Trên thế giới đã từng ghi nhận vài trường hợp bị hội chứng rối loạn toàn vẹn cơ thể (BIID). Họ luôn khao khát 'được' tàn phế, dù tinh thần rất bình thường.
Vụ việc một kỹ thuật viên thuộc khoa Đông y, Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng (Cần Thơ) tự cắt chân trái, sau đó giấu vào tủ đang khiến dư luận quan tâm. Đại diện cơ quan cảnh sát điều tra cho biết bệnh nhân này mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID), nên bệnh nhân giống như sử dụng ma túy đá.
BIID là viết tắt của cụm từ "Body Integrity Identity Disorder" – Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể. Theo các nhà khoa học, những người mắc hội chứng BIID hoàn toàn không có vấn đề về thần kinh. Họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường nhưng áp lực công việc, gia đình... gây ảnh hưởng tâm lý khiến họ bị stress, trầm cảm và không tự tin về bản thân.
Những người mắc hội chứng BIID luôn có cảm giác một thần cơ thể của họ bị thừa. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, những người mắc hội chứng này luôn có cảm giác một thần cơ thể của họ bị thừa. Vì thế, họ luôn bị ám ảnh bởi khao khát được phá hủy một phần cơ thể. Tuy nhiên, rất hiếm khi xảy ra tình huống này (trừ những bệnh nhân sử dụng chất kích thích gây ảo giác mạnh).
Nhà khoa học thần kinh người Mỹ Vilayanur Ramachandran gần đây đã khám phá ra nguyên nhân của chứng bệnh này. Đó là bản đồ hình ảnh về cơ thể trong não của những người mắc BIID bị khuyết một phần nào đó. Ví dụ, một chi đủ trên cơ thể mà người bệnh tưởng “thừa” không được định vị đúng trên vùng não tương ứng, khiến cho anh ta cảm thấy cực kỳ khó chịu với cái chi đó. Khi được toại nguyện thành người tàn phế, họ luôn cảm thấy thoả mãn, hạnh phúc hơn.
Năm 2000, Karl (người Mỹ) bị mắc chứng BIID, anh ngâm chân trong đá lạnh đến mức mà khi nhập viện, các bác sĩ không còn lựa chọn nào khác là phải cắt chân (Ảnh minh họa)
Một số chuyên gia về tâm lý, tâm thần học cũng cho rằng tự làm mình tàn phế có thể sẽ làm họ cảm thấy tốt hơn và bắt đầu một cuộc sống mới đầy tự tin y như rằng việc tàn phế này mới thực sự là khỏe mạnh, là niềm ao ước của họ.
Các bác sĩ không biết BIID đã có từ bao giờ, ngoại trừ báo cáo đầu tiên năm 1977. Nghiên cứu nhóm đầu tiên mới chỉ diễn ra năm 2005 và tình trạng này vẫn chưa được phân loại là một bệnh. Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi quan trọng trong nhận thức về căn bệnh này.
Nguyên nhân gây ra hội chứng này hiện vẫn chưa được khoa học giải thích và cũng chưa đưa ra được phương pháp điều trị.
Thực tế, trên thế giới đã từng ghi nhận nhiều trường hợp bị rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID). Dưới đây là 2 trường hợp tiêu biểu cho hội chứng này:
Nhỏ nước thông cống để tự làm mù mắt
Đối với nhiều người, mất đi ánh sáng là cơn ác mộng tồi tệ nhất. Nhưng Jewel Shuping (Mỹ, 30 tuổi) lại coi đó là ước mơ thành hiện thực.
Jewel bị mắc chứng bệnh lạ gọi là rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) khiến cô lúc nào cũng muốn hủy hoại cơ thể. Từ nhỏ, cô đã muốn bị mù và tự làm hại thị lực bằng cách nhìn chằm chằm vào mặt trời.
Jewel Shuping là một bệnh nhân BIID với khao khát được mù lòa từ thuở ấu thơ.
Khi dậy thì, cô bắt đầu đeo kính đen và dùng gậy. Đến năm 20 tuổi, cô sử dụng thành thạo bộ chữ Braille và ước mơ ngày càng khó kiểm soát.
Thậm chí, Jewel đề nghị bác sĩ nhỏ nước thông cống vào mắt mình để thoả mãn mong muốn bị mù. Không rõ vị bác sỹ trên có bị trừng phạt vì hành động của mình không.
Jewel nói: “Tôi thực sự cảm thấy là mình đáng ra phải bị mù từ lúc chào đời. Đó không phải là lựa chọn mà do rối loạn trong não".
Hiện Jewel theo học ngành giáo dục. Cô hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ về BIID và những người mắc bệnh sẽ có dũng khí tìm đến bác sĩ.
Muốn tự chặt chân để ngồi xe lăn cả đời
Chloe Jennings-White, nhà hóa học 57 tuổi đến từ thành phố Salt Lake, bang Utah nước Mỹ, là một trường hợp điển hình mắc hội chứng BIID.
Từ khi còn nhỏ, dù là một người khỏe mạnh, song Chloe luôn muốn trở thành người tàn tật và cô đã vài lần tự làm bị thương để có thể ngồi xe lăn cả đời.
Chloe Jennings-White, người phụ nữ khỏe mạnh thích bị liệt
Thậm chí, năm 2010, Chloe tìm được một bác sĩ nước ngoài đồng ý giúp cô trở thành người tàn phế bằng cách cắt dây thần kinh hông và xương đùi nhưng không thể chi trả phí phẫu thuật.
Hiện Chloe đang sử dụng chiếc xe lăn 12 giờ/ ngày để thực hiện ước muốn tàn tật nhưng cô vẫn không từ bỏ ước mơ trở thành phế nhân thực sự.