Thay vì lễ cưới ra oai vì có chồng Tây, Ngân Hà sẽ chọn một bữa tiệc ra mắt nhẹ nhàng với bạn thân.
Lấy chồng Tây hiện đang là xu hướng rất thịnh hành trong các cô gái trẻ ngày nay. Nhiều chị em mơ mộng rằng có được một ông chồng ngoại quốc là đồng nghĩa với cuộc đời sang trang, được xuất ngoại, đến trời Tây tận hưởng cuộc sống sung sướng hạnh phúc, tiêu tiền “đô” ăn đồ xịn. Người ngoài cuộc thì lại mỗi người một ý: có người nhìn vào cô gái lấy chồng Tây với vẻ ao ước ngưỡng mộ, có người lại cho rằng con gái Việt đi lấy chồng Tây hẳn thuộc dạng “sính ngoại, ham hố”.
Vậy tóm lại ai đúng ai sai? Phụ nữ Việt lấy chồng Tây có đúng là nên? Yêu và cưới một người ngoại quốc thì liệu hôn nhân có được lâu bền? Cùng trò chuyện với Ngân Hà - một cô gái tháng 11 tới đây sẽ chính thức lên xe hoa về nhà chồng với những quan điểm đặc biệt và câu chuyện rất thật phía sau chủ đề gây tò mò “chồng Tây”.
Đàn ông Tây hay Ta gì cũng có những đức tính tốt và xấu
Câu hỏi đầu tiên mà tất cả mọi người đều quan tâm: Làm thế nào để Ngân Hà “săn” được chồng Tây?
Mình với ông xã quen nhau rất tình cờ. Ông xã thấy và "say nắng" với nụ cười của mình qua facebook của một người bạn. Sau đó follow (theo dõi facebook) mình một thời gian cũng khá lâu mới gửi lời mời kết bạn. Lúc đầu làm quen, chúng mình chỉ thỉnh thoảng nói chuyện với nhau qua mạng. Về sau mức độ nói chuyện ngày càng nhiều hơn. Nói chung, chúng mình có khoảng thời gian tìm hiểu nhau không quá ngắn cũng không quá dài nhưng đủ để hiểu và yêu nhau.
Chỉ tội cho ông xã lúc đầu hơi khó để chiếm được tình cảm của mình. Sau chuyện đổ vỡ tình cảm 2 năm trước, mình không còn thiết tha chuyện yêu đương gì cả chỉ tập trung đi học và làm. Âu cũng là cái duyên để 2 đứa được gặp nhau. Ông xã mình cũng từng trải qua chuyện đau khổ trong tình cảm nên hai đứa rất nhanh để cảm thông và hiểu nhau nhiều hơn.
Chàng rể Pháp đã "say nắng" Ngân Hà nhờ nụ cười ngọt ngào toả nắng của cô gái Việt Nam.
Yêu người ngoại quốc, khác nhau về tư tưởng, quan niệm, văn hoá…Hà có cho rằng chuyện tình yêu và sắp tới đây là hôn nhân có thể bền vững?
Có rất nhiều những câu hỏi mọi người đặt ra khi nói về chuyện tình cảm giữa một cô gái Việt và đàn ông Tây. Theo mình, đôi khi người ta bị hấp dẫn nhau bởi vì tính đồng điệu hoặc đôi khi lại vì sự khác biệt. Sự khác biệt đó như một trải nghiệm thú vị và như một thỏi nam châm gắn kết với nhau. Yêu nhau là phải chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau cũng như chấp nhận và tôn trọng nền văn hóa tập tục của nhau. Đàn ông Tây hay Ta gì cũng có những đức tính tốt và xấu riêng có khác chăng chỉ là văn hóa nước đó, xã hội đó có chấp nhận hay không thôi và đó làm nên sự khác biệt về tư duy của họ.
Vì là yêu xa nên cứ mỗi 2 tháng hai đứa mới gặp nhau, thời gian ở bên nhau cũng không nhiều, nhiều nhất là 14 ngày thôi vì ông xã còn phải làm việc. Hầu hết thời gian yêu tụi mình giữ liên lạc với nhau qua mạng. Tuy nhiên bọn mình luôn thống nhất với nhau 4 chữ để duy trì tình yêu, đó là "Respect (tôn trọng), Honesty (thành thật), Trust (Tin tưởng), Love (Yêu)". Hai đứa lấy điều này làm nền tảng từ lúc mới yêu nhau và 4 chữ này sẽ được treo trong nhà của chúng mình.
Ngân Hà cho rằng chính sự khác biệt giữa hai con người lại chính là điểm cuốn hút để tạo nên tình yêu của các cô gái lấy chồng Tây.
Điều kiêng kỵ trong một mối quan hệ là im lặng khi bất đồng quan điểm
Bạn và chồng Tây có bao giờ xảy ra tranh cãi, giận dỗi. Những lúc như vậy, ai sẽ là người “xuống nước làm lành”?
Tất nhiên tụi mình cũng có những cãi vã như những cặp đôi khác nhưng không phải tranh cãi theo kiểu "ai dai nhất người đó thắng" (cười). Có “câu cơm sôi bớt lửa để giữ hạnh phúc gia đình”, mình thấy câu này rất đúng, đúng trên toàn cầu và áp dụng cho tất cả mọi người. Khi mình nóng giận, ông xã im lặng lắng nghe, nếu hung dữ quá ông xã sẽ ôm mình và nói "honey, calm down" (Em yêu, bình tĩnh nào – tạm dịch PV). Ông xã mình vẫn hay đùa khi hai đứa đang tranh cãi rằng: "Mẹ anh hay dạy anh: trong cuộc cãi vã vợ chồng ai từ bỏ trước nghĩa là người đó thông minh hơn". Khi cả hai cùng bình tĩnh chúng mình sẽ ngồi xuống nói chuyện và đưa ra giải pháp hợp lý cho cả hai.
Chúng mình đã học được rất nhiều điều từ một đôi vợ chồng Tây lớn tuổi mà cả hai tình cờ được trò chuyện, đó là "Communication is the key to the healthy relationship" (giao tiếp là chìa khóa làm nên 1 mối quan hệ tốt đẹp) câu nói này của đôi vợ chồng ấy chúng mình luôn ghi nhớ và trải nghiệm nó rất nhiều trong cuộc sống.
Rể Tây "choáng" với những thủ tục cưới tại Việt Nam
Đàn ông Tây rất quan trọng chuyện cầu hôn, hẳn Hà cũng đã có được một lời cầu hôn lãng mạn?
Ông xã đã tổ chức một chuyến đi Nha Trang và hai đứa ở lại một resort rất lãng mạn, có từng villa và bãi biển riêng. Hôm đó chúng mình có hẹn dậy sớm để đón bình minh trên biển. Sáng sớm gió biển rất lạnh, mình chỉ nghĩ dậy ngắm bình minh thôi nên tóc tai bù xù, mặt còn ngáp ngủ quấn cả cái chăn ra trước biển ngồi đợi.
Thấy anh nhà mình mặc áo sơ mi lịch sự thấy ngồ ngộ rồi, giấu một tay đằng sau nữa, mình nhất quyết đòi coi cái gì. Anh nhất định không cho, ngồi đợi lúc 6:12 phút mặt trời vừa mới nhú lên anh ấy quỳ xuống hát bài "If you say my eyes are beautiful" của Whitney Houston rồi hỏi "Will you marry me?" sau khi mình nói "Yes, i will" anh ấy đã khóc như một đứa con nít được kẹo. Và thế là mình đã đính hôn.
Hôm đó ra nhà hàng ăn sáng, anh ấy nói với nhân viên và những người khách ở đó tụi mình đã đính hôn sáng nay. Mọi người ai cũng hạnh phúc và chúc mừng cho hai đứa. Mình cũng rất vui vì tất cả xảy ra rất đơn giản nhưng quan trọng anh ấy đã làm với tất cả trái tim và mình cảm nhận được điều đó.
Vậy nhưng được biết, sau lời cầu hôn lãng mạn và chu đáo, bạn trai Tây của Hà lại không muốn tổ chức đám cưới hoành tráng. Tại sao vậy?
Ở phương Tây họ ít tổ chức đám cưới rình rang hoặc chụp hình cưới như ở Việt Nam mình. Cụ thể nước Pháp hầu hết mọi người không tổ chức đám cưới vì chi phí rất cao và họ thấy cũng không cần thiết về hình thức. Họ sống và suy nghĩ rất thực tế: Yêu nhau muốn gắn bó với nhau thế là về ở chung với nhau và có con. Hôn nhân không làm nên hạnh phúc gia đình, có đám cưới hay không cũng không thêm hay bớt điều gì vào cuộc sống gia đình của họ.
Nếu như tất cả chỉ diễn ra vỏn vẹn 1 ngày như ở nước họ thì ở mình để hoàn tất một đám cưới kéo dài mấy tháng. Nào thì lễ ra mắt gia đình, rước dâu, chụp hình cưới, đãi tiệc nhà hàng và tất cả những khâu này phải có sự chuẩn bị trước đó vài tháng với số lượng khách mời là bà con, họ hàng, cháu chắt, bạn thân cho đến bạn quen biết, khách làm ăn v.v..và chi phí rất cao.
Nên khi mình nói với ông xã về những thủ tục kết hôn ở Việt Nam anh ấy đã cảm thấy rất "choáng váng" về điều này và không muốn tổ chức đám cưới như vậy.
Từng bị áp lực gia đình khi có rể Tây càng phải làm đám cưới rình rang
Với quan niệm của người Việt: lấy chồng Tây là dứt khoát phải “giàu”, đám cưới với chồng Tây là dứt khoát phải “to”, Hà có lo lắng miệng lưỡi người đời xì xào bạn lấy chồng Tây nhưng không giàu có?
Thật sự vì chuyện cưới xin này mình chịu rất nhiều áp lực, hai đứa cũng tranh cãi rất nhiều. Ông xã mình luôn thắc mắc vì sao phải mời những người không liên quan như bạn quen biết, khách hàng làm ăn và bà con họ hàng. Bên họ chỉ mời những người thật sự quan trọng trong cuộc sống như ba mẹ, anh chị em và bạn thân. Nhưng với mình khi đó nếu không có đám cưới mình rất sợ lời ra tiếng vào của mọi người. Áp lực gia đình lại đè lên mình khi biết có rể Tây càng phải làm rình rang. Đỉnh điểm lần đó mình đã đòi chia tay.
Ông xã mình lúc đó bỏ công việc bay về đây để giải thích cho mình hiểu tất cả mọi chuyện này thật sự rất khó để chấp nhận ngay vì đây là 1 sự khác biệt rất lớn giữa 2 nền văn hóa, 2 suy nghĩ với nhau. Mình rất may mắn khi có 1 người chồng yêu thương đủ lớn, đủ kiên nhẫn để bao dung mình.
Và sau đó hai đứa đi xem nhà hàng, chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới. Khi mình nhận được bảng báo giá ngay sau đó, mình cảm thấy rất tồi tệ. Chỉ vì một đám cưới cho có hình thức với xóm làng mà mình khiến chồng mình phải chi một số tiền rất lớn như vậy sao? Mình khóc và nói với ông xã "Em không cần đám cưới nữa đâu, em sống với anh chứ em không sống với miệng lưỡi thiên hạ, em nên tiết kiệm số tiền này cho tương lai của chúng mình nó sẽ hữu ích hơn".
Ông xã mình lúc đó rất ngạc nhiên vì mới hôm qua mình còn làm mình làm mẩy khiến ông xã phải bỏ việc bay về thì giờ mình lại nói hủy hết mọi thứ. Vậy nhưng khi đó mình đã hiểu ra: Đám cưới không thể hiện tình yêu của người chồng cho người vợ. Không phải không có đám cưới là chồng không yêu mình. Tình yêu nó thể hiện vào những gì hằng ngày chúng mình sống với nhau, thái độ cách cư xử và trân trọng nhau. Mình giải thích với mẹ mình điều này và may mắn mẹ hiểu và thông cảm cho mình. Tụi mình vẫn sẽ ra mắt gia đình và ăn uống đơn giản tại nhà với 1 buổi tối nhẹ nhàng với những người bạn thân.
Ngân Hà và chồng chỉ làm một bữa tiệc nhỏ với người thân trong gia đình.
Con người ta hạnh phúc không phải vì sở hữu nhiều mà là sống biết đủ
Bỏ qua chuyện miệng lưỡi người đời, vậy còn vấn đề của chính bạn - khi các cô gái hay muốn có một đám cưới ấn tượng vì “cả đời mới có một lần”, Ngân Hà làm thế nào để tự thuyết phục bản thân?
Con người ta hạnh phúc không phải vì sở hữu nhiều mà là sống biết đủ, ít đòi hỏi. Có một người chồng để yêu thương và được yêu thương trân trọng từng giây từng phút là điều mà tất cả cô gái đều mong muốn. Mình may mắn đã có điều đó thì còn gì phải hối tiếc tủi thân khi không có một đám cưới rình rang để ra oai với mọi người?
Mình nghĩ câu "cả đời mới có một lần" như một cái bẫy suy nghĩ. Vì "cả đời chỉ có một lần" nên thôi cứ ráng sao có cái đám cưới cho bằng người ta? Mình thấy trường hợp này rất nhiều và nó cũng là gánh nặng cho gia đình chú rể nào không đủ điều kiện để rước dâu.
Mình sống tự lập từ nhỏ nên suy nghĩ cũng thực tế lắm, nếu việc gì không đủ khả năng hoặc mình không thật sự muốn làm thì tốt nhất đừng làm để rồi gánh lấy áp lưc "cuối cùng cũng xong". Thật ra ông xã mình dư khả năng để làm một đám cưới lớn nhưng hai đứa đã có kế hoạch cho tương lai nên không muốn chi tiền vào bất cứ việc gì ngoài kế hoạch đó. Là vợ chồng với nhau thì không có gì là của riêng người này hay người kia nữa. Tụi mình chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Tiền chồng và vợ là như nhau.
Người phương Tây họ làm việc nghiêm túc, kế hoạch kỹ lưỡng và chi tiêu rất thông minh. Trước khi muốn chi 1 khoản tiền luôn nghĩ "Thật sự cần thiết không? Chi tiền vào cái đó để làm gì? không chi thì hậu quả ra sao?" Mình thật sự rất thích cách suy nghĩ này.
Mình không phản đối đám cưới nhưng cũng không nhất thiết phải làm đám cưới mới là hạnh phúc. Hạnh phúc theo suy nghĩ mỗi người mỗi khác. Mình biết nhiều người điều ra tiếng vào nhưng mình tập bỏ ngoài tai vì dẫu sao quan niệm và phong tục tập quán rất khó để thay đổi. Mình không thấy thiệt thòi khi không có một đám cưới rình rang.
Không tổ chức đám cưới với cỗ bàn hoành tráng, Hà có còn giữ lại điều gì đặc biệt cho hôn lễ của mình?
Một điều trong tình yêu mình rất thích đó là sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau. Cụ thể hai đứa mình đã đầu tư cho bộ ảnh cưới (điều này ở Pháp họ không hề làm) vì mình rất thích ghi lại những khoảnh khắc 2 đứa yêu nhau, hình ảnh sẽ theo mình cả đời. Suy nghĩ này đã ảnh hưởng ông xã mình cũng như ông xã đã ảnh hưởng mình điều ngược lại bằng cách suy nghĩ của ông xã về việc đám cưới.
Xin cám ơn bạn về cuộc trò chuyện thú vị.