Ngay cả khi biết rằng, tiếp tục duy trì mối quan hệ yêu đương này sẽ chỉ mang lại khổ đau nhưng càng ngày họ càng bị lún sâu vào cho đến lúc kiệt sức.
Cát tát đầu tiên – nhát dao cuối cùng!
Câu chuyện của Hải Lê, 27 tuổi, kế toán viên một công ty tại Hà Nội là một ví dụ điển hình. Hải Lê yêu một anh giám đốc công ty đã ly hôn vợ và có một đứa con trai. Yêu nhau được 2 tháng thì cô chuyển việc về làm kế toán cho công ty của anh này. Mặc dù chưa làm đám cưới nhưng hai người đã chung sống với nhau như vợ chồng. Trước mặt nhân viên của công ty, họ cũng xưng vợ xưng chồng với nhau.
Nhìn bề ngoài, hạnh phúc của họ chỉ chờ ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ. Duy chỉ có điều khiến Hải Lê phải day dứt đau khổ đó là việc cô bị chồng chưa cưới thường xuyên bạo lực. Anh ta thường giải quyết mâu thuẫn hoặc bức xúc bằng những cái bạt tai, giật tóc. Có lúc Hải Lê bị anh chồng chưa cưới đấm thẳng mặt khiến cho cô sưng tím mặt mày.
Những lúc bị chồng chưa cưới bạo lực như vậy, Hải Lê lại bỏ về phòng trọ của mình. Cô khóc lóc đau khổ và nói lời chia tay. Thế nhưng khi anh người yêu tìm đến xin lỗi, hứa hẹn và nói lời yêu đương thề thốt… là Hải Lê lại mềm lòng. Họ lại yêu nhau đắm say để rồi chỉ ít ngày sau cô gái lại tiếp tục bị đánh, để rồi bụng bảo dạ cô lại quyết tâm chia tay, và rồi anh chàng lại khóc lóc, lại xin lỗi, lại hứa hẹn để rồi họ lại về với nhau…
Vòng tròn bạo lực nếu để kéo dài sẽ là "Cái tát đầu tiên- Nhát dao cuối cùng!". Ảnh: minh họa
Yêu nhau trong 3 năm đằng đẵng như vậy, mặc cho cha mẹ anh em họ hàng, bạn bè khuyên can, Hải Lê cuối cùng vẫn quyết định tiến tới hôn nhân với anh chàng giám đốc. Sau đám cưới, mối quan hệ của cặp đôi này chỉ khác về hình thức là trở thành vợ chồng hợp pháp, còn tính chất mối quan hệ của họ dường như không hề thay đổi. Anh chồng vẫn không bỏ được tật đánh vợ, lại còn thêm chuyện gái gú bồ bịch. Hải Lê thì ngày càng héo úa tàn tạ. Cô tìm đến gặp chuyên gia để nhờ tháo gỡ vấn đề hôn nhân của mình.
Câu chuyện của Hải Lê có lẽ sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến bài thơ gây bão “Hôm nay tôi nhận hoa”. Đây là một bài thơ do tác giả Hoài Linh - Ban Quốc tế TW Hội phụ nữ Việt Nam dịch đã được lan truyền trên các mạng xã hội khoảng vào tháng 3 năm 2017. Nội dung bài thơ nói về việc người phụ nữ nhận hoa của người đàn ông của mình tặng sau mỗi lần bị anh ta bạo lực. Khổ đầu bài thơ là bông hoa cô nhận sau cái tát đầu tiên. Và người phụ nữ đó được nhận nhiều hoa như vậy trong cuộc đời mình cho đến lần nhận hoa cuối cùng là bông hoa đặt trước mộ. Thông điệp của bài thơ vô cùng sâu sắc đó là, theo vòng tròn bạo lực nếu để kéo dài sẽ là Cái tát đầu tiên - Nhát dao cuối cùng!
Bi kịch chịu đựng trong tình yêu để mãnh liệt trong tình dục
Trong cái nhìn của giới chuyên gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực thì việc người phụ nữ chấp nhận cái tát đầu tiên cũng chính là đẩy mình vào vòng xoáy bạo lực để rồi cuối cùng phải chết bởi nhát dao cuối cùng của chính người đầu gối tay ấp với mình. Còn đối với giới chuyên gia tâm lý thì họ cho rằng những người như vậy thuộc vào tuýp phụ nữ yêu mù quáng.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có một đặc điểm khá phổ biến ở những người phụ nữ yêu mù quáng đó là họ thường trải nghiệm đời sống tình dục mãnh liệt khi tình yêu tỏ ra gian nan trắc trở. Theo tác giả Robin Norwood, những người phụ nữ yêu mù quáng thường phải đối diện với tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ yêu đương không hạnh phúc mà vấn đề tình dục lại rất tuyệt vời. Nhiều người nghĩ rằng tình dục chỉ thăng hoa trong 1 tình yêu đích thực, và ngược lại, tình dục không thể nào thỏa mãn trọn vẹn nếu tình yêu gặp trắc trở. Nhưng điều này không đúng với những phụ nữ yêu mù quáng.
Phụ nữ yêu mù quáng chấp nhận chịu đựng trong tình yêu để mãnh liệt trong tình dục. Ảnh minh họa
Đối với những người yêu mù quáng, tình dục hoàn toàn có thể thăng hoa trong một mối quan hệ tệ hại. Tình yêu của họ càng gian truân, trắc trở thì tình dục của họ càng trở nên mãnh liệt và mức độ gắn bó của họ với đối phương cũng tăng lên. Ngược lại, khi quan hệ với một người bình thường, không đòi hỏi phải nỗ lực hay cố gắng nhiều, tình dục đối với họ bỗng giảm độ nồng nàn, say mê.
Vì không cảm thấy hứng thú, hồi hộp thường xuyên đối với người đàn ông ấy cũng như tình dục lúc này chẳng dùng để chứng tỏ điều gì nên họ cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt trong mối quan hệ của cả hai. So với những mối quan hệ đầy bão tố mà họ từng biết, kiểu tình cảm êm đềm này càng khiến họ khẳng định niềm tin rằng “ tình yêu đích thực” phải chứa đầy chông gai, thử thách, đau đớn và thăng trầm.
Người phụ nữ yêu mù quáng thường sở hữu tình yêu si mê đối với người đàn ông không thể đáp ứng được nhu cầu tình cảm của họ. Thật ra, đấy mới chính là lý do khiến họ say mê người kia nhiều đến thế. Để duy trì được sự si mê đó, mối quan hệ giữa cả hai phải tồn tại những khó khăn, trắc trở để vượt qua.
Si mê hiểu theo nghĩa đen chính là sự chịu đựng và thường thì sự chịu đựng càng lớn, niềm si mê càng sâu đậm. Cảm giác phấn khích mãnh liệt của mối tình si mê khác hẳn với cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng của mối quan hệ gắn bó, ổn định. Do đó, nếu nhận được những gì đã từng khao khát, người phụ nữ yêu mù quáng sẽ không còn sống trong cảnh chịu đựng nữa và do đó, niềm si mê của cô cũng tàn lụi theo. Có thể khi đó, cô sẽ nghĩ rằng mình đã hết yêu người kia.
Theo Robin Norwood thì: Tình yêu si mê vốn chứa đầy cảm giác phấn khích, chịu đựng và đau khổ nhưng vẫn tồn tại cảm giác thiếu thốn một điều gì đó. Đó chính là sự gắn bó, hứa hẹn – những yếu tố mang lại cho người trong cuộc cảm giác an toàn. Nếu những trở ngại đó được giải quyết và một sự gắn bó thật sự xuất hiện, cả hai sẽ nhìn nhau và thắc mắc rằng cảm giác đam mê đã đi về đâu? Họ cảm thấy an toàn, ấm cúng trong tình yêu của nhau nhưng đồng thời cũng cảm thấy đôi chút thất vọng khi ngọn lửa đam mê đã tàn lụi và họ không còn khao khát nhau như ban đầu. Cái giá mà ta phải trả cho sự si mê chính là nỗi lo sợ và sự đau đớn - những điều vừa có tác dụng nuôi dưỡng vừa hủy hoại tình yêu si mê ấy.