Em đã cướp chồng người, vì vậy, dù vì lí do gì cũng đừng bao giờ vỗ ngực mình tử tế.
Gửi Ngọc Anh!
Chị không biết em có phải là người đàn bà đó hay không vì câu chuyện em nói thật giống với những gì chị trải qua. Có thể đúng là em mà cũng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng chị vẫn muốn chia sẻ với em đôi lời sau khi đọc bài viết Tôi - kẻ thứ ba đáng được hạnh phúc, với tư cách là một người đàn bà thất bại trong hôn nhân, thất bại vì có kẻ thứ ba như em.
Câu chuyện của chị vô tình trùng khớp với em. Chị hi vọng rằng em chính là người phụ nữ đã đẩy tổ ấm của chị đến đổ vỡ để những lời chị nói sau đây em có thể thấm thía được nỗi niềm của người phụ nữ vì em mà mất tất cả.
Có lẽ giờ đây em đang hả hê với thành quả mà mình đạt được nhiều lắm. Em dương dương tự đắc cho mình là một người thứ ba tử tế, người thứ ba đáng được hưởng hạnh phúc nhưng có bao giờ em nghĩ em tàn nhẫn lắm hay chưa? Nếu em là một người tử tế sẽ không bao giờ em bước chân vào tổ ấm của người khác với tư cách là kẻ thứ ba như vậy dù cho em có đến để giúp đỡ đi chăng nữa. Em tử tế và tài giỏi thì hãy dành sự tài giỏi đó cho một người đàn ông khác chưa có vợ con. Còn nếu em đặt sự tài giỏi hơn người của mình vào giữa hạnh phúc của một gia đình khác có nghĩa là em đã không còn tử tế nữa rồi.
Chị chỉ là một người đàn bà bình thường nên không thể giúp được chồng khi làm ăn thua lỗ (Ảnh minh họa)
Chị cũng chỉ là một người đàn bà theo em định nghĩa là “Bình thường”, mà có khi em còn nghĩ là tầm thường nữa ấy chứ. Nhưng chị cho rằng, đó là việc mà tất cả những người vợ từ cổ chí kim, trên toàn nước Việt Nam này đã và đang làm cho gia đình của mình.Chắc trong số hàng ngàn, hàng vạn người phụ nữ Việt không có nhiều phụ nữ được “tài giỏi” và “tử tế” như em. Có thể em đánh giá việc chị chỉ biết nấu ăn, biết giặt là, biết lau dọn nhà cửa là quá tầm thường so với những điều em làm nhưng chị lại nghĩ nó thiêng liêng vô cùng vì nó là công việc của một người Vợ. Kẻ thứ ba tài giỏi như em chắc khó mà hiểu được thế nào là Vợ đâu nhỉ?
Chị cũng biết trong khoảng thời gian chồng thất bát trong công việc chị không giúp được anh ấy nhiều. Chị đâu có tiền để bù lỗ cho hoạt động kinh doanh ấy. Như em nói đấy, chị chỉ là một người đàn bà “Bình thường”, chị chẳng có được cả vài trăm triệu để cho chồng. Thứ mà chị có thể làm cho chồng là động viên anh ấy, là chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái trong giai đoạn khó khăn ấy mà thôi. Và điều quan trọng là theo chị nghĩ, anh ấy là một người đàn ông. Anh ấy cần phải có bản lĩnh và tự mình vực dậy sau những thất bại. Kinh doanh là một công việc nhiều biến động, biết đâu đấy, một ngày nào đó nó lại rơi vào bế tắc. Lẽ nào người làm vợ phải có đủ tài giỏi để chạy theo tất cả những lần thất bại đó của anh ấy để bợ đỡ. Chị muốn anh ấy đứng lên bằng chính đôi chân mình, bằng nghị lực của mình. Nhưng con đường đó có vẻ khó khăn hơn rất nhiều so với việc bấu víu vào kẻ thứ ba như em.
Chị chắc không tử tế được đến như em nên khi biết chồng nhờ có người đàn bà khác mà thành công được trong sự nghiệp, chị đã từ bỏ anh ấy. Đó là sự tử tế theo cách của riêng chị. Chị cũng nghĩ rằng một khi không còn tình yêu thì nên giải thoát cho nhau. Và nếu đã nghĩ được như thế thì chị cần gì phải hằn học, cần gì phải đay nghiến người thứ ba như em. Vì thế mà em nghĩ là chị thấy mình kém cỏi trước em, nên em càng thấy mình đắc thắng. Em cứ nghĩ rằng chị vui vẻ chấp nhận việc đó. Nhưng nỗi đau thì có thật em ạ.
Ngần ấy năm, một người vợ bình thường như chị, chỉ biết nấu ăn, giặt là và dọn nhà cửa đã dạy con cái rằng tôn trọng người lớn là một đạo đức cần phải có. Bởi thế khi chị nói với các con rằng bố mẹ không còn tình cảm để chung sống bên nhau nhưng bố vẫn là bố của các con, mẹ vẫn là mẹ của các con, không điều gì thay thế được nên các con chị mới học cách chấp nhận điều đó theo một cách tích cực nhất. Em chưa có con nên em không biết, nhưng một người mẹ từng mang nặng đẻ đau như chị nên chị hiểu. Chỉ cần nhìn vào đôi mắc ầng ậc nước của hai con, chúng cố ngăn không để nước mắt trào ra vì chứng kiến cảnh gia đình tan đàn xẻ nghé.
Đã cướp chồng người, xin đừng tự nhận mình tử tế (Ảnh minh họa)
Sau khi vợ chồng chị ly hôn, chị nhận nuôi các con vì không muốn để hạnh phúc của chồng bị ảnh hưởng. Chị vẫn nhắc nhở các con phải tới thăm chồng và cả người vợ mới của chồng. Nhờ những việc làm bình thường của chị từ trước tới giờ mà các cháu rất ngoan ngoãn nghe lời. Các cháu tôn trọng bố, tôn trọng vợ mới của bố. Và đó là tất cả những gì làm nên cảm giá tự hào như bây giờ em đang có. Em hẳn là nghĩ các cháu phục em lắm, các cháu yêu quý em nhiều lắm. Nhưng lũ trẻ dù chưa trưởng thành song cũng có trái tim em ạ. Chúng cũng biết đau khi vì em mà bố chúng rời bỏ gia đình, để tiếng gọi bố không phải lúc nào cũng còn được đáp lại ngay tức khắc nữa. Các cháu tôn trọng em vì đó là việc các cháu thấy cần phải làm. Đừng đánh đồng điều đó với cái gọi là yêu quý.
Em à, em có biết được rằng, cái tổ ấm đó của chị là bao công sức chị gây dựng không? Chị đã mất rất nhiều thời gian và công sức để vun đắp cho một gia đình nhỏ hạnh phúc. Vậy mà chỉ vì một người đàn bà tài giỏi như em, chị đã mất đi tất cả. Cái mà chị thua thiệt so với em có lẽ là tiền. Giờ đây, hàng đêm, chị vẫn ngồi lặng lẽ trong bóng tối, trong căn nhà mà trước đây luôn tràn ngập tiếng cười của cả gia đình, chỉ còn mình chị…Nói như vậy không phải là để than nghèo kể khổ, không phải là để em nghĩ chị là một người đàn bà khốn khổ mà chị chỉ muốn em biết, sự hạnh phúc của em đã đánh đổi bằng những điều như thế nào.
Em cũng không biết được rằng, mỗi lần các con chị tới thăm bố, thăm “dì hai” xong, chúng đều trở về với một nụ cười gượng gạo. Nhất là con bé gái, cháu không đủ mạnh mẽ như anh, lần nào về, nó cũng vào phòng đóng chặt cửa. Đến đêm, khi chị vào, chỉ thấy con bé ngủ thiếp đi, tay nó vẫn cầm cái ảnh cả gia đình chụp với nhau và cái gối ngủ thì ướt đẫm…Cháu vẫn phải gồng lên chấp nhận sự thật đau lòng đó chỉ vì có một người phụ nữ tài giỏi và tử tế xuất hiện và cướp mất người cha mà chúng yêu thương.
Bởi thế, chị viết cho em những dòng này để em hiểu rằng, em hãy tận hưởng thành quả mà mình có được nhưng đừng lớn tiếng cho rằng mình xứng đáng được như thế. Nói như vậy, lẽ nào chị và những người vợ bị cướp chồng như chị không đáng được hạnh phúc ư? Lẽ nào những đứa con ngây thơ vô tội phải chịu cảnh gia đình tan vỡ không đáng được hạnh phúc sao em? Chị chỉ muốn em hiểu rằng, nhờ em em và những kẻ thứ ba như em mà giờ đây, chị (hoặc những người phụ nữ bình thường như chị) đang phải khánh kiệt sau nỗi đau ly tan và những đứa trẻ thơ mẹ cha không đầy đủ dưới một mái nhà.
Khánh Ly (Hà Nội)