"Lấy chồng sớm thì đã sao? Con gái học lắm để làm gì, lấy được chồng giàu chẳng sướng bằng mấy".
Xã hội cũ, chuyện những nàng thiếu nữ chưa đến tuổi trăng rằm đã vội vã theo chồng làm vợ, làm mẹ là phong tục của cả một thời đại. Bởi thế mà mới có những câu nói: “Lấy chồng từ thủa 13/ Đến năm 18 em đà 5 con”. Tuy nhiên, không phải chỉ ở cái thời phong kiến, lạc hậu ấy nhưng cô gái mới cất bước theo chồng từ rất sớm mà ngay cả trong thời hiện đại này, có rất nhiều cô gái cũng sẵn sàng theo chàng về dinh khi tuổi đời con quá trẻ.
Có rất nhiều lí do để họ lấy chồng sớm nhưng tựu chung lại chỉ là vì tình yêu mù quáng của tuổi mới lớn:
18 tuổi, bỏ nhà theo trai ép gia đình cho cưới
Vẫn còn đang học những tháng cuối cùng của năm học lớp 12, thế rồi đùng một cái, cả khu phố nơi Thảo sống náo loạn vì cái tin cô bé bỏ nhau đi đâu mất tích. Thảo vốn là cô bé ngoan ngoãn, là niềm tự hào của bố mẹ vì Thảo không chỉ hiền lành mà còn học hành rất giỏi. Có ai ngờ một cô bé như vậy lại bỏ nhà ra đi. Ngày Thảo đi, bố mẹ cô bé đinh ninh rằng con mình bị bắt cóc hoặc bị ai đó lừa gạt chứ không thể nào tin được rằng Thảo lại có gan bỏ nhà ra đi.
Thế mà đùng một cái 2 tuần sau đó Thảo về nhưng cô bé không về một mình mà về cùng với bạn trai. Đó là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú chỉ hơn cô bé 1 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất. Cả gia đình lo sốt vó nhưng Thảo lại mặt tỉnh bơ không một lời xin lỗi mà bắt bố mẹ cho cưới chàng trai lạ mặt đó. Hỏi ra mới biết cô bé và chàng trai kia học chung trường cấp 3, yêu nhau từ năm lớp 11. Đến giờ cậu thanh niên đó lên học đại học. Sợ mất người yêu nên Thảo và bạn trai quyết định bỏ nhà đi để gây sức ép với gia đình và bắt gia đình cho cưới.
Đòi cưới chồng khi chưa học xong cấp 3 vì yêu si mê (Ảnh minh họa)
Bố mẹ Thảo tức giận vô cùng. Cái tin Thảo bỏ nhà theo trai loan ra khắp xóm, ngoài thôn. Đi đâu ai cũng nói: “Con bé Thảo trông thế mà hư hỏng, giờ không lấy thằng đó thì ma nó thèm”. Mặc cho bố mẹ ra sức thuyết phục đợi hai đứa học hành tử tế ra trường rồi cưới nhưng vì sợ mất người yêu Thảo vẫn nằng nặc đòi cưới bằng được: “Con 18 tuổi rồi, con đã đủ khôn lớn để quyết định đời mình. Nếu bố mẹ không cho con cưới con sẽ lại bỏ nhà theo anh ấy”.
Quá cùng cực, bố mẹ Thảo buộc phải tổ chức đám cưới để tránh hậu họa. Ngày cưới, bố mẹ mặt méo xẹo còn cô dâu chú rể cười hớn hở bên đám bạn trẻ măng, mặt búng ra sữa. Hết đám cưới bạn bè về lo ôn thi tốt nghiệp thì Thảo tíu tít đi du lịch hưởng tuần trăng mật.
“Cưới ngay kẻo lỡ”
Không đến nỗi quá trẻ như cô bé Thảo, Quỳnh Thi cũng sớm bước theo chồng ở năm thứ 2 đại học. Đỗ vào một trường đại học danh tiếng hàng đầu cả nước, mỗi lần nhắc đến Quỳnh Thi bố mẹ lại không giấu nổi sự tự hào về cô con gái xinh đẹp, giỏi giang nhất vùng quê mà cô sống. Lên Hà Nội học với bao ước mơ mà bố mẹ và anh chị em gửi gắm ở quê nhà, có ai ngờ, chỉ đầu năm thứ hai đại học, Quỳnh Thi điện thoại về nhà nói rằng sẽ lấy chồng.
Bố mẹ còn chưa hết sốc, khăn gói lên thành phố gặp con thì đã thấy con gái chuẩn bị đồ cưới đâu vào đấy. Mẹ Quỳnh Thi khóc như mưa như gió vì không hiểu nổi quyết định của con gái. Bà khuyên nhủ con cố học hai năm nữa là ra trường, kiếm tấm bằng đại học rồi muốn lấy ai thì lấy nhưng con gái bà lại khăng khăng: “Anh ấy giàu lắm nhưng có tuổi rồi, không thể đợi con thêm được. Nếu không cưới bây giờ anh ấy cưới người khác thì sao. Con gái học lắm mà làm gì. Con lấy anh ấy còn sướng bằng mấy đi làm ba cọc, ba đồng. Lấy anh ấy về chỉ việc ở nhà ngồi hưởng của thôi mẹ ạ”.
Nỗi buồn của người con gái lỡ vội lấy chồng khi còn quá trẻ (Ảnh minh họa)
Cũng không biết những tính toán của con có đúng hay không nhưng tới nước này bố mẹ Quỳnh Thi chỉ còn nước đành chấp nhận cho con cưới chồng vì mọi kế hoạch đã được chuẩn bị trước. Sau đám cưới, Quỳnh Thi rất tự hào vì nhàn thân, lấy được chồng giàu chẳng phải động chân, động tay vào việc gì. Bố mẹ Quỳnh Thi cũng mừng thầm trong bụng vì con gái số sướng.
Cũng không khác gì trường hợp của cô bé tên Thảo là mấy, Huyền Trang cũng lên xe hoa về nhà chồng khi mới 19 tuổi, đang học năm thứ nhất đại học. Huyền Trang cưới khi cái thai trong bụng ở tháng thứ 5 đã to lùm xùm trong chiếc váy cô dâu. Bố mẹ cay đắng nhìn cô con gái trẻ người non dạ, từng là niềm tự hào của gia đình giờ đây cất bước theo chồng chỉ sau vài tháng rời xa vòng tay bố mẹ lên thành phố học tập.
Huyền Trang lấy chồng không phải vì tham tiền bạc như Quỳnh Thi mà chỉ đơn giản, cái gì đến thì làm, vậy thôi. Huyền Trang lí sự: “Con gái ai cũng phải lấy chồng, không sớm thì muộn. Học xong lấy chồng hay lấy chồng xong học tiếp cũng chẳng có gì khác nhau. Việc gì đến trước làm trước, đến sau làm sau. Có con rồi nên cũng không muốn bỏ con".
Huyền Trang lên đại học rồi quen một anh chàng ở cùng chỗ làm thêm. Chẳng biết hai bên tâm đầu ý hợp thế nào mà chỉ vài tháng sau đã có “sản phẩm”. Mặc cho chàng trai còn chưa có công việc ổn định, chỉ đi làm thuê, học vấn cũng chỉ hết cấp 3 rồi lên thành phố làm thuê, Huyền Trang vẫn quyết cưới bằng được vì cho rằng: “Tình yêu không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp và địa vị”.
Sớm ràng buộc hôn nhân, nhiều cô gái điêu đứng với vai trò làm vợ, làm mẹ khi còn quá trẻ (Ảnh minh họa)
“Sao em nỡ vội lấy chồng?”
Với cả ba cô gái trẻ ở trên, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, hạnh phúc đã không mỉm cười với tất cả. Cô bé cấp 3 trở thành “cô dâu nhỏ xinh” sau đó đã có quãng đời vô cùng vất vả. Chật vật mãi Thảo mới ti được được tốt nghiệp cấp 3 vì chồng con vào chẳng có thời gian mà học hành. Trong khi bạn bè thi vào các trường đại học, bắt đầu tận hưởng cuộc sống sôi động của tuổi trẻ thì Thảo mang bầu. Chồng học đại học trên thành phố còn vợ ở nhà với bố mẹ chồng. Hầu như ngày nào hai vợ chồng cũng cãi nhau qua điện thoại vì Thảo ở nhà hậm hực, ghen tuông trong khi đó chồng cô bé thì đang tuổi ăn chơi nên suốt ngày bù khú với bạn bè. Cuộc hôn nhân trở thành bi kịch hơn nữa khi chồng Thảo thú nhận: “Anh đang yêu một bạn gái cùng lớp”. Hiện tại cả hai bên gia đình đang có phải dàn xếp để hai con quay về bên nhau. Nhưng quả thực ngay chính trong con người Thảo và chồng, họ cũng không còn dám chắc mình có yêu chồng hay không vì tuổi trưởng thành cho họ cách nhìn nhận khác.
Còn với Quỳnh Thi, cô gái tin rằng mình vớ bở, chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo khi lấy được chồng giàu cũng đã phải vỡ mộng khi hơn 1 năm sau chồng vỡ nợ. Không những phải vất vả mà cô còn phải gánh nợ cùng chồng.
Riêng đối với Huyền Trang, sau gần 1 năm sinh con, cô gái trẻ không thể đi học được nữa khi mà cơm áo gạo tiền đè nặng lên đầu. Chồng đi làm thuê chỉ đủ tiền thuê nhà với tiền ăn của bản thân, vợ sinh con nằm một chỗ. Quá cùng cực, Huyền Trang đành rời bỏ chồng về quê với bố mẹ để mong bố mẹ nuôi giùm hai mẹ con.
Hậu quả mà những cô gái trẻ như Thảo, Huyền Trang hay Quỳnh Thi phải hứng chịu là những hệ lụy đau lòng từ lối suy nghĩ nông cạn, sự bồng bột của tuổi trẻ. Thật đáng buồn và thương cảm cho những cô gái quá trẻ người non dạ.