Cuộc đời NSND Lệ Thủy được khán giả ngưỡng mộ không chỉ trong sự nghiệp mà cả đời tư với câu chuyện tình đẹp mấy chục năm qua.
XEM VIDEO: Nghệ sĩ Lệ Thủy đội mưa thăm nhà 2 bé trai bị lũ cuốn ở Quảng Bình. (Nguồn: Youtube Dương Đình Trí)
"Cô đào ngoại hạng" cùng vẻ đẹp kiều diễm và chất giọng hiếm có khó tìm
Nhắc đến NSND Lệ Thủy, nhiều khán giả khắp cả nước đều biết và yêu mến bởi bà được mệnh danh là "bà hoàng cải lương" hay "cô đào ngoại hạng" hiếm có. Bà tên thật là Dương Thị Lệ Thủy, về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy, sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo tại Vĩnh Long. Bà là chị cả trong gia đình có 8 anh chị em.
Cuộc sống khó khăn, từ nhỏ bà đã theo gia đình lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 10 tuổi, cơ duyên với nghề hát đã bắt đầu khi một nghệ sĩ nghiệp dư ở ban văn nghệ xóm phát hiện ra giọng ca của Lệ Thủy và gửi đi học hát. Tuy nhiên sau đó các em của Lệ Thủy liên tục đau ốm, gia đình nợ nần tứ phía, bản thân lại không thể tiếp tục đến trường do không có giấy khai sinh nên bà đã quyết định đi làm sớm để phụ giúp gia đình và xin làm việc ở gánh hát Trâm Vàng (Đồng Nai).
Vẻ đẹp vượt thời gian của "cô đào" đình đám Lệ Thủy.
Từ việc ngâm thơ hậu trường, đóng những vai kép con trên sân khấu đến năm 14 tuổi, Lệ Thủy đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính. Tên tuổi của Lệ Thủy bắt đầu nổi lên, trở thành cô đào chính sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi.
Năm 16 tuổi, nữ nghệ sĩ đạt huy chương vàng giải Thanh Tâm – giải thưởng danh giá nhất ở lĩnh vực cải lương trong thập niên 1950-1960. Những năm đầu 1990, Lệ Thủy chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực video cải lương. Một số vở cải lương từng gắn với tên tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy cũng được quay video như Đêm lạnh chùa hoang, Tây Thi, Máu nhuộm sân chùa, Kiếp nào có yêu nhau, Băng Tuyền nữ chúa... Thời băng đĩa video cải lương nở rộ, hễ băng đĩa nào có nghệ sĩ Lệ Thủy tham gia là bán đắt như tôm tươi.
Lệ Thủy - Minh Vương từng là "cặp đôi vàng" được ngưỡng mộ một thời.
Dù là cô đào sáng giá của sân khấu cải lương nhưng bà không hề kén chọn người đóng chung, đóng với ai bà cũng rất hợp như: Minh Vương, Minh Phụng, Tấn Tài, Thanh Sang, Minh Cảnh cho đến những cô đào như: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Mỹ Châu, Út Bạch Lan,...
Đặc biệt, điều ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong khán giả là giọng ca của Lệ Thủy được ví như "chuông ngân" vì chất giọng thổ pha kim hiếm có và cách ca rất chân phương, nhẹ nhàng. Cộng với vẻ ngoài xinh xắn, kiều diễm của một cô đào hát, Lệ Thuỷ nhanh chóng được đưa lên vị trí đào chính, show diễn liên tục cùng mức cát-xê cao. Bà còn từng tiết lộ: "Ở thời hoàng kim, tên tuổi tôi rất nổi tiếng trên làng đĩa nhựa, dù còn rất nhỏ tuổi. Thậm chí, tôi còn "láu cá" nghĩ ra trò đòi tăng giá cát xê, ai ngờ được hãng đĩa đồng ý luôn."
Bà là giọng ca hiếm có, "tượng đài" trong làng cải lương.
Giọng ca cùng những bài hát Lệ Thủy đều gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ, được ngợi khen là giọng ca tuyệt vời, "độc nhất vô nhị"... Ngay cả khi ngoài 70 tuổi, giọng ca của bà vẫn còn vang vọng khắp nơi và được coi là "tiếng hát vượt thời gian", vẫn còn khiến khán giả "đứng ngồi không yên".
Khán giả nhiều tầng lớp vô cùng mến mộ cô đào cải lương tài sắc Lệ Thủy. Đồng nghiệp từng kể đã bắt gặp một khán giả trung niên chèo ghe đi bán hàng rong, cứ lúc nào mệt bà lại lục trong túi lấy hình nghệ sĩ Lệ Thủy ra ngắm. Ngắm đã đời rồi bà nói: “Coi hình cổ thấy hết mệt, giờ chèo ghe đi bán tiếp!”.
Biến cố rùng mình trong cuộc đời, nhà bất ngờ bốc cháy
Tự nhận là một nghệ sĩ may mắn nhưng trong cuộc đời NSND Lệ Thủy cũng có nhiều câu chuyện đau lòng khiến khán giả xót xa. Trong Hồi ký Lệ Thủy, "cây đại thụ" của làng cải lương đã tiết lộ những biến cố lớn xảy đến với mình trong giai đoạn đỉnh cao, mà khi nhắc lại bà không khỏi cảm thấy rùng mình.
Lệ Thủy từng nghĩ sẽ phải giải nghệ đi buôn.
Bà kể rằng trong lúc cả gia đình bà đi vắng vào dịp Tết, ngôi nhà bất ngờ bốc cháy, thiêu rụi hoàn toàn những vật dụng, tài sản giá trị trong nhà: "Tôi còn nhớ, sáng mùng 2 Tết năm 1968, tôi và đứa em lên nhà bạn chơi, tới chiều thì nhà tôi bị cháy, cháy đến tận tối, không còn gì hết. Hai hôm sau tôi mới về nhà, thấy mọi thứ đều cháy rụi, cả gia tài của nhà tôi đều không còn gì hết. Toàn bộ son phấn, đồ diễn, gia tài đi hát của tôi cũng không còn gì.
Nhưng cũng may lúc đó tôi vừa ký hợp đồng đi hát trước Tết, nên trong người còn vài trăm đồng, mới đi mượn thêm tiền để xây lại nhà mới. Sau đó suốt một năm liền, vì nhiều biến cố nên không có đoàn cải lương nào được hát trong thành phố. Tôi phải nghỉ quá lâu, suốt mấy tháng trời không được đi hát, nên buồn rầu, trống trơn. Tôi nghĩ chắc phải giải nghệ rồi, nên mới tìm cách đi buôn bán. Nhưng rồi tôi cũng không đi buôn được".
Từng có cát-xê cao vút, ai ai cũng biết nhưng cũng có lúc nữ nghệ sĩ bị lãng quên.
Không những thế, bà còn bị đẩy xuống làm vai phụ, phải nằm khóc, ganh tị. Khi ông bầu gây dựng lại gánh hát đã mời mọi người trở về đoàn diễn. Lệ Thủy cùng đoàn đi diễn miền Trung suốt 2 năm. "Sau hai năm đi diễn ngoài miền Trung trở về, tôi mất hết tên tuổi trên làng băng đĩa nhựa, không còn ai kêu tôi đi thu nữa vì đã có Mỹ Châu rồi. Lúc đó, Mỹ Châu ca cải lương rất hay", bà nói.
Sau đó, Lệ Thủy đến hãng đĩa để thu vở Lá trầu xanh, nhưng bị đẩy xuống vai phụ, còn Mỹ Châu được thu vai chính. Trong khi đó, bình thường bà được vào vai chính. "Tôi buồn lắm, về nhà nằm khóc quá trời. Hồi đó tôi mới 21 tuổi, còn nhỏ lắm nên mới ganh tị với Mỹ Châu vì thấy Mỹ Châu được cưng chiều hơn tôi. Tôi không biết làm thế nào, nhưng vẫn phải đi thu vì nếu không thu thì không ai biết tôi đã về Sài Gòn. Tôi kiên nhẫn lắm, chấp nhận đóng vai phụ để được khán giả biết tới, chứ không vì cái tự ái của mình mà bỏ không đóng", Lệ Thủy từng thổ lộ.
Dù từng ganh tị với đồng nghiệp nhưng bà khẳng định đó là sự cạnh tranh bằng năng lực.
Song cũng nhờ việc hát vai phụ mà bà được mọi người chú ý đến và lấy lại được tên tuổi. Từ đó, bà bắt đầu phấn đấu để được đóng vai chính trở lại. Bởi lẽ giá cát xê của đào nhì chỉ bằng một nửa của đào chính, chênh lệch rất nhiều như vậy. Nói về sự cạnh tranh với đồng nghiệp, nữ NSND đã nói: "Ngày xưa, chúng tôi cạnh tranh nhau từng chút một, nhưng cạnh tranh bằng năng lực, chứ không phải thù ghét rồi hãm hại nhau. Tóm lại, tôi bị hụt hẫng, mất đi danh tiếng trong 2 năm, nhưng chỉ mất 2 năm sau là tôi lấy lại được tên tuổi của mình".
Lấy chàng kỹ sư trọ trước hẻm nhà mình, nổi tiếng thế nào vẫn quyết "thấp" hơn chồng
Với NSND Lệ Thủy, bà luôn nói rằng thành công lớn nhất của mình là có một gia đình hạnh phúc. Nay ở tuổi 72, bà có cuộc sống yên ấm bên ông xã Dương Đình Trúc có 3 người con, 1 gái, 2 trai. Để giữ được mái ấm là điều không dễ dàng và bà đã cùng chồng vượt qua nhiều giông tố.
Bà kết hôn năm 1973 với chàng kỹ sư kinh tế ở trọ ngay trước hẻm nhà mình. Vì sao bà lại chọn "chàng trai" ấy, dù lúc đó tên tuổi Lệ Thủy đang vang danh khắp cả nước và có hàng dài người ái mộ xếp hàng đưa đón, trong đó có rất nhiều người giàu có mà theo cách dùng từ ngày nay gọi là "đại gia"? Một phần có lẽ cũng bởi hoàn cảnh của bà mà ra.
NSND Lệ Thủy và chồng kỹ sư kinh tế gắn bó bên nhau suốt gần 50 năm.
Do gia đình khó khăn từ nhỏ nên Lệ Thủy sớm có những suy nghĩ chín chắn. Bà nghĩ rằng, nếu cả hai vợ chồng cùng theo đuổi nghề hát thì ai lo dạy dỗ con cái. Thế nên bà xác định, mình sẽ lấy người ngoài nghề, để khi mình đi hát thì chồng thay mình chăm sóc cho con. Hơn nữa, vì gia cảnh ngày trước nên bà phải nghỉ học từ nhỏ, trình độ học vấn không cao. Bởi vậy, chồng phải là người có trình độ học vấn cao, để sau này còn giúp mình dạy dỗ con cái.
Không hoàn toàn yên bình, gia đình Lệ Thủy cũng nhờ cố gắng và bản lĩnh mới có thể giữ hạnh phúc bên nhau. Từ lúc còn yêu nhau, cả hai vốn đã khó thuyết phục gia đình vì kẻ Nam người Trung. Sau khi kết hôn và sinh con gái đầu lòng, sự nghiệp của bà càng thăng hoa nên việc giữ gìn mái ấm cũng không đơn giản.
Bà luôn tự hào về mái ấm của mình.
Nữ nghệ sĩ và con trai là ca sĩ Dương Đình Trí.
Hầu như hôm nào chồng cũng chở bà đi diễn từ sáng sớm tới tối mịt. Các con còn nhỏ nhưng tối nào cũng chờ mẹ tới tận khuya mới vẻ. Những lúc ấy, trái tim Lệ Thủy lại thổn thức, những giọt nước mắt rơi dài. Đặc biệt, làm nghệ sĩ không tránh khỏi những tin đồn ác ý. Ca sĩ Dương Đình Trí - con trai Lệ Thủy từng tâm sự rằng: "Ngày còn nhỏ, đôi khi chưa hiểu chuyện, chị em Trí thấy hoang mang khi nghe những đồn thổi không hay. Nhưng chính sự điềm tĩnh và thoải mái đối mặt với những việc như vậy của ba khiến không khí gia đình ngay lập tức lấy lại sự bình yên. Và chỉ cần một lời giải thích nhẹ nhàng của mẹ, thế là đủ, mọi việc đã ổn định và trở lại bình thường".
Một câu nói của NSND Lệ Thủy được rất nhiều người nể phục trong việc giữ gìn tổ ấm, đó là: "Điều quan trọng nhất, theo tôi, dù bên ngoài xã hội, mình có là ngôi sao hay địa vị thế nào đi nữa nhưng khi về nhà vẫn nên thấp hơn chồng một chút. Tôi không biết người khác thế nào, riêng tôi nghĩ, đã là vợ thì phải biết nội trợ, nấu ăn cho chồng con, dù không ngon cũng nên biết. Và đừng bao giờ nghe người ngoài bàn ra tán vào mà về có những cư xử không đúng mực với chồng thì gia đình nào cũng hạnh phúc".
Ở tuổi ngoài 70, bà vẫn có làn da căng mọng cùng vẻ đẹp sang trọng làm các hậu bối phải trầm trồ.
Nay, ở tuổi "thất thập cổ lai hy", nữ nghệ sĩ và "anh cử nhân kinh tế" ngày nào vẫn sát cánh bên nhau khi đã lên chức ông bà. Đặc biệt dù cao tuổi nhưng vẻ đẹp - sang của Lệ Thủy vẫn làm nhiều khán giả phải trầm trồ. Bà cũng từng thổ lộ rằng: "Thẩm mỹ đau lắm chứ, nhưng phải đẹp vì mình là người của công chúng. Trừ khi nào mình không còn đứng trên sân khấu nữa, không còn gặp khán giả thì mới không làm đẹp".