Hoa Thược Dược - Ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc hoa nở vào dịp Tết

Nhật Linh - Ngày 12/11/2020 10:00 AM (GMT+7)

Bên cạnh hoa Lay ơn, hoa Thược Dược cũng là loài hoa rất được ưa chuộng để cắm vào mỗi dịp Tết đến. Vậy ý nghĩa cũng như cách chăm sóc loài hoa này ra sao để giúp chúng nở đẹp nhất.

Hoa thược dược là loài hoa được sử dụng để cắm chơi tết rất nhiều, do bông hoa đẹp, đa dạng về màu sắc mà giá thành khá rẻ. Tuy nhiên, hiện nay mọi người thường mua hoa từ nhà vườn về cắm. Chứ không biết rằng loài hoa này khá dễ trồng và chăm sóc. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về loài hoa này, cách trồng và cách chăm sóc đúng kỹ thuật.

Đặc điểm và nguồn gốc của hoa thược dược

Hoa Thược Dược là loại hoa cùng họ với hoa cúc và hoa đồng tiền, có nguồn gốc từ Mexico và được xem như là quốc hoa của quốc gia này. Loài hoa này có tên gọi khác là Bông thược dược, Cúc Đại Lý, tên khoa học là Dahlia. Ở Việt Nam, thược dược được trồng nhiều ở các vựa hoa ở miền Bắc như làng hoa Tây Tựu, làng hoa Ngọc Hà và làng hoa Nghi Đàm.

Thược Dược là một loài cây thân thảo thuộc chi thực vật có củ, thường phát triển vào mùa xuân từ những củ nhỏ ban đầu. Loài hoa này có khả năng thích nghi cao với nhiều điều kiện thời tiết, khí hậu. Chỉ cần bỏ chút công chăm sóc là bạn có thể khiến chúng nở như mong muốn.

Hoa Thược Dược có nhiều màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là màu đỏ, tím, vàng, hồng và trắng và đặc biệt, trên cùng một bông hoa có hai màu. Hoa của chúng có đường kính trung bình từ 8cm trở lên, nụ hoa có kích thước khoảng 2cm - 3cm. Mỗi bông hoa được xếp lại từ khoảng 100 cánh hoa thon dài.

Chiều cao trung bình của cây khoảng từ 0.5 - 1m, tuy nhiên hiện nay người ta đã lai tạo ra được những giống hoa Thược Dược có chiều cao chỉ khoảng 30cm. Thân cây tương đối mềm và yếu, rất dễ dập. Rễ chính của cây phình to dạng củ, các chất dinh dưỡng và nước nuôi cây sẽ được tích trữ ở đây. Lá cây thược dược có màu xanh thẫm, thuộc loại cây lá đơn mọc đối xứng nhau, rìa lá có hình răng cưa.

Cây thược dược thường ra hoa vào khoảng tháng 9 đến tháng 4 năm sau nếu được chăm sóc đúng cách. Hoa nở rộ nhất vào dịp Tết, lúc này không khí mát mẻ, thời tiết không quá nóng hoặc không quá lạnh, thỉnh thoảng có mưa phùn rất thích hợp với cây.

Hình ảnh của hoa Thược Dược

Hình ảnh của hoa Thược Dược

“Nhất Lay ơn, nhì Thược Dược”, câu nói như để chứng minh sức ảnh hưởng của loài hoa mang vẻ đẹp quyến rũ này vào những dịp lễ đặc biệt quan trọng. Vốn dĩ loài hoa này được người Pháp mang sang Việt Nam từ thời Pháp thuộc, nhưng dần dần chúng đã trở nên phổ biến và được nhiều người cắm trưng bày trên bàn thờ gia tiên ngày Tết.

Phân loại hoa thược dược

Tuỳ thuộc vào đặc tính, màu sắc và kích thước của cây, hoa thược dược được phân loại theo những nhóm sau: theo chiều cao cây, theo màu sắc hoa, theo dạng hoa và theo đặc tính loài.

Theo màu sắc hoa cây thược dược có những loại sau: đỏ, đen, trắng, vàng, tím và cam.

Theo chiều cao cây có những loại sau:

- Thược dược lùn: là nhóm cây có chiều cao dưới 40cm, thích hợp trồng trong chậu hoặc bồn cây.

- Thược dược trung: là nhóm cây có chiều cao trong khoảng từ 40cm - 80cm, thường được cắt cành cắm hoa hoặc trồng trang trí trong bồn hoặc chậu cây.

- Thược dược cao: là nhóm cây có chiều cao trên 80cm, thường được sử dụng để cắt cành cắm hoa.

Dựa theo dạng hoa, cây thược dược có 2 dạng là hoa đơn và hoa kép.

Khó phân biệt nhất có lẽ là hoa thược dược được phân loại theo đặc tính loài, mỗi loại có những đặc điểm riêng. Cụ thể như sau:

1. Hoa thược dược xương rồng

Loài hoa này có bông hoa toa, cánh hoa cuộn tròn hình ống dài, chĩa ra tua tủa như gai xương rồng, nhìn khá lạ mắt. Loài hoa này có thể thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, từ nơi lạnh giá có nhiệt độ dưới 0 độ C đến nơi có khí hậu nóng ẩm. Củ loài cây này có khoảng thời gian ngủ đông nên có thể trồng được ở nơi có khí hậu ôn đới.

2. Hoa thược dược tàn ong

Đây là loài hoa đẹp nhất trong tất cả các loại thược dược. Bông hoa nở to, đẹp và tròn đều đặn, cánh hoa xếp lại với nhau tạo thành hình như sáp ong khá bắt mắt. Giống hoa này có 2 loại hoa đơn và hoa kép.

Về hoa đơn, loại hoa này mang những đặc điểm của hoa thược dược như có một vòng cánh, màu sắc đẹp mắt. Tuy nhiên, loại hoa này lại không phổ biến nên rất ít thấy.

Về hoa kép, loại hoa này rất đẹp đa dạng về kiểu dáng bông và màu sắc cánh hoa. Cánh hoa xếp lại như tổ ong hoặc xếp rối như cánh hoa bị xé nhỏ.

3. Hoa thược dược trang trí

Đây là loài hoa khá phổ biến trên thị trường, có nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, hồng, trắng và vàng. Bông hoa nở bung rất đẹp, nhuỵ hoa to, cánh hoa mỏng thường có khoảng 10 cánh một bông. Đặc biệt, mỗi bông hoa có từ 2 - 3 màu sắc cánh hoa. Mặc dù loài hoa này khá đẹp và sặc sỡ nhưng không được nhiều người ưa chuộng. Lý do là vì hoa thược dược trang trí không thơm, tán lá đẹp nhưng mặt lá cây khá thô ráp.

4. Hoa thược dược búp tròn

Loài hoa này vẫn mang đặc điểm chung của loài hoa thược dược. Tuy nhiên có một số đặc điểm khác như: hoa nở bung như đoá hoa sen, cánh hoa mỏng thuôn dần về phía đầu, cánh hoa uốn cong bao trọn lấy nhuỵ hoa và đài hoa. Thân cây cao khoảng từ 60cm - 1m, lá cây có màu xanh đậm nhọn dần về phía đầu, bề mặt lá bóng.

Ý nghĩa hoa Thược Dược có thể bạn chưa biết

Hoa thược dược thường được trang trí vào dịp tết, được biết đến với ý nghĩa mang lại sự may mắn và niềm vui trong cả năm tới cho gia đình. Tuy nhiên, bạn có biết rằng, loài hoa này còn có rất nhiều ý nghĩa khác. Cùng tìm hiểu ngay trong phần sau đây.

1. Ý nghĩa hoa Thược Dược trong đời sống

Hoa Thược Dược tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và viên mãn cho cả một năm. Với các cặp đôi đang yêu nhau, loài hoa này còn tượng trưng cho sự trường tồn, sự chung thủy của tình yêu. Khi bạn đem tặng hoa Thược Dược cho người mình yêu, điều đó mang ý cầu chúc cho tình yêu của bạn mãi bền lâu, cả hai người sẽ luôn bên nhau không rời theo năm tháng.

2. Ý nghĩa hoa Thược Dược theo từng màu sắc

Hoa Thược Dược có rất nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu lại đem đến một ý nghĩa vô cùng độc đáo:

- Hoa màu đỏ: là biểu tượng của tình yêu ngọt ngào, của hạnh phúc vững bền. Màu đỏ rực rỡ của hoa còn tượng trưng cho nhiệt huyết, đam mê mãnh liệt của tuổi trẻ.

- Hoa màu vàng: Tượng trưng cho sự thịnh vượng, sang trọng, trồng hoa trong nhà mang đến sự giàu sang, phú quý cho gia chủ. Màu vàng cũng là màu của Mặt Trời, mang thông điệp “ngập tràn hạnh phúc” gửi đến các cặp đôi.

- Hoa Thược Dược trắng: Tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết và dịu dàng của người con gái.

- Hoa Thược Dược đen: Mang ý nghĩa đau đớn và tàn khốc. Nó còn là lời cảnh báo cho sự phản bội và những đau thương sẽ khó chữa lành.

- Hoa Thược Dược tím: Tượng trưng cho sự thủy chung, son sắt trong tình nghĩa vợ chồng, trước sau như một.

- Hoa Thược Dược xanh: Tượng trưng cho hy vọng về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Mỗi màu sắc lại có một ý nghĩa khác nhau

Mỗi màu sắc lại có một ý nghĩa khác nhau

Cách trồng hoa Thược Dược trong nhà

Trồng hoa thược dược không khó, quan trọng là bạn phải nắm chắc kỹ thuật trồng hoa sau đây.

1. Lựa chọn giống hoa

Hoa Thược Dược là loài hoa đa dạng về màu sắc, kiểu dáng và phong phú. Tùy theo nhu cầu của bạn mà hãy lựa chọn giống hoa sao cho phù hợp:

- Dựa vào loại hoa: Hoa đơn hoặc hoa kép.

- Dựa vào kích thước: loài hoa này được chia thành 3 nhóm chính: cao trên 80cm, trung bình từ 40cm - 80cm và thấp nhỏ hơn 40cm.

* Lưu ý: Giống hoa được lựa chọn phải khỏe mạnh, không mắc sâu bệnh và phù hợp với điều kiện môi trường và khí hậu nơi bạn đang sinh sống.

2. Lựa chọn đất trồng (giá thể)

Hoa thược dược có khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường và khí hậu, nên cây có thể sinh sống trên mọi loại đất trồng. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng tốt, nên chọn loại đất mùn có độ tơi xốp cao, thông thoáng và khả năng thoát nước tốt. Giá thể trồng cây có thể mua tại các cửa hàng bán cây giống và nhà vườn trên cả nước.

Bạn cũng có thể tự làm giá thể trồng cây tại nhà bằng những nguyên liệu sau: phân chuồng ủ mục hoặc phân trùn quế + đất phù sa + xỉ than hoặc xơ dừa theo tỉ lệ 1:2:1. Sau đó, khử nấm và vi khuẩn có trong giá thể bằng dung dịch Ridomil Gold tỉ lệ 3g/lít hoặc Daconil tỉ lệ 1g/lít. Sau đó, phơi giá thể trong điều kiện râm mát và trộn đều chúng lại với nhau.

Điều kiện đất trồng và giống cây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hoa

Điều kiện đất trồng và giống cây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hoa

3. Lựa chọn thời vụ trồng

Thời vụ trồng hoa Thược Dược tốt nhất là vào cuối Đông - đầu Xuân. Bởi đây là giai đoạn cuối mùa lạnh, đầu mùa ấm áp sẽ tạo điều kiện để cây có thể đâm chồi, phát triển thành cây dễ dàng hơn. Ở nước ta, khu vực đồng bằng Bắc Bộ thường trồng cây Thược Dược từ tháng 10 cho đến tháng 2 năm sau, còn khu vực Đà Lạt có thể trồng quanh năm.

4. Lựa chọn loại chậu

Dựa vào kích thước của cây hoa Thược Dược mà bạn hãy lựa chọn loại chậu cho phù hợp với bộ rễ của cây. Trong thời kỳ đầu, hãy lựa chọn những loại chậu nhỏ để trồng có đường kính khoảng 15cm và sâu khoảng 20cm. Đến khi cây phát triển lớn hơn và bắt đầu ra hoa thì đổi sang chậu có kích thước lớn hơn để tránh kiềm chế sự phát triển của bộ rễ. Nên chọn loại chậu có khả năng thoát nước tốt.

5. Cách trồng hoa Thược Dược bằng củ

Hiện nay, có 2 phương pháp trồng hoa thược dược bằng củ chính: trồng trong chậu và trồng ngoài vườn. Mỗi cách trồng lại có các bước làm khác nhau, sau đây là các bước trồng cây đúng chuẩn kỹ thuật nông nghiệp.

5 bước trồng hoa thược dược bằng củ trong chậu

Bước 1: Cho đất đã chuẩn bị vào chậu với lượng đất bằng 1/3 chậu.

Bước 2: Đặt củ giống thược dược đã chọn vào chính giữa chậu.

Bước 3: Đổ phần đất còn lại vào chậu sao cho mặt đất xấp xỉ với bề mặt củ. Lưu ý, bề mặt đất nên cách thành chậu khoảng 6cm - 10cm.

Bước 4: Tưới nước thường xuyên giữ độ ẩm vừa phải để củ ra rễ mới và bắt đầu nảy mầm.

Bước 5: Khi cây đã bắt đầu nảy mầm thì tiếp tục tiến hành lấp đất vào chậu, sao cho mầm cây nhô cao hơn mặt đất khoảng 2cm - 3cm. Lặp lại công việc này vài lần cho đến khi bề mặt đất cách thành chậu khoảng 3cm.

4 bước trồng hoa thược dược bằng củ ở vườn

Bước 1: Củ hoa Thược Dược kích cỡ trung bình trở lên nên trồng cách nhau từ 20 đến 40cm. Với những bông hoa có kích thước lớn nên đặt cách nhau từ 60cm.

Bước 2: Đào hố trồng cây sâu khoảng từ 15 đến 25cm. Đặt củ hoa Thược Dược vào trong đó rồi tiến hành lấp đất khoảng 4 đến 6cm so với chiều cao củ hoa. Hố trồng cây phải lớn hơn bầu rễ của cây một chút và bạn nên trộn thêm một ít phân chuồng hoặc xỉ than vào đất. Như vậy sẽ đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây. Khi cây bắt đầu nảy mầm, hãy lấp đất vào cho đến khi cây mọc lên đến mặt đất.

Bước 3: Sử dụng cọc cao từ 15 đến 20cm để cố định xung quanh cây Thược Dược vào thời điểm trồng và buộc dây vào thân cây khi cây phát triển lớn hơn nhằm giúp cây đứng thẳng và đẹp.

Bước 4: Tưới nước thường xuyên cho cây và quan sát quá trình phát triển.

6. Trồng hoa thược dược bằng hạt giống

Phương pháp trồng hoa thược dược được khá nhiều vườn ươm sử dụng đó là trồng bằng hạt giống, kỹ thuật trồng bao gồm 7 bước như sau:

Bước 1: Mua hạt giống cây thược dược tại các điểm bán giống cây trồng hoặc nhà vườn.

Bước 2: Ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 2 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước.

Bước 3: Cho đất hữu cơ tơi xốp vào chậu đã chuẩn bị sẵn.

Bước 4: Rải hạt giống lên bề mặt đất và phủ lên một lớp đất tơi. Sau đó, tưới nước dạng phun sương cho đất để cung cấp độ ẩm cho hạt nảy mầm, tần suất tưới khoảng 3 lần/ngày.

Bước 5: Sau khoảng 5 ngày, hạt giống đã bắt đầu nảy mầm. Trong 10 ngày tiếp theo, cây sẽ cao hơn và bắt đầu ra lá. Bạn có thể để nguyên trong chậu và chăm sóc cho đến khi trưởng thành hoặc đánh cây con ra nơi khác.

* Lưu ý: Thời điểm này, cây con khá yếu do chưa ra đủ rễ nên bạn phải tưới nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm cho cây, nên để chậu cây trong bóng râm, nếu trồng ngoài vườn thì phải có phương pháp che chắn.

Bước 6: Sau khoảng 4 tuần, bạn có thể cắt ngọn lần 1 để tạo tán và cho cây đâm chồi mới. Lưu ý, chiều cao thân cây từ gốc đến điểm cắt phải cao khoảng 8cm.

Bước 7: Khoảng 15 ngày sau khi cắt ngọn tạo tán lần 1, tiến hành cắt ngọn tạo tán lần 2.

Bước 8: Khoảng 15 ngày sau khi cắt ngọn tạo tán lần 2, tiến hành cắt ngọn tạo tán lần 3.

Bước 9: Sau khoảng 2 tháng kể từ khi cắt ngọn tạo tán lần 3, cây sẽ bắt đầu trổ bông.

Cách chăm sóc hoa Thược Dược giúp nở đẹp vào đúng dịp

Sau khi đã trồng xong cây, bạn nên thực hiện theo kỹ thuật chăm sóc cây hoa thược dược sau đây để cây phát triển tốt, nhanh cứng cáp và ra hoa.

1. Chất lượng đất

Cây hoa Thược Dược phát triển mạnh nhất trong điều kiện đất hơi chua, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, độ pH từ 6.5 - 7.

2. Ánh sáng

Địa điểm trồng cây tốt nhất nên có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Nên cho cây tắm nắng từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày để đạt sự phát triển tốt nhất. Sau thời gian đó, hãy đặt cây vào chỗ thoáng mát và tránh gió.

Nên trồng cây tại nơi thoáng đãng và có đủ ánh sáng

Nên trồng cây tại nơi thoáng đãng và có đủ ánh sáng

3. Tưới nước

Không nên tưới quá nhiều nước trong giai đoạn củ hoa phát triển tạo thành cây, chỉ duy trì lượng ẩm vừa phải trong đất để tránh tình trạng thối củ. Sau khi cây Thược Dược bắt đầu mọc cao, hãy duy trì tưới đẫm nước khoảng 3 lần/tuần và tưới nhẹ ít nhất 1 lần/ngày khi thời tiết vào mùa Hè.

4. Bón phân

Sử dụng phân NPK với hàm lượng Nitơ thấp sẽ rất lý tưởng cho hoa Thược Dược. Tỷ lệ phân NPK tốt nhất là 5-10-10 hoặc 10-20-20. Bắt đầu bón phân cho cây khi mới mọc mầm, sau đó cứ 3 - 4 tuần lại bón thêm 1 lần từ giữa mùa Hè cho đến hết mùa Thu. Bạn có thể sử dụng loại phân bón đầu trâu 502 và đầu trâu 702 đến bón cho lá cây.

5. Cắt tỉa

Nên cắt tỉa sao cho giữ lại từ 2 - 3 chồi non để giúp cây có đủ dinh dưỡng phát triển tốt nhất. Tránh giữ lại quá nhiều chồi sẽ khiến lượng dinh dưỡng bị phân tán và hoa sẽ nở không đẹp như mong muốn.

Các bệnh thường gặp trên hoa thược dược

Hoa thược dược giống như bao loài hoa khác, trong quá trình phát triển, cây không thể tránh khỏi các loại sâu bệnh gây hại cho cây.

1. Bệnh phấn trắng

Bệnh phấn trắng do bào tử nấm phát triển gây ra, thường xuất hiện vào cuối mùa sinh trưởng của hoa thược dược. Triệu chứng của bệnh phấn trắng khá dễ nhận biết, trên lá ban đầu xuất hiện những đốm trắng nhỏ sau đó lan dần ra cả lá và cuối cùng lây sang toàn bộ là cây. Tuy không gây hại trực tiếp đến cây nhưng bệnh này sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cây.

Nguyên nhân chính có thể do trong quá trình tưới nước, trên lá cây còn đọng lại những giọt nước hoặc do sương đọng lại qua đêm, tạo điều kiện thích hợp cho bào tử nấm phát triển.

Để điều bị bệnh phấn trắng trên cây hoa thược dược, bạn có thể sử dụng thuốc Boocdo 0.5% hoặc Zineb 0.1% để phun cho cây. Loại thuốc này có thể mua tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp hoặc điểm bán thuốc bảo vệ thực vật. Cách dùng và liều lượng phun bạn nên tham khảo người bán hoặc đọc trên bao bì thuốc.

2. Bệnh mốc xám Botrytis

Nguyên nhân: Bệnh mốc xám trên hoa thược dược do bào tử nấm Botrytis cinerea gây ra. Bệnh này thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết ẩm ướt, mưa thường xuyên và độ ẩm không khí cao.

Triệu chứng của bệnh: Ban đầu, lá cây xuất hiện những đốm màu nâu, sau đó lan rộng ra dần dần phát triển thành một lớp mốc mờ màu xám hoặc rám nắng.

Gây hại: Bệnh gây hại cho cả lá, hoa và thân cây, thậm chí có thể làm chết cây.

Cách điều trị: Bạn có thể sử dụng thuốc sinh học có chứa nấm Trichoderma harzianum. Hoặc sử dụng thuốc hoá học có chứa Fluazinam và Thiophanate-methyl để diệt nấm. Nếu phát hiện sớm, bạn có thể sử dụng thuốc Chlorothalonil phun trực tiếp vào lá để tránh lây lan. Hướng dẫn sử dụng và liệu lượng bạn có thể xem trên bao bì sản phẩm.

3. Bệnh héo rũ chết vàng

Nguyên nhân: Bệnh héo Fusarium wilt và Verticillium wilt trên hoa thược dược là bệnh gây ra bởi bào tử nấm Fusarium và Verticillium sống trong đất trồng ẩm ướt. Thường xuất hiện trên cây yếu và thời tiết thuận lợi cho bào tử nấm phát triển.

Triệu chứng: Ban đầu bệnh gây vàng lá, chuyển dần sang màu nâu đậm hoặc đen, cuối cùng là cây sẽ héo chết.

Gây hại: Các bào tử nấm sau khi xâm nhập vào mô mạch cây sẽ làm tắc nghẽn mô dẫn nước (Xylem) trong thân cây. Từ đó khiến cây không thể cung cấp chất dinh dưỡng và nước lên lá, hoa và thân cây.

Cách điều trị: Không có cách điều trị cho loại bệnh này, bạn chỉ có thể phòng chống bệnh bằng những cách sau: Khi phát hiện cây bị bệnh nên nhổ cây bỏ đi và mang đi tiêu huỷ. Nếu trồng trong chậu, bạn nên đổ đất trong chậu đi, rửa sạch sẽ, phơi khô và khử khuẩn bằng vôi bột. Nếu trồng trong vườn, sau khi nhổ bỏ cây, bạn tiến hành khử khuẩn cho đất bằng vôi bột hoặc Copper zinc 85 WP, trộn đều để đất trống trong khoảng vài tuần. Nếu phát hiện bệnh sớm, có thể phun thuốc Kasumin 0.2 - 0.5%, Starner 20 WP hoặc các loại thuốc đặc trị nấm Copper B 75 WP, Carban 50 SC với nồng độ 0.2 - 0.4%. Hoặc sử dụng thuốc sinh học Trichoderma cho an toàn.

4. Bệnh thối thân

Nguyên nhân: Bệnh thối thân trên hoa thược dược xuất hiện khi cây trồng trên loại đất thoát nước kém.

Gây hại: Bệnh bắt đầu úng nước ở gốc dưới tầng đất, dần di chuyển lên trên và thối thân.

Triệu chứng: Thân cây ban đầu sẽ mềm và sẫm màu chuyển dần sang nhũn, sau đó sẽ thối rữa.

Cách điều trị: Bạn nên nhổ cây gồm cả đất xung quanh củ bỏ đi. Khi trồng trong chậu, thay thế bằng loại đất mới có khả năng thoát nước tốt. Trồng trong vườn, nên vun đất trồng thành các luống cao, có đường thoát nước và tiến hành khử khuẩn cho đất bằng vôi bột.

5. Bệnh do virus

Nguyên nhân: Virus theo vết thương của cây do bọ trĩ gây ra xâm nhập vào thân cây.

Triệu chứng: Thân và lá xuất hiện các đốm tròn và màu sắc lá đậm nhạt không đồng đều, tán lá héo úa, còi cọc.

Gây hại: Virus xâm nhập sâu vào thân và chồi của cây.

Cách điều trị: Bệnh do virus từ bọ trĩ gây ra thường rất khó điều trị. Vì vậy bạn nên loại bỏ và phòng chống cho các cây khác bằng Xà phòng diệt côn trùng, dầu Neem và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, Pyrethrin. Không nên sử dụng thuốc diệt côn trùng hoá học và có thể làm chết bướm, ong và các côn trùng có lợi khác.

6. Các loại bệnh khác

Ngoài ra, trong giai đoạn phát triển, cây hoa thược dược còn bị các loại sâu ăn lá, nhện đỏ gây héo lá, rệp ống khiến lá bị xoăn lại. Để phòng trừ bệnh, thường xuyên kiểm tra và loại bỏ sâu hại, lá già, lá héo úa, cắt tỉa cây giữ cho tán cây luôn thông thoáng. Khi trồng trong vườn, có thể sử dụng các chế phẩm sinh học từ dầu Neem và chế phẩm từ rượu, tỏi và ớt để phun.

Bệnh đốm lá trên hoa thược dược, chủ yếu bệnh xảy ra khi thời tiết vào giai đoạn ẩm, các đốm vàng sẽ xuất hiện trên lá sau đó chuyển dần sang nâu và ăn mòn dần dần vào cây hoa. Khi đó hãy sử dụng thuốc Boocdo 0.5% hoặc Zineb 0.1% nhằm loại trừ nguy cơ bệnh.

Cách cắm hoa Thược Dược đẹp để bày vào dịp Tết

1. Cách chọn hoa Thược Dược đẹp

- Hãy lựa chọn những bông hoa mới chớm nở, có nụ, cánh hoa mọc đều, đẹp và không bị dập nát.

- Phần cuống hoa phải dài và cứng, cành chắc khỏe và mập mạp để có thể hút nước dễ dàng.

- Cuối cùng, hãy chọn lựa kích cỡ của bông hoa có cả to cả nhỏ, màu sắc của hoa còn tùy thuộc vào bạn muốn bình hoa 1 màu hay đa dạng màu sắc..

2. Cách cắm hoa Thược Dược

Nguyên liệu:

- Hoa Thược Dược: khoảng 20 bông với đủ kích thước

- Bình hoa: 1 cái (kích cỡ trung bình)

- Băng dính, kéo, mút xốp, dao...

Các bước thực hiện:

- Hoa Thược Dược khi mới mua về bạn nên ngâm vào một thùng nước sạch để làm sạch phần cành, lá và thân hoa. Như vậy đảm bảo khi cắm hoa vào trong bình sẽ không sợ bị thối, hỏng cây hoa.

- Ngâm khoảng 30 phút rồi lấy hoa ra, dùng kéo cắt tỉa bớt cành lá sao cho phù hợp chiều cao khi cắm vào bình hoa của bạn. Lưu ý cắt vát chéo phần gốc hoa khoảng 45 độ để tăng khả năng hút nước tốt hơn.

- Đổ nước ngập 1/3 hoặc 1/2 bình hoa của bạn, bạn có thể cho vào bình một ít vitamin B1 nhằm giúp dưỡng hoa, khiến hoa lâu tàn hơn.

Bình hoa Thược Dược sau khi đã hoàn thành

Bình hoa Thược Dược sau khi đã hoàn thành

- Lấy ra 3 - 4 cành hoa Thược Dược cứng cáp và có thân thẳng để cắm vào xốp trước nhằm tạo dáng cho bình hoa. Tốt nhất bạn nên chia ra cắm tại từng góc của miếng xốp để tạo sự cân đối.

- Cuối cùng, cắm các cành còn lại vào miếng xốp và xếp chúng theo độ cao, nghiêng hợp lý để tạo ra sự mềm mại cho bình hoa Thược Dược của bạn.

Trên đây là những thông tin chi tiết về hoa thược dược - loài hoa được ưa chuộng trong dịp Tết đến xuân về. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn có thể tự trồng và cắm được một bình hoa tuyệt đẹp chưng tết.

3 tháng cuối năm nhất định phải đặt loại hoa này trong phòng khách, kéo may mắn về gấp đôi
Phong lan không những được coi là biểu tượng phong thủy cổ điển của khả năng sinh sản mà còn là biểu tượng của một cuộc tìm kiếm sự hoàn hảo trong đời...

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hoa đẹp