Khi bị đuối nước, càng cố gắng vùng vẫy bao nhiêu thì nguy cơ bị ngạt nước và chìm xuống càng nhiều bấy nhiêu.
Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 6.400 người tử vong vì tai nạn đuối nước, trong đó hơn 50% đối tượng bị nạn là trẻ em. Thương tâm hơn, có những vụ việc xảy ra với một nhóm đối tượng là học sinh cùng lớp hoặc anh chị em trong cùng một gia đình, điều này khiến cho những mất mát đối với gia đình và những người xung quanh là vô cùng to lớn. Trước thực trạng đó, để phòng chống đuối nước cho trẻ, rất nhiều gia đình đã bỏ tiền triệu thuê hồ bơi, huấn luyện viên để cho con học bơi. Theo nhận định của các chuyên gia đây là hành động cần thiết và suy nghĩ tích cực của các bậc phụ huynh, nhằm giúp trẻ có thêm kỹ năng sống và biết tự sinh tồn khi gặp nạn. Vậy, thực tế của việc cho trẻ đi học bơi là như thế nào? Mục đích là gì? Cũng như những hướng dẫn của các huấn luyện viên, bác sĩ khi gặp phải tai nạn đuối nước ra sao?...Tất cả sẽ được giải đáp qua tuyến bài dưới đây: Bài 1: Những nguy cơ từ việc người lớn không biết bơi Bài 2: Hướng dẫn cách học để sau 4 ngày bơi được như ếch Bài 3: Chuyên gia hướng dẫn người không biết bơi ứng phó khi bị đuối nước Bài 4: Kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước ai cũng nên biết |
Đuối nước rất hay xảy ra vào mùa hè, đuối nước không chỉ gây những hậu quả đáng tiếc cho những người không biết bơi, mà ngay cả những người biết bơi cũng dễ bị tai nạn này. Vậy, làm sao để ứng phó khi bị tai nạn dưới nước cho cả người biết bơi và không biết bơi? Đó là câu hỏi đang được dư luận hết sức quan tâm.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với HLV bơi lội Phạm Huy Hoàng - bể bơi Tuổi Trẻ (Võ Thị Sáu – Thanh Nhàn – Hà Nội). Theo vị HLV này, đuối nước là tai nạn rất thường gặp, nhất là ở trẻ nhỏ trong những ngày hè. Theo thống kê thì tai nạn đuối nước ở trẻ không biết bơi có số lượng cao hơn rất nhiều so với trẻ đã biết bơi.
“Nói như vậy không có nghĩa là cứ biết bơi là không bị đuối nước, nhiều trường hợp mặc dù biết bơi nhưng vẫn bị chết đuối do nhiều nguyên nhân như vào vùng nước xoáy, chuột rút hoặc đắm tàu thuyền ở nơi quá xa đất liên không có người qua lại…”, HLV Huy Hoàng chia sẻ.
Theo HLV Huy Hoàng, để tránh những hậu quả xấu nhất do đuối nước gây ra, mọi người cần phải đặc biệt chú ý. Đối với những người không biết bơi, đầu tiên phải đi học bơi ngay, bởi khi đã biết bơi thì chí ít sẽ có nhiều thời gian hơn để hô hào sự trợ giúp của những người xung quanh.
Khi ở dưới nước nên nín thở và khi cơ thể nổi lên thì tranh thủ lấy ô xy, đồng thời hô hào người xung quanh.
HLV Huy Hoàng, hướng dẫn cách đứng nước trong trường hợp bị tai nạn.
Thứ hai, những người không biết bơi khi bị rơi xuống nước thường rất hay bị hoảng hốt, mất bình tĩnh, không biết xử lý thế nào, từ đó sẽ cố gắng vùng vẫy với hy vọng thoát ra. Điều này là vô cùng sai lầm, những người không biết bơi khi bị tai nạn dưới nước cần phải hết sức bình tĩnh hoặc nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để xử lý tình huống.
Cơ thể con người có đến 70% cơ thể là nước, vì thế nếu nín thở thì cơ thể sẽ nổi lên, khi nổi lên rồi lúc đó sẽ hít thở mạnh để lấy hơi và gọi sự trợ giúp từ xung quanh. Một điều nữa cũng cần đặc biệt lưu ý, khi bị tai nạn dưới nước không nên cố gắng vùng vẫy loạn xạ, vì như vậy chỉ làm cho cơ thể nhanh mất sức và chìm xuống.
Theo đó, người bị gặp nạn dưới nước nhưng không biết bơi cần phải đạp nước cả chân và tay đều nhau ở dưới nước, như vậy sẽ giữ được cân đối lâu hơn.
“Tất cả những biện pháp trên, chỉ là gợi ý trong một thời gian rất ngắn để nạn nhân tận dụng thời gian kêu cứu đối với người xung quanh đến trợ giúp”, HLV Huy Hoàng cho biết.
Còn đối với những người biết bơi, khi gặp nạn ở những vùng nước sâu, việc đầu tiên cũng là phải bình bĩnh đứng nước giúp cơ thể thăng bằng, từ đó có thể dùng phương pháp bơi ngửa (ngửa mặt lên) để đỡ mất sức, và tranh thủ hô hào người xung quanh đến cứu, còn nếu gần bờ thì có thể tự bơi vào bờ.
Một trong số những tai nạn hay gặp dẫn đến việc tử vong ở người đã biết bơi đó là bị chuột rút. Về vấn đề này, HLV Huy Hoàng cho rằng, nhiều người bị chuột rút cố gắng làm mọi cách để thoát ra khỏi tình trạng đó. Nhưng việc làm đó càng khiến tình trạng chuột rút nặng nề hơn.
“Khi bị chuột rút, nạn nhân tốt nhất sử dụng phương pháp bơi ngửa và thả lỏng người để đỡ mất sức, sau 1 thời gian thả lỏng cơ thể tình trạng chuột rút sẽ được cải thiện”, HLV Huy Hoàng khuyến cáo.
Cuối cùng, HLV Huy Hoàng nhấn mạnh: “Để phòng chống đuối nước, mọi người cần đi học bơi và trong trường hợp bị đuối nước cần phải bình tĩnh và kêu gọi sự hỗ trợ của những người xung quanh”.