ tiện đường đến đón Hoài Anh đi học, đi chơi, rồi đưa cô về ký túc xá. Anh giới thiệu cô là bạn gái với bạn bè nhưng chưa bao giờ nói lời yêu hay thích cô.
Nói đến đây Hoài Anh cười cho biết, dần dần cô bị yêu ngược lại Amir. Cô yêu anh vì sự điềm đạm, vì hành động nói ít làm nhiều của anh. Tuy nhiên, vì chưa bao giờ nhận được lời tỏ tình của Amir nên nhiều lúc cô hoang mang không biết anh có tình cảm với mình hay lầm tưởng, cô sợ sự quan tâm của anh dành cho mình cũng giống như sự ga lăng của bao chàng trai Trung Đông khác.
Và rồi, cô quyết định một ngày làm phép thử, rủ Amir cùng chị bạn và bạn trai người Pakistan đi leo núi. Sự quan tâm, ga lăng của anh chàng Pakistan dành cho Hoài Anh đã khiến Amir ghen.
Về nhà, anh nhắn tin cho cô giọng trách móc và hờn dỗi “Anh bạn kia chăm sóc em nhiều quá ha. Bạn trai em hả? Không được, em là bạn gái anh mà”.
“Em đã đồng ý làm bạn gái anh đâu. Anh có nói gì đâu”- Hoài Anh nhắn lại.
Sợ sẽ mất Hoài Anh, Amir đã nhanh chóng bày tỏ tình cảm của mình: “Làm bạn gái anh đi. Em làm vậy anh đau lắm, khó chịu lắm" trong sự vui mừng của Hoài Anh vì đã “gài bẫy” được bạn trai.
Đó cũng là lần đầu tiên sau một năm quen nhau Amir nói thích Hoài Anh và đó cũng là mốc mà cô nhớ nhất trong chuyện tình yêu của mình với bạn trai đầu tiên người Iran.
Amir đã giúp cô không còn cô đơn ở Iran.
Giây phút hiếm hoi với người yêu là vài phút đỗ xe trước cửa nhà
Ở Iran, chuyện nam nữ hẹn hò vô cùng khó khăn bởi xã hội hồi giáo xem hẹn hò là điều cấm kỵ. Nam nữ đi trên đường có thể bị cảnh sát xét hỏi, bắt giam, thông báo về gia đình, thậm chí, chỉ cần đến nhà bạn trai chơi, hàng xóm thông báo cũng bị cảnh sát bắt nên Hoài Anh luôn lo sợ cho Amir. Tuy nhiên, Amir lại chính là người trấn an Hoài Anh, anh động viên cô bình thường như không có chuyện gì.
Mỗi lúc đi cùng Amir, cô luôn phải cố tỏ ra thật tự nhiên, đi cách xa anh. Vì vậy, 8 tháng sau lời tỏ tình, dù tình cảm sâu đậm nhưng cả Hoài Anh và Amir chưa bao giờ được nắm tay hay ôm hôn. Giây phút riêng tư nhất của hai chỉ những lúc anh chở cô đi học, đậu xe trước cửa ký túc vài phút.
“Đó là khoảng thời gian thử thách của tụi mình. Hai đứa muốn gần gũi với nhau nhưng không được. Năm 2017, Amir có dự án ở Việt Nam, đi qua lại suốt, anh hiểu mình là người xa quê luôn cố gắng để cho mình được về nhà nhiều nhất nên những lần về Việt Nam cũng bù đắp tình cảm suốt thời gian đó của tụi mình”, Hoài Anh cho hay.
Suốt khoảng thời gian yêu, chưa bao giờ Amir nói những lời lãng mạn dành Hoài Anh. Đối với cô, lãng mạn không phải mua quà, hoa, nến mà chỉ là hành động nho nhỏ đưa đón mỗi ngày dù có bận rộn đến mấy của Amir. Chính anh đã làm cho cô không cảm thấy cô đơn ở nơi đây và làm cho cô thấy thêm yêu con người, đất nước Iran hơn.
“Có hôm mình nói với anh giờ đi học để anh không gọi, nhắn tin, vậy mà anh không nói gì đến giờ đó gọi điện cho mình bảo đang ở trước cổng ký túc xá rồi. Mình cảm động lắm. Anh bận cũng đi đón mình cho bằng được, từ lúc quen nhau đến giờ chưa lần nào anh để mình tự đi về, kể cả nắng mưa. Đường có phủ đầy tuyết, anh vẫn bắt xe buýt đi bộ đến đón mình và cùng mình đi bằng xe buýt về ký túc xá.
Chính những hành động quan tâm chăm sóc nhỏ ấy của anh, khiến bố mẹ mình sang chơi một tuần đã thay đổi suy nghĩ và đồng ý để mình yêu, cưới một chàng trai Iran miễn là mình hạnh phúc”, Hoài Anh tâm sự.
Khóc nức nở nghe người yêu nói “Về nhà gặp bố mẹ anh nhé”
Hoài Anh cho biết, Amir là một người vô cùng suy nghĩ chín chắn. Anh là người đã giúp cô rất nhiều, giúp cô vượt qua giới hạn bản thân biến những điều không thể thành có thể. Nhìn thấy tiềm năng ở thị trường Việt Nam, anh gợi ý, hướng dẫn và luôn động viên cô kinh doanh những đặc sản Iran ở quê hương. Sau gần 2 năm kinh doanh, cô đã tự mua được nhà, xe hơi, thu nhập ổn định – những thứ mà có lẽ ở Việt Nam cô sẽ không thể có được ở độ tuổi 26 này.
Mặc dù hạnh phúc khi có Amir luôn ở bên nhưng không ít lần cô phải mệt mỏi suy nghĩ về mối quan hệ kín đáo của mình bởi chưa một lần nào Amir đề nghị cô về thăm gia đình anh. Trong cô luôn đặt những câu hỏi “Bao giờ anh dẫn mình về nhà nhỉ” trong suốt khoảng thời gian cả 2 đã yêu sâu đậm.
Cuối cùng, giữa lúc bộn bề với những suy nghĩ, Amir đã ngỏ lời “Về nhà gặp bố mẹ anh nhé” khiến cô khóc nức nở khi gọi điện về nhà khoe với mẹ. Cô hạnh phúc vì Amir cũng ngỏ lời thay cho lời cầu hôn của mình. Đặc biệt, cô hạnh phúc với sự đón chào của gia đình Amir, với câu nói của người mẹ chồng tương lai vô cùng tuyệt vời “Mẹ không cần con theo đạo dù mẹ là một người rất sùng đạo. Mẹ không yêu cầu gì và rất vui khi có người con dâu như con. Mẹ sẽ coi con như con gái, cảm ơn con đã trở thành con gái của mẹ”.
Mẹ cô luôn nói với cô rằng “con đến làm cho gia đình mình vui vẻ hơn.
Đám cưới của Amir và Hoài Anh diễn ra vào tháng 9/2018 và ngày 3/9 vừa qua, Hoài Anh đã lấy giấy kết hôn chính thức trước sự chúc mừng của toàn thể gia đình chồng.
“Vừa rồi mới là ngày lễ trao nhẫn kết hôn trong đạo hồi còn lễ cưới chính thức được nhà nước công nhận mình còn phải chờ thêm thời gian nữa để hoàn thành thủ tục. Ở Iran khi ký vào giấy đăng ký kết hôn, người làm chứng sẽ hỏi bạn sau ly hôn muốn gì, người vợ được quyền ra giá để chồng đưa đủ số tiền khi chia tay, nếu chồng không đưa đủ sẽ phải vào tù.
Mình không cần gì hết vì tài sản trước hôn nhân đều là của mình, mình có kinh tế riêng nhưng Amir bảo đó là quyền lợi của mình nên phải ghi vào. Nhà chồng bắt mình ghi vào là 100 cây vàng. Mình nghĩ điều này đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và hạn chế khả năng ly hôn rất hay”, Hoài Anh chia sẻ.
Hoài Anh thổ lộ, sau khi kết hôn, ông xã cô vẫn luôn dành sự quan tâm như hồi mới yêu, anh đưa đón cô mỗi ngày và làm hết công việc nhà. Thậm chí, dù Hoài Anh có nóng tính và có hàng loạt tật xấu bộc lộ ra nhưng Amir vẫn luôn chấp nhận. Anh luôn đặt mình vào vị trí của cô để hiểu vợ nhiều hơn. Chính những điều nhỏ nhặt đó khiến cô cảm thấy hạnh phúc hơn vì đã chọn đúng người đàn ông của mình.