Khi thấy con có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi, không ít phụ huynh thay vì đưa con đi khám đã tự ý ra quầy thuốc mua kháng sinh về cho con uống. Hậu quả là con bị nặng hơn, thậm chí có trường hợp nguy kịch vì lạm dụng kháng sinh.
Tình trạng tự ý mua kháng sinh về dùng, lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho chính mình và con cái của các bậc phụ huynh đã gây ra không ít tác hại khôn lường. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trẻ suýt mất mạng sống vì người lớn cho dùng kháng sinh vô tội vạ. Để tìm hiểu rõ hơn về việc này, cũng như góp phần giảm thiểu những sự việc đáng tiếc liên quan đến sử dụng kháng sinh, chúng tôi xin giới thiệu chùm bài viết với nhiều ý kiến tư vấn của chuyên gia, bác sĩ tại các bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội. Kỳ 1: Suýt mất mạng vì tự ý mua kháng sinh điều trị Kỳ 2: Tự ý dùng kháng sinh còn nguy hiểm hơn cả HIV Kỳ 3: Khi nào phụ huynh nên cho trẻ dùng kháng sinh? Kỳ 4:Cục Khám chữa bệnh nói gì về tình trạng lạm dụng kháng sinh? |
Sốc nhiễm trùng vì kháng sinh
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu bệnh nhi N.V.V bị sốc nhiễm trùng nặng, có nguy cơ tử vong cao do lạm dụng kháng sinh. Theo đó, trước khi nhập viện, cha mẹ bệnh nhi đã tự ý cho dùng kháng sinh. Khi vào viện, triệu chứng của cháu V. rất giống với bệnh viêm phổi.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh nhi không những không có dấu hiệu phục hồi mà còn diễn biến nặng hơn, với triệu chứng sốc nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh tình của cháu V. chỉ được phát hiện chính xác, điều trị kịp thời khi bác sĩ quyết định chọc não tủy và phát hiện cháu bị viêm màng não mủ.
Một trường hợp khác là bé H.T.U, 7 tuổi trú tại Đồng Nai, bé U. bị bỏng nước sôi ở tay. Vì nghĩ vết bỏng nhỏ, đơn giản nên ba mẹ bé đã ra hiệu thuốc mua kháng sinh dạng bột về pha với nước đun sôi để nguội rồi thoa lên vết bỏng.
Không ít trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì các bậc phụ huynh tự ý điều trị kháng sinh tại nhà.
Chỉ sau vài phút bôi thuốc, bé U. có biểu hiện nôn ói nhiều lần, sau đó ngưng thở. Hốt hoảng, người nhà vội đưa bé U. vào bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại thời điểm chuyển lên tuyến trên, bé U đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy gan, suy thận nặng. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, bé U mới dần hồi phục và xuất viện.
"Mua kháng sinh dễ hơn mua rau"
Đó là nhận định của các chuyên gia y tế khi nói về tình trạng lạm dụng kháng sinh của người dân cũng như việc “mua-bán” kháng sinh quá dễ dãi dẫn đến việc hễ có bệnh là uống kháng sinh.
Nhận định tình trạng lạm dụng kháng sinh, ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến ở nhiều vùng trên cả nước, khiến tình trạng kháng thuốc càng trầm trọng.
Điều này đã được chứng minh qua kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn.
Cụ thể, trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn của bác sỹ, chiếm 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29,1%), cephalexin (12,2%) và azithromycin (7,3%).
Không chỉ nhân viên bán thuốc bán khi không có đơn mà ngay cả người dân khi đến hiệu thuốc cũng thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn, với tỷ lệ khoảng 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).
Trước những kết quả khảo sát trên, phóng viên đã trực tiếp đến các vùng quê để ghi nhận tình hình. Tại huyện Hạ Hòa – tỉnh Phú Thọ, việc mua bán kháng sinh nói riêng và hoạt động mua bán thuốc chữa bệnh nói chung diễn ra khá dễ dàng và thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Mua kháng sinh còn dễ hơn mua rau ở các chợ vùng nông thôn.
Theo đó, tại các xã như Hiền Lương, Xuân Áng, Vô Tranh hay Đan Thượng …tại mỗi buổi chợ phiên, có nhiều quầy thuốc được bày bán ngay tại chợ với đầy đủ các loại thuốc từ thuốc bổ tới thuốc bệnh.
Trong vai một người mua thuốc, khi chúng tôi tìm đến một hiệu thuốc có “trụ sở” tại góc chợ Hiền Lương, chỉ cần kể triệu chứng là những “dược sĩ” ở đây có thể bắt ra hàng loạt bệnh và “kê đơn bằng mồm” cho một loạt thuốc điều trị và trong đó không thể thiếu các loại kháng sinh như: ampicillin, amoxicillin…
Không chỉ có ở các chợ, với những bàn thuốc không biển hiệu, không được cấp phép mà ngay cả ở những quầy thuốc được treo biển và ghi rõ giấy cấp phép ở địa phương này, tình trạng “mua – bán” kháng sinh diễn ra rất nhộn nhịp.
Điều đáng nói là, chính những người mua thuốc cũng không hề biết tác dụng thật sự và tác dụng phụ khi dùng những loại thuốc này. Bởi những người dân ở đây đều cho rằng: “Bác sĩ bảo thế thì về uống theo hướng dẫn”, và họ đều có một niềm tin với “đặc biệt” đó là: “Cô ấy ở ngay làng tôi, làm sao mà dám làm láo được” (?!).
Kỳ tới: Tự ý dùng kháng sinh còn nguy hiểm hơn cả HIV