Em có chồng, 2 con, cậu ta trẻ kém em 8 tuổi vẫn tán tỉnh em suốt 3 năm qua, em phải làm sao?
Cùng lắng nghe chương trình Cửa sổ tình yêu trên Tình yêu giới tính của Eva.vn:
Có chồng con vẫn bị trai tân tán
Thính giả (Thái Nguyên): Em chào chị! Em năm nay 35 tuổi, đã có chồng và 2 con. Cách đây 3 năm, em có quen một cậu con trai, cậu ấy ít hơn em 8 tuổi. Cậu ấy cứ theo đuổi, tán tỉnh em. Suốt ngày cậu ấy nhắn tin, điện thoại cho em bất kể lúc nào và không sợ sệt gì cả. Em không biết phải làm thế nào mà cũng không dám nói với chồng. Chồng em thì đi làm xa suốt mới về với em được vài hôm lại đi. Em không dám nói, không dám làm to chuyện vì em sợ và ngại lắm.
Chuyên gia: 3 năm trước, cậu ấy theo đuổi em và đến giờ vẫn theo đuổi em đúng không? Như vậy có nghĩa là mối tình đó được 3 năm rồi đúng không?
Thính giả: Dạ vâng, chúng em làm cùng công ty. Đầu tiên vào làm, cậu bé ấy là bạn của người quen của em.
Chuyên gia: Cậu ta có người yêu, có vợ gì chưa hay vẫn là trai tân?
Thính giả: Cậu ấy vẫn là trai tân ạ.
Chuyên gia: Vậy 3 năm cậu ấy theo đuổi em như vậy, có khi nào em xao động trong lòng.
Thính giả: Em rất sợ. Chồng em rất yêu em và lại hay ghen. Anh ấy thì đi làm xa, cả năm trời có khi Tết mới được ở bên nhau 1 tháng rồi anh ấy lại đi. Vì anh ấy đi suốt như thế nên em cũng không có cơ hội để nói mà nói ra thì em cũng không biết phải nói thế nào và vào lúc nào. Hơn nữa đó lại là người quen của ông chú nên mới đáng xấu hổ ạ.
Chuyên gia: Không có gì đáng xấu hổ cả. Mình có chồng rồi, không còn trẻ lắm mà vẫn có một em quý mến, theo đuổi chứng tỏ rằng mình cũng có gì đó hấp dẫn. Nếu như đó là những lời trêu ghẹo thì sẽ không được bền lâu như thế đâu. 3 năm đằng đẵng kiên trì thì có thể tình cảm của cậu ấy là có thật.
Thính giả: Em cũng công nhận là cậu ấy chịu khó. Ban đầu em cũng gặp gỡ, khuyên nhủ rồi thậm chí em chửi bới cậu ấy cũng không buông tha cho em. Em cũng đã thay đổi cả số điện thoại nhưng cậu ấy vẫn tiếp tục.
Chuyên gia: Thực ra em không cần phải chửi. Chỉ cần mỗi khi gặp mặt, em luôn giữ vị trí của một người chị với cậu ấy. Em nhắc nhở cậu ấy về chuyện cậu ấy làm phiền em và cảnh báo cậu ấy không được tái diễn. Ngoài ra, em cũng không nên chia sẻ với cậu ấy khi mà cậu tỏ vẻ quan tâm, hỏi han. Em phải giữ nghiêm khắc với cậu ấy thì mới dừng được. Người ta thường nói sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người, nếu mình cứ sợ hãi rồi không dám nói năng gì thì cậu ấy càng được thể. Cậu ấy sẽ hiểu rằng mình có ý gì đó rồi nước chảy đã mòn, cậu ấy cứ kiên quyết thì có ngày em cũng xiêu lòng.
Nếu đã không muốn thì không thiếu gì cách. Nghiêm túc, đàng hoàng, nhắn tin không nhắn tin lại, sáng hôm sau nhắc nhở cậu ta không được phép làm thế.
Bạn trai muốn nói chuyện người lớn khi cháu còn đi học
Thính giả (Nam Định): Cháu đang học lớp 12. Bây giờ có nhiều đám đến hỏi, trong đó có một anh rất nhiệt tình. Nhưng mà cháu còn đang đi học nên cháu chưa muốn nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nhưng mà người ta cứ nhiệt tình đến chơi. Anh ấy bảo rằng bây giờ muốn có chỗ để chắc chắn, muốn nói chyện người lớn luôn ấy ạ. Nhưng mà cháu chưa muốn. Cháu muốn học xong nhưng anh ấy không chịu. Em muốn anh cho em một lời khuyên nên làm như thế nào ạ
MC Thành Văn: Tức là các anh thanh niên ở trong làng cứ hay mò đến nhà chơi buổi tối đúng không? Rồi họ tán tỉnh, xong là gạ gẫm có đồng ý lấy anh không, đúng không? Thế tổng cộng có bao nhieu thanh niên trong làng đến rồi?
Thính giả: Không phải, cũng có vài đám thôi, số lượng thì cháu không để ý, nhưng mà có một cái đám này người ta đến nhiều ấy ạ. Người ta tha thiết, mặn mà hơn nhưng mà cháu thì cháu đang đi học nên chưa muốn.
MC Thành Văn: Thế bố mẹ thì có ý kiến gì không?
Thính giả: Bố mẹ cháu thì đồng ý, ông bà đều nói được, nhưng mà cháu thì cháu đang đi học ấy ạ.
MC Thành Văn: Năm này học lớp mấy?
Thính giả: Cháu học lớp 12 ạ
MC Thành Văn: Thế có xác định chuẩn bị thi đại học, cao đẳng hay học nghề gì không?
Thính giả: Có ạ, cháu đang học ôn các thứ để thi ấy ạ.
MC Thành Văn: Chúc bạn sẽ có một kỳ thi tốt trong mùa hè tới nhé. Và bây giờ thì chị Nguyễn Thị Mùi sẽ tâm sự với bạn là có nên lấy chồng ở thời điểm này không nhé.
Thính giả: Vâng ạ.
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Ừ, chị chào em.
Thính giả: Dạ vâng em chào chị ạ
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Bối rối nhỉ, bởi vì có một anh chàng anh ấy rất tha thiết, mặn mà, gia đình cũng lại rất là vun vào nữa, đúng không?
Thính giả: Vâng ạ
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Và cái giọng bạn nói ấy mình có cảm nhận là bạn cũng có cảm tình với anh này đúng không?
Thính giả: Có một tí, một ít thôi không nhiều ạ.
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Uh, có một ít thì cũng là vui rồi. Bởi vì sao, bởi vì mình không bị rơi vào cảnh người ta nhiệt tình mà mình lại ghét.
Thính giả: Vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Anh ấy làm gì?
Thính giả: Anh ấy lái xe ạ.
CGTL Nguyễn Thị Mùi: À, Anh ấy lái xe à?
Thính giả: Vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Thế năm nay anh ấy bao nhiêu tuổi rồi?
Thính giả: Anh ấy khoảng 27 – 28 ạ.
CGTL Nguyễn Thị Mùi: À, khoảng 27 – 28 hả, thế kể ra thì tuổi, tuổi gọi theo nhà nước ấy thì cho phép mình 18 mình cũng có thể lấy chồng được rồi, đúng không?
Thính giả: Dạ vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Ừ, đấy, thế rồi lại có người tìm hiểu, người ta tha thiết như thế, mình cũng có cảm tình với người ta một chút, vv…. Xét về một góc độ nào đó thì nó cũng hội được những điều kiện. Hơn nữa, bố mẹ thì lại cũng mong muốn, thế nhưng quan trọng ở đây là chính em ấy, em lại còn muốn đi học đúng không?
Thính giả: Vâng ạ
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Em còn muốn đi học vì em chỉ mới 18 tuổi thôi, em muốn đi học vì muốn có nghề nghiệp ổn đinh, vững chắc. Cũng phải nói thật như thế này này, 18 tuổi tức là cơ thể của mình đã phát triển nhưng mà chưa thật là ổn định.
Thính giả: Vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Về mặt sinh lý, đặc biệt là về mặt tâm lý xã hội thì cũng chưa thực sự phát triển để mình làm một người vợ, người mẹ thì những điều ấy mình phải học hỏi nhiều thêm nhá.
Thính giả: Vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Thế cho nên mình chưa thể nhất trí được, cái điều này mình cũng phải bàn bạc với gia đình thêm em ạ.
Thính giả: Vâng ạ
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Chị nghĩ như thế này này, nếu như mình có một cái quyết định gì thì mình cũng phải quyết định nó sớm vì chị biết là hiện nay các em đang ở trong cái giai đoạn mình chuẩn bị làm hồ sơ thi đúng không?
Thính giả: Dạ đúng rồi ạ
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Ừ, đấy, chuẩn bị làm hồ sơ thi này, rồi chuẩn bị ôn thi tốt nhiệp này và sau đó là cái tháng quyết liệt cho cái việc là thi vào cao đẳng hay đại học.
Thính giả: Vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Những cái này có lẽ trao đổi với bố mẹ là dễ hơn cả, đúng không.
Thính giả: Vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Mình làm một cái kế hoãn binh đi đúng không? Đầu tiên hãy như thế để tập trung, vì cái mục tiêu trước mắt của mình là ôn thi tốt nghiệp và thi cao đẳng, đại học. Và mình nói với bố mẹ là thôi, bây giờ tạm thời những cái chuyện ấy có thể là cám ơn người ta, vì người ta dành tình cảm cho mình là quý em ạ.
Thính giả: Vâng
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Cảm ơn người ta và bảo người ta hãy để cho mình làm những cái việc mà hiện nay thời gian không thể chờ đợi mình được, đúng không? Mình sẽ phải suy nghĩ xem mình chọn ngành gì này, khối thi như thế nào, đúng không? Mình còn phải làm hồ sơ, những cái việc ấy nó chiếm rất là nhiều thời gian của em.Và em cũng cần phải đọc sách và tìm hiểu thông tin để xem mình quyết định chọn vào đâu, thi vào đâu cho nó chắc thắng nữa cơ mà, đúng không?
Thính giả: Vâng ạ
CGTL Nguyễn Thị Mùi: Tất cả những cái ấy em nên nói với bố mẹ để bố mẹ dành một khoảng thời gian thích đáng cho em tập trung tất cả vào những công việc này. Đến lúc mình thi xong rồi, khi nghỉ hè thoải mái thì lúc bấy giờ mình có thể tĩnh trí hơn để suy nghĩ xem là mình có đồng ý lấy anh ấy không, nhá.
Vợ bỏ đi vì mâu thuẫn nuôi con
Thính giả (Bắc Giang): Em và vợ lấy nhau được hơn một năm, có một bé trai được 4 tháng rưỡi rồi. Nhưng do mâu thuẫn gia đình nên cô ấy đã chuyển về nhà đẻ sống và bỏ mặc em với con. Con còn nhỏ, khát sữa nên em cho con ra chỗ vợ để con được chăm sóc. Nhưng mâu thuẫn gia đình không giải quyết được, vợ em đòi bỏ em. Em muốn hỏi chương trình em có nên duy trì hôn nhân hay không hay là ly hôn?
Chuyên gia: Chào em! Hiện nay hai mẹ con cô ấy ở bên ngoại hả? Thế còn em có đi về thăm nom, chăm sóc vợ con không?
Thính giả: Em vẫn hàng ngày qua đó thăm hai mẹ con.
Chuyên gia: Nghe giọng em trẻ lắm, em đã được 23 tuổi chưa.
Thính giả: Em được 27 tuổi rồi anh ạ. Vợ em cũng 25 tuổi rồi ạ.
Chuyên gia: Vậy mâu thuẫn gì mà ghê gớm vậy em? Các em mới cưới nhau xong, vừa mới sinh con mà đã tính chuyện ly hôn vậy?
Thính giả: Con nhỏ ốm sốt, chuyện đó là bình thường nhưng vợ em lúc nào cũng lo lắng quá mức rồi phát ra bực tức. Cô ấy ăn nói cục cằn, không biết suy nghĩ lời ăn tiếng nói có phù hợp không khi nói với mọi người.
Chuyên gia: Nghĩa là cô ấy còn trẻ, mới sinh con đầu lòng, con cái ốm đâu cô ấy sinh ra cáu bẳn, ăn nói không dễ nghe, cục cằn.
Thính giả: Anh cũng là một người cha, em cũng vậy. Khi con ốm, cô ấy không dỗ được cô ấy chửi con sỗ sàng, bảo con chết đi, rồi cô ấy phát vào người con, bảo con chết đi. Em thực sự không tưởng được rằng có người cha, người mẹ nào lại nói con như vậy. Em không thể hiểu nổi nữa.
Em cũng mời cả bố mẹ hai bên gia đình để họp mặt. Cô ấy nói rằng em là một thằng chồng vô dụng, không lo được cho vợ, cho con.
Chuyên gia: Xin lỗi em, nếu như em đã chia sẻ thì đó có thể là hiện tượng trầm cảm sau sinh. Có thể trước đây cô ấy không hề như vậy nhưng bây giờ khi nhiều việc bí bách cô ấy mới sinh ra như vậy. Con cái ốm đau, phải chăm sóc con vất vả. Cô ấy thì còn trẻ, trước đây chưa quen với việc đó bây giờ lại phải tự làm tất cả nên cô ấy sinh ra bực bội.
Tất nhiên, không phải ai rơi vào hoàn cảnh đó cũng nói tục, chửi bậy rồi rủa xả con như vậy. Nhưng em nên hiểu cho cô ấy, cô ấy cũng có nhiều sức ép lắm. Cô ấy cũng giống như người đang say, trong lúc say người ta có nói tục hay có hành vi nào đó không phù hợp, không kiểm soát được thì không nên chấp cô ấy được. Em phải thông cảm cho cô ấy trong giai đoạn này.
Có thể bình thường cô ấy như vậy em nhắc nhở luôn nhưng bây giờ thì em hãy nhẹ nhàng hơn và bỏ qua cho cô ấy. Rồi em giúp cô ấy trong việc nhà, chăm sóc con cùng cô ấy để cô ấy vơi bớt mệt nhọc.
Thính giả: Em không biết người khác thế nào nhưng em hầu như làm hết mọi việc trong nhà. Em bế con suốt đêm không được ngủ. Cơm nước cũng do em nấu, quần áo của cả nhà cũng là em giặt. Cô ấy chỉ có nằm ôm con thôi mà cũng bảo em là vô dụng.
Chuyên gia: Chắc là bố mẹ em cũng hiểu cô ấy là như thế nào. Em đã tổ chức gặp gỡ hai bên gia đình thì có lẽ bố mẹ cô ấy cũng đoán định được.
Thính giả: Em cũng đã nói hết cả rồi. Em gặp mẹ vợ và nói với mẹ rằng bây giờ cô ấy đang nóng, em cũng không muốn nói thêm gì nữa. Bao giờ cô ấy nguôi ngoai đi thì nhờ mẹ phân tích giúp cho cô ấy hiểu ra. Bản thân em cũng không muốn bỏ vợ, bỏ con vì con em còn nhỏ. Nhưng em đã nói hết nước hết cái rồi mà cô ấy không chịu. Bây giờ, em chỉ còn đợi vào quyết định của cô ấy mà thôi. Nếu cô ấy quyết định chia tay thì em cũng đồng ý thôi.
Chuyên gia: Bây giờ em nên xin phép đằng ngoại đón mẹ con cô ấy về bên nhà để tiện chăm sóc. Em không thể ở mãi bên nhà ngoại để đỡ đần vợ chuyện chăm con được. Còn nếu mình nói năng tử tế, thưa gửi đàng hoàng mà cô ấy không chịu về thì mình cũng nói luôn với bố mẹ vợ là con nhờ ông bà chăm sóc giúp mẹ con cô ấy. Điều đó bỗng nhiên lại thành có lợi cho mình.
Thính giả: Em cũng nói hết rồi anh ạ.
Chuyên gia: Vậy thì cứ gửi con bên nhà ông bà ngoại đi. Ở đó cho qua thời gian mà cháu trong giai đoạn quá bé bỏng đi. Khi cháu chững trạc hơn, cô ấy bớt mệt mỏi hơn, lại có thêm gia đình động viên, khuyên nhủ chuyện già néo đứt dây có khi cô ấy sẽ phải thay đổi cách nghĩ. Đôi khi con người ta nói nhẹ không nghe nhưng phải vấp một cái thật đau thì mới hiểu ra mọi chuyện. Còn bây giờ có thể suy nghĩ cô ấy còn nông cạn quá. Vì vậy em đừng vội đòi ly hôn hay chấm dứt tình cảm gì bây giờ cả, đợi qua cơn nóng giận rồi tính tiếp em nhé.