Ngoài những triệu chứng như sụt cân, đi ngoài ra máu, đau bụng... thì khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ cũng giúp sớm phát hiện căn bệnh ung thư mà Trần Lập mắc phải.
Ngày 17/3, ca sĩ Trần Lập đã trút hơi thở cuối cùng sau 4 tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư đại trực tràng. Được biết, Trần Lập đã tiến hành phẫu thuật, tuy nhiên, do bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, đã xâm lấn sang những bộ phận khác, nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Nhận định về căn bệnh nguy hiểm này, các chuyên gia cho rằng ung thư đại trực tràng (hay còn gọi là ung thư ruột già) là căn bệnh rất hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao chỉ sau ung thư phổi. Nhưng căn bệnh này hoàn toàn có khả năng chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
Theo Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này như: tỷ lệ mắc cao thường ở những người trên 60 tuổi, béo phì, bị polyp trong ruột, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều thịt đỏ... cũng là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư ruột già.
Trần Lập qua đời sau 4 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác
Theo giáo sư Hùng, thông thường khối u mọc từ lớp mô lót từ mặt trong của ruột dạng polyp, sau đó lớn dần và nhô ra trong lòng ruột, khi va chạm vào thường gây chảy máu, trồi thịt này lớn và bít dần thành ruột, gây tắc ruột.
Theo các chuyên gia, ung thư đại trực tràng có thể gặp ở bất cứ vị trí nào của đại tràng: trực tràng, đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng. Trong đó, khoảng 42% ung thư đại tràng nằm tại vị trí đại tràng phải, bao gồm: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang. Gần 60 % ung thư nằm tại đại tràng trái bao gồm: đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh - Phó trưởng khoa Tiêu Hóa bệnh viện Bạch Mai, ung thư đại tràng điển hình biểu hiện bằng đi ngoài ra máu, đi ngoài lỏng phân lẫn máu như máu cá nhưng cũng có khi đi ngoài nhiều máu, đau bụng. Tùy theo vị trí của ung thư mà có vùng đau tương ứng khác nhau.
Bệnh nhân có thể đi ngoài lỏng ngày một hoặc nhiều lần, cũng có thể táo bón: 2 hoặc hoặc 3 ngày đi ngoài một lần phân cứng hoặc phải rặn nhiều khi đại tiện, khuân phân có thể nhỏ hơn bình thường. Gầy sút là biểu hiện muộn, có thể chán ăn, buồn nôn. Đối với người lớn tuổi (>50 tuổi) khi có đại tiện phân máu thì trước khi chẩn đoán bị bênh trĩ bao giờ cũng phải loại trừ người đó có ung thư đại trực tràng hay không.
Nói về các giai đoạn phát triển của căn bệnh này, Tiến sỹ, bác sỹ cao cấp Hoàng Đình Chân – giám đốc chuyên môn Bệnh Viện Ung Bướu Hưng Việt cho biết, thông thường bệnh được chia thành 5 giai đoạn, việc xác định được chính xác giai đoạn bệnh sẽ giúp cho việc chữa trị được chính xác và hiệu quả hơn.
Ung thư trực tràng rất hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao chỉ sau ung thư phổi.
Theo đó, giai đoạn đầu là giai đoạn 0. Hay còn gọi là giai đoạn khởi phát, ở giai đoạn này những tổn thương còn rất nhỏ và chỉ xuất hiện ở tại tổ chức niêm mạc trực tràng hay đại tràng.
Giai đoạn I: Đặc trưng của giai đoạn này là những tế bào ác tính đã có dấu hiệu lan rộng nhưng vẫn cư trú trong lòng đại – trực tràng.
Giai đoạn II: Những tế bào ác tính có dấu hiệu tấn công sang các mô xung quanh nhưng chưa xâm lấn vào tổ chức hạch.
Giai đoạn III: Các tế bào ác tính tấn công vào tổ chức hạch nhưng chưa ảnh hưởng đến những bộ phận bên trong cơ thể.
Giai đoạn IV: Các tế bào ung thư xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, gan, dạ dày…gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Về phương pháp điều trị bệnh ung thư đại trực tràng, các bác sĩ cho biết hiện nay có 3 phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng phổ biến đó là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Để phát hiện sớm và phòng căn bệnh nguy hiểm này, các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện chế độ ăn nhiều rau tươi, ít béo, ít thịt đỏ cũng như việc từ bỏ thuốc là và rượu bia. Đồng thời, phải đi khám, xét nghiệm định kỳ để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.