Người phụ nữ ở Sài Gòn cứ ăn món này là đau bụng, phát hiện mắc ung thư đại tràng và bí quyết chiến thắng bệnh

DIỆU THUẦN - Ngày 13/03/2024 14:00 PM (GMT+7)

Sau khi ăn chao và mắm tôm, bà Liên bị đau bụng dữ dội. Khi đến bệnh viện khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán bà mắc ung thư đại tràng.

Cứ ăn bún mắm tôm, chao là đau bụng

Đến nay, bà Lê Thị Liên (73 tuổi, ở TP.HCM) đã có hơn 7 năm sống khỏe với căn bệnh ung thư trực tràng. Việc bà sống khỏe với căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới đã được Ths.BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ với những bệnh nhân đang mắc ung thư khác, giúp họ có nhiều động lực hơn.

Trao đổi với chúng tôi sáng 12/3, bà Liên nói bằng giọng vui vẻ: “Các kết quả xét nghiệm trong đợt tái khám mới đây của tôi đều bình thường. Bác sĩ nói, tế bào ung thư của tôi đang được khống chế”.

Ở tuổi 73, bà Liên có dáng người trẻ đẹp, làn da trắng hồng. Ảnh: NVCC

Ở tuổi 73, bà Liên có dáng người trẻ đẹp, làn da trắng hồng. Ảnh: NVCC

Bà Liên phát hiện mình mắc ung thư trực tràng vào năm 2016. Trước đó, bà thường xuyên bị táo bón, dù muốn đi nặng ngày 4-5 lần nhưng không lần nào thành công.

Ban đầu, bà Liên cho rằng, mình chỉ bị táo bón thông thường nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây, các thực phẩm dễ tiêu. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện. “Tôi có mua thuốc sổ, thuốc táo bón về uống mà chỉ đỡ khi dùng thuốc. Hết thuốc lại như cũ”, người phụ nữ sinh năm 1951 nhớ lại.

Nghe nhiều người khuyên, bà Liên cũng đi khám ở một bệnh viện tư gần nhà thì không phát hiện gì bất thường, chỉ được kê thuốc táo bón về uống. Từ kết quả này, bà Liên không nghĩ mình mắc bệnh nguy hiểm. “Tôi chỉ bị táo bón, không bị giảm cân, ăn uống sinh hoạt cũng rất bình thường, sao lại mắc ung thư được”, bà nhớ lại. 

Mấy tháng sau, bà Liên cứ ăn các thực phẩm như bún, mắm tôm, chao… là thấy đau bụng, phải uống thuốc giảm đau mới đỡ. Tình trạng táo bón không cản thiện. “Lúc này, tôi đi vệ sinh ngày 6-7 lần mà không được. Đến nỗi, tôi phải thụt tháo đại tràng cũng không được”, bà kể. 

Bà Liên thường xuyên đi du lịch, thích mặc đẹp, chỉn chu khi chụp ảnh. Ảnh: NVCC.

Bà Liên thường xuyên đi du lịch, thích mặc đẹp, chỉn chu khi chụp ảnh. Ảnh: NVCC.

Cho đến khi bị đau bụng quằn quại sau khi ăn mắm tôm và chao, bà mới được các con đưa đến Bệnh viện TP Thủ Đức khám. Gặp bác sĩ, bà thắc mắc, vì sao mình ăn các món như bún, mắm tôm, chao... thì bị đau bụng, trong khi các món khác lại không sao.

Bác sĩ Vũ giải thích, chế độ ăn hằng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh nhân mắc ung thư trực tràng. Vì vậy, các bác sĩ luôn khuyên người bệnh cần ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, có thể đa dạng thực phẩm nhưng nên dùng các món dễ tiêu, thực phẩm tươi sống và chế biến chín, sạch sẽ. 

Nên hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối lên men như bún, mắm tôm, chao, dưa muối, đồ đóng hộp... vì chúng có hàm lượng cao nitrosamine, natri... Bệnh nhân ung thư trực tràng có hệ tiêu hóa yếu, nhạy cảm nên dễ bị tổn thương khi ăn các thực phẩm này. 

Ở trường hợp của bà Liên, bác sĩ Vũ cho rằng, do bà có cơ địa dị ứng với các thực phẩm chế biến sẵn như mắm tôm và chao từ trước, khi bị ung thư trực tràng khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn nên mới xảy ra cơn đau bụng dữ dội.

Tại Bệnh viện Thủ Đức, từ các kết quả xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, bà được chẩn đoán mắc ung thư trực tràng, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u làm sinh thiết để biết bệnh đang ở giai đoạn nào.

“Lúc mổ xong, tôi phải chờ kết quả sinh thiết 10 ngày. 10 ngày đó, dài lắm. Các con tôi sợ mẹ bị bệnh ở giai đoạn cuối, đứa nào cũng suy sụp. Lúc đó, tôi chỉ còn mấy chục triệu đồng tiền tiết kiệm, mấy chị em nó tính sẽ bán đi miếng đất cho tôi trị bệnh”, bà Liên nhớ lại.

Bà Liên mặc áo dài, chụp hình kỷ niệm trong một chuyến đi du lịch mới đây. Ảnh: NVCC.

Bà Liên mặc áo dài, chụp hình kỷ niệm trong một chuyến đi du lịch mới đây. Ảnh: NVCC.

Mẹ con bà Liên chỉ vui trở lại khi kết quả sinh thiết cho thấy tình trạng ung thư của bà ở giai đoạn 1 và được đánh giá có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, bà phải tiếp tục theo dõi định kỳ, thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng theo chỉ định và xây dựng cho mình lối sống lạnh mạnh.

Bí quyết thắng bệnh: Ăn đủ chất, sống vui vẻ, vận động thường xuyên

Bà Liên cho biết, bí quyết giúp bà sống khỏe mạnh hơn 7 năm qua dù đang bị ung thư là luôn tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng thời gian quy định.

Về ăn uống, bà Liên luôn ăn đủ chất, đa dạng các thực phẩm, trong đó tập trung ăn nhiều các loại cá, rau và trái cây, thịt, trứng, tinh bột thì dùng vừa đủ. Ngoài ra, bà còn uống thêm sữa, các loại thực phẩm khác. Điều ưu tiên của bà là chọn thực phẩm còn tươi sống, không bị ôi thiu và rửa sạch, chế biến đúng cách trước khi ăn.

Với các món ăn như mắm tôm, bún, chao, dưa muối, thức ăn nhanh hay các thực phẩm đóng hộp... bà Liên kiêng hoàn toàn. Với các loại nước uống có ga, cà phê, bia rượu... bà nhất quyết không sử dụng. Thay vào đó, bà uống nước lọc đun sôi để nguội, nước trái cây tươi, nước dừa...

“Trước khi ăn gì, tôi cũng hỏi bác sĩ Vũ và các bác sĩ ở khoa Ung bướu xem ăn thực phẩm đó có được không. Lần nào, các bác sĩ cũng nói được. Bác sĩ còn dặn tôi, người bệnh ung thư cần ăn đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem gì cả, nhưng chỉ nên ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều một chất, một thực phẩm nào”, bà Liên chia sẻ.

Theo bà Liên, đi du lịch là cách giúp bà thư giãn, biết được nhiều nơi, tạo cho mình lối sống lành mạnh. Ảnh: NVCC.

Theo bà Liên, đi du lịch là cách giúp bà thư giãn, biết được nhiều nơi, tạo cho mình lối sống lành mạnh. Ảnh: NVCC.

Về vận động, ngoài mỗi ngày giúp con gái bán quán cà phê vào buổi sáng, làm việc nhà, nấu ăn giúp các con, bà Liên dành ra 30 phút để đi bộ cho tinh thần thoải mái, giúp xương khớp chắc khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Bà cũng dành ra 30 phút mỗi sáng để tập các bài tập ngay tại giường dành cho người già trước khi ngủ dậy như mát-xa mặt và bụng, đạp xe tại chỗ hay các bài tập về tay chân.

“Trước đây, tôi đi bộ chung với nhóm bạn nên đi được nhiều hơn. Sau khi thấy bài tập tại giường cũng tốt, tiện, phù hợp với sức khỏe và tuổi của mình, tôi áp dụng”, bà Liên nói về lý do mình đi bộ ít hơn.

Điều đặc biệt, bà Liên luôn vui vẻ, hòa đồng, thân thiện và giúp đỡ mọi người xung quanh. Bà cũng tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương và đi du lịch nhiều nơi. “Tôi không bao giờ để mình buồn, lo lắng hay có các suy nghĩ tiêu cực. Có điều kiện là tôi đi du lịch, tham gia các hội hè, về quê thăm người quen, hay nhắn tin, gọi cho bạn bè nói chuyện”, bà chia sẻ.

Nhờ làm tốt các thói quen trên, bà Liên không chỉ sống khỏe với bệnh ung thư, mà con trẻ đẹp, có làn da trắng sáng mịn dù đã hơn 73 tuổi. 

Bà Liên mặc áo dài xanh chụp hình cũng 4 con gái. Ảnh: NVCC.

Bà Liên mặc áo dài xanh chụp hình cũng 4 con gái. Ảnh: NVCC.

Ung thư đại trực tràng là tình trạng các tế bào ác tính hình thành trong các mô đại tràng hoặc trực tràng. Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan), ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới trong năm 2020.

Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày,  phổ biến thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và phổi. 

Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, ung thư trực tràng đang nằm trong nhóm có tỷ lệ tử vong cao nhất sau ung thư vú, phổi và gan. Việc điều trị căn bệnh này cần phối hợp nhiều phương pháp gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch, nhắm trúng đích. Cùng với đó, bác sĩ cũng luôn khuyên người bệnh thực hiện lối sống lành mạnh là ăn uống đủ chất nhưng cần hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, lên men, đồ hộp, đồ cay và hạn chế đồ chiên xào, vận động thường xuyên và có đời sống tinh thần vui vẻ, thoải mái. 

Theo một nghiên cứu mới đây từ Trung tâm Ung bướu Kimmel Johns Hopkins (Mỹ), khi tính toán trên 32 loại ung thư thì chỉ 29% nguyên nhân do yếu tố môi trường, còn lại 66% là do lỗi sao chép các ADN ngẫu nhiên và 5% do đột biến di truyền. Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo các bệnh nhân ung thư bên cạnh tuân theo các phương pháp điều trị của bác sĩ thì nên xây dựng lối sống lành mạnh, chơi thể thao, suy nghĩ tích cực, tránh xa rượu bia thuốc lá để giúp cho việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Nhà văn nổi tiếng mắc 2 bệnh ung thư vẫn sống tới 104 tuổi, 2 điều đầu tiên ông làm còn quan trọng hơn ăn uống
Mắc 2 bệnh ung thư nhưng nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc vẫn kiên trì chống chọi và sống tới 104 tuổi.

Sống thọ

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ung thư trực tràng