Thực ra, sẽ độc hại nhất nếu dùng nồi cơm điện sai mục đích.
Nồi cơm điện là thiết bị phổ biến trong thời buổi hiện nay, hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một cái. Như mọi người đã biết, lòng nồi cơm điện sẽ được phủ một lớp chống dính. Mỗi nồi cơm điện sẽ có thiết kế và lớp chống dính khác nhau nhưng về bản chất đều có tác dụng chống ăn mòn, chịu nhiệt, đảm bảo bề mặt trơn láng và không tạo bám dính.
Chất chống dính làm từ teflon, là một chất hữu cơ có độ bền và tuổi thọ cao. Nhưng dù lớp phủ có tốt đến mấy cũng không thể chịu được sự mài mòn và sử dụng lâu dài.
Lo lắng điều này sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe nên nhiều người lập tức thay lòng nồi cơm điện mới. Nhưng, có người lại cho rằng việc này không có gì nguy hại, thật lãng phí khi thay cái khác và tiếp tục sử dụng lòng nồi cơm điện bị bong tróc để nấu cơm.
Dùng lòng nồi cơm điện bị bong tróc lớp chống dính có gây hại không?
Lớp teflon sẽ bắt đầu hư hỏng khi đun nóng từ 230 đến 260 độ C và phân hủy khi đạt trên 350 độ C. Một nghiên cứu của Đại học Newcastle và Đại học Flinders (Australia) chỉ ra, một vết xước nhỏ trên lớp chống dính có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu. Nếu lớp chống dính bị hỏng, kích thước từ vài milimet trở lên, sẽ giải phóng 2,3 triệu hạt vi nhựa, nhựa nano và có khả năng xâm nhập vào thực phẩm.
Khi lòng nồi cơm điện bị trầy xước, lớp phủ teflon sẽ bong ra và lẫn vào cơm. May mắn là nhiệt độ tối đa của nồi cơm điện là 100 độ C, cao hơn mức nhiệt này nồi sẽ tự tắt hoặc giữ ấm. Điều này đồng nghĩa, khi nấu cơm lớp teflon sẽ không phân hủy. Nếu chẳng may ăn phải, chất này trơ và không phản ứng với các tế bào cơ thể mà bị đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.
Vì vậy, nếu lòng nồi cơm điện bị bong tróc nhẹ và nồi cơm điện của bạn là sản phẩm chất lượng tốt, hàng chính hãng thì bạn có thể yên tâm sử dụng tiếp. Tuy nhiên, nên xới cơm và vệ sinh lòng nồi nhẹ nhàng để tránh tình trạng bong tróc thêm nghiêm trọng. Nếu nồi cơm điện nhà bạn là sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì dù là bị bong tróc nhẹ, bạn cũng nên thay lòng nồi mới ngay để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Với mức độ bong tróc nặng, cơm nấu sẽ không được ngon, dễ dính nồi và cơm bị khét. Lúc này bạn nên thay lòng nồi cơm mới thì hơn.
Thực ra, sẽ độc hại nhất nếu dùng nồi cơm điện sai mục đích. Cụ thể, không nên dùng nồi cơm điện để nấu nướng, chiên xào ở nhiệt độ cao, vì làm thế này lớp teflon sẽ bị phân hủy mạnh. Đặc biệt nguy hại khi dùng lòng nồi cơm điện đun đồ chua, bởi thức ăn có tính axit sẽ dễ ăn mòn lớp kim loại.
Cách dùng nồi cơm điện bền, an toàn
Muốn tăng tuổi thọ cho nồi cơm điện, bạn nên tuân theo một số nguyên tắc sau:
- Vệ sinh nồi thường xuyên, nhẹ nhàng
Tốt nhất bạn nên vệ sinh lòng nồi cơm điện ngay sau khi ăn cơm xong, vì để lâu sẽ phát sinh nhiều vi khuẩn hoặc mùi hôi khó chịu, nhất là vào mùa hè nóng nực. Ngoài ra, việc vệ sinh lòng nồi cơm điện vào lúc này sẽ dễ dàng hơn, không cần tác động lực quá mạnh vào lòng nồi.
Ngoài vệ sinh lòng nồi, bạn cần thường xuyên vệ sinh cả vỏ ngoài và mâm nhiệt, nắp nồi, khay hứng nước thừa,… để tăng tuổi thọ của thiết bị và đảm bảo vệ sinh.
- Lau khô xung quanh bên ngoài lòng nồi trước khi nấu cơm
Hãy dùng khăn sạch để lau khô xung quanh phía bên ngoài lòng nồi trước khi đặt vào bên trong nồi cơm để nấu. Việc này sẽ giúp tránh được tình trạng nước đọng bên ngoài lòng nồi bị bốc hơi, tạo nên những vết cháy xém làm cho vỏ lòng nồi bị đen và ảnh hưởng đến độ bền của mâm nhiệt.
- Dùng cả 2 tay khi đặt lòng nồi vào nồi nấu
Bạn nên dùng cả 2 tay để đặt lòng nồi vào bên trong nồi cơm. Sau khi đặt vào, hãy xoay nhẹ để đáy nồi tiếp xúc đều với bộ phận rơ le. Cách làm này sẽ hạn chế gây tổn hại đến rơ le nhiệt và giúp cơm chín đều thơm ngon, không lo bị sống.
- Tránh dùng lòng nồi cơm điện nấu trên các loại bếp khác
Lòng nồi cơm chỉ sử dụng trong nồi cơm điện, bạn không nên dùng lòng nồi để nấu trên các loại bếp khác như bếp gas, bếp hồng ngoại, bếp điện từ,… Bởi việc này sẽ khiến lòng nồi bị biến dạng và giảm tuổi thọ nồi.