Căn bếp tưởng chừng là một nơi ấm cúng nhưng cũng tiềm ẩn một số mối nguy hiểm về an toàn. Để bảo vệ bản thân và gia đình, đừng bao giờ làm 5 việc này ở trong bếp.
Bếp là trái tim của ngôi nhà, là nơi chúng ta tạo ra những món ăn ngon, là nơi cả gia đình quây quần cùng nhau ăn uống. Nhưng mặc dù ra vào bếp nhiều nhưng nhiều người có xu hướng bỏ qua một số việc, dẫn dến nguy hiểm.
Trên thực tế, căn bếp tưởng chừng là một nơi ấm cúng nhưng cũng tiềm ẩn một số mối nguy hiểm về an toàn. Để bảo vệ bản thân và gia đình, đừng bao giờ làm 5 việc này ở trong bếp.
Bột mì, bật lửa, túi nilong, đồ nhựa...có bên cạnh bếp gas
Tuyệt đối không được đặt những chất dễ cháy, dễ bắt lửa như bột mì, bật lửa, túi nilong, đồ nhựa,… gần bếp gas. Nếu lơ là, có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của bản thân và gia đình.
Do đó, bột mì sau khi dử dụng nên cho vào hộp kín, không được đặt trơ trụi ở gần bếp. Dầu ăn, bật lửa, túi nilong,… nên đặt cách bếp một khoảng nhất định để đảm bảo an toàn.
Bật bếp nhiều lần
Khi sử dụng bếp gas, thi thoảng sẽ xảy ra hiện tượng bếp không bắt lửa. Nếu xảy ra vấn đề này, bạn sẽ làm gì?
Phản ứng đầu tiên của nhiều người là bật bếp liên tục, bật nhiều lần với hy vọng lửa sẽ lên theo cách này. Nhưng trên thực tế, phương pháp này không được khuyến khích, vì khí gas có thể tràn ra khỏi bếp mỗi lần bật. Hay, nếu bật nhiều lần mà lửa không lên lại quên tắt, thì khi đó sẽ xảy ra hiện tượng rò rỉ khí gas. Khi khí gas đạt đến nồng độ nhất định, nếu gặp tia lửa điện thì có thể xảy ra cháy nổ.
Lúc này bạn nên kiểm tra van gas đã mở chưa, bình hết gas hay không, dây bị hỏng hay nghẹt không, lỗ thoát gas có bị bẩn hay không,… rồi tìm cách khắc phục.
Có các thiết bị điện ở môi trường ẩm ướt
Trong bếp có rất nhiều thiết bị điện, ngoài nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng còn có một số thiết bị điện khác. Khi sử dụng, các thiết bị điện này phải được đặt ở nơi khô ráo, không được dùng trong môi trường ẩm ướt.
Nếu nước dính vào bên trong thiết bị có thể gây ra hiện tượng đoản mạch hoặc rò rỉ điện. Việc này sẽ rút ngắn tuổi thọ của các thiết bị điện và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra hỏa hoạn. Ngay cả khi không sử dụng tới, bạn cũng nên cất đặt ở nơi khô ráo, tránh xa nước để tránh ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị.
Trứng sống để trong lò vi sóng
Lò vi sóng là thiết bị được sử dụng phổ biến trong nhà bếp, được dùng để hâm nóng nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng có thể hâm nóng bằng lò vi sóng, điển hình là trứng sống.
Nếu cho trứng sống vào lò vi sóng, lớp vỏ cứng của trứng sẽ bị vỡ, trứng văng tung tóe bên trong, thậm chí có nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngoài trứng, bạn cũng không nên cho vật dụng bằng kim loại, vật dụng chịu nhiệt kém, giấy bạc, hải sản có vỏ cứng,… vào lò vi sóng.
Bếp bẩn sau khi nấu
Cần phải giữ gìn khu bếp sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng, nếu không sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi hoặc biến bếp thành nơi trú ngụ của côn trùng như gián, kiến, chuột,… Một khi nấu ăn, vi khuẩn và bụi bẩn có thể bám vào các nguyên liệu, ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta.
Ngoài ra, nếu không lau chùi ngay thì vết dấu mỡ, cáu bẩn tích tụ lâu ngày sẽ rất khó vệ sinh. Vì vậy, bạn nên duy trì thói quen lau chùi bếp ngay sau khi nấu.