Trẻ dùng kháng sinh phải có chỉ định riêng của bác sĩ, thông thường những cháu bị nhiễm vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh.
Tình trạng tự ý mua kháng sinh về dùng, lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho chính mình và con cái của các bậc phụ huynh đã gây ra không ít tác hại khôn lường. Tuy nhiên, vẫn có không ít trẻ suýt mất mạng sống vì dùng kháng sinh vô tội vạ. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về việc này và nhằm giảm thiểu những sự việc đáng tiếc liên quan đến sử dụng kháng sinh, chúng tôi xin giới thiệu chùm bài viết với nhiều ý kiến tư vấn của chuyên gia, bác sĩ tại các bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội Kỳ 1: Suýt mất mạng vì tự ý mua kháng sinh điều trị Kỳ 2: Tự ý dùng kháng sinh còn nguy hiểm hơn cả HIV Kỳ 3: Khi nào phụ huynh nên cho trẻ dùng kháng sinh? Kỳ 4: Cục Khám chữa bệnh nói gì về tình trạng lạm dụng kháng sinh? |
Đối với trẻ nhỏ, việc các phụ huynh tự ý dùng kháng sinh là vô cùng nguy hiểm, gây khó khăn trong quá trình điều trị khi chuyển đến bệnh viện…Để có thông tin chi tiết về vấn đề sử dụng kháng sinh cho trẻ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn).
- Việc phụ huynh tự ý mua kháng sinh về điều trị cho trẻ đang trong tình trạng đáng báo động. Vậy, theo bác sĩ, đối với trường hợp nào thì nên cho trẻ sử dụng kháng sinh?
- Về nguyên tắc thì dùng kháng sinh phải có chỉ định riêng, những cháu bị nhiễm vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh còn những trường hợp khác là nhiễm vi rút hoặc không nhiễm vi khuẩn thì sẽ không có chỉ định dùng kháng sinh.
Theo BS Thường, không phải trường hợp nào cũng dùng kháng sinh cho trẻ.
- Vậy, đối với những trường hợp như trẻ bị viêm phổi thì dùng kháng sinh như thế nào cho đúng?
- Theo phác đồ của WHO thì bác sĩ đã đặt bút chẩn đoán là viêm phổi thì buộc phải dùng kháng sinh. Bởi, nguyên nhân viêm phổi có thể do vi khuẩn, vi rút hoặc do nấm, ký sinh trùng.
Đối với nước đang phát triển như Việt Nam thì hầu như viêm phổi là do vi khuẩn cho nên khi chỉ định trong viêm phổi, tổ chức y tế khuyến cáo rộng rãi hơn việc dùng kháng sinh, trừ một số trường hợp đặc biệt.
- Vậy tại sao không sử dụng phác đồ định danh kháng sinh đối với từng bệnh nhân để điều trị hiệu quả hơn?
- Về việc định danh kháng sinh thì cũng có làm nhưng chủ yếu dựa vào lứa tuổi. Ví dụ trẻ dưới 2 tháng tuổi vi khuẩn hay gặp gây viêm phổi ở trẻ em là nhóm vi khuẩn trực khuẩn đường ruột Ecoli.
Nhóm tuổi trên 2 tháng đến 1 tuổi thì vi khuẩn hay gặp là vi khuẩn phế cầu. Trẻ trên một tuổi là nhóm vi khuẩn phế cầu hoặc vi khuẩn không điển hình như micrasma, cartarit, do vậy nhóm kháng sinh dùng trong viêm phổi hầu hết là dựa vào lứa tuổi mắc bệnh.
Còn nếu để định danh một cách chính xác thì ở các bệnh viện lớn đã tiến hành cấy dịch phế quản hoặc là cấy dịch tị hầu để có thể định hướng được con vi khuẩn gây bệnh ở đường hô hấp.
Tuy nhiên, phương pháp này không phổ thông và rất mất thời gian. Bởi, nếu cấy vi khuẩn phải sau 3 ngày mới mọc, sau khi mọc rồi thì lại làm kháng sinh đồ mất 3-4 ngày nữa, như vậy điều này không thực tế để áp dụng, chưa kể chỉ đối với những bệnh viện lớn có labo thì mới có thể làm được điều này.
- Ở bệnh viện Xanh Pôn đã có thể làm được điều này hay chưa?
- Bệnh viện Xanh Pon là một trong những Trung tâm Labo (Trung tâm xét nghiệm) khá mạnh. Việc cấy vi khuẩn, thậm chí làm xét nghiệm một số loại vi rút khá thường xuyên, tuy nhiên, việc này áp dụng trong những trường hợp bệnh nhân nội trú, trường hợp bệnh nhân viêm phổi dai dẳng kéo dài.
- Đối với những trường hợp khám tại phòng khám thì chỉ định phác đồ như thế nào?
- Phác đồ tại phòng khám thì sẽ có hai nhóm, nhóm thứ nhất là không có dịch xảy ra và các bác sĩ chẩn đoán trẻ đã bị viêm phổi. Ví dụ như là có ho, có sốt, có nhịp thở nhanh thậm trí có co rút lồng ngực khi có khẳng định chắc chắn viêm phổi thì chúng ta sẽ sử dụng kháng sinh dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ, dựa vào lứa tuổi mắc bệnh.
Thứ hai trong trường hợp có dịch, ví dụ như có dịch cúm xảy ra mà trẻ vào viện có viêm phổi thì phải loại trừ là trẻ có cúm hay không có cúm, nếu không có cúm thì có thể dùng kháng sinh, còn có cúm thì sẽ điều trị theo phác đồ viêm phổi do cúm.
Tự ý điều trị bằng kháng sinh cho con là làm hại con.
- Bác sĩ có cảnh báo gì đối với những phụ huynh tự ý ra các hiệu thuốc mua kháng sinh cho con hiện nay?
- Thực trạng ở Việt Nam thì phải nói là mua kháng sinh dễ hơn mua rau, cái quan trọng là các bà mẹ xác định là con mình bị viêm phổi hay không viêm phổi. Bởi nhiều bà mẹ, con chỉ ho một chút, sốt một chút là cho rằng trẻ bị viêm phổi, điều đó là không đúng.
Với những triệu chứng trên, 80% là bị viêm đường hô hấp trên, đã bị viêm đường hô hấp trên thì không sử dụng kháng sinh, trừ trường hợp đặc biệt ví dụ viêm amedan mủ còn các trường hợp khác thì không dùng kháng sinh.
Việc các bà mẹ làm như vậy sẽ gây ra những loại vi khuẩn kháng thuốc và gây bất lợi cho sau này. Bởi vậy, khi con bị bệnh thì tốt nhất chúng ta nên đưa con đến các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ khám và tư vấn cho con để khẳng định con thuộc nhóm bệnh gì chứ không phải cứ viêm phổi thì phải dùng kháng sinh.
- Xin cảm ơn bác sĩ!