Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.1)

Ngày 30/11/2013 05:00 AM (GMT+7)

Hãy “đánh bay” những lo sợ không đáng có để giữ tinh thần lạc quan, vui tươi cho bé yêu phát triển tốt hơn ngay từ trong bụng mẹ.

Khi mang trong mình 1 sinh linh bé bỏng, hầu như mẹ bầu nào cũng từng trải qua không ít lo âu, thậm chí có những nỗi sợ đến ám ảnh chị em, như bé có phát triển bình thường không, bé sinh ra có bị dị tật nào không hay mình có thể nằm trong nhóm mẹ bầu chẳng may bị sinh non hay sẩy thai v.v… Lo lắng quá nhiều trong suốt thai kỳ sẽ dễ làm mẹ bầu bị trầm cảm, stress, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của bé yêu.

Nếu bạn cũng đang ôm trong lòng những mối lo tương tự, hãy đọc bài viết này để nhận ra rằng, nhiều ám ảnh của mẹ bầu là không đáng có, bởi những rủi ro mà bạn lo sợ chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ, cũng như hầu hết mẹ bầu đều trải qua 1 thai kỳ an toàn, khỏe mạnh và vượt cạn thành công.

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.1) - 1

Mẹ bầu nên “quẳng gánh lo đi mà vui sống” để bé yêu được phát triển tốt hơn ngay từ trong bụng mẹ (hình minh họa)

Sẩy thai

Đây là mối lo của nhiều thai phụ, nhất là với những chị em bầu bí lớn hơn 35 tuổi hoặc đang quá khao khát được làm mẹ. Trên thực tế,  có khoảng 20% thai kỳ kết thúc bằng sẩy thai, và theo tiến sĩ Karyn Morse, Trung tâm Y tế Cedars-Sinai - Los Angeles, thì “hầu hết các trường hợp sẩy thai đều xảy ra trong vòng vài tuần đầu tiên của thai kỳ, lúc chị em vẫn chưa nhận ra rằng mình đang mang bầu mà chỉ nghĩ đơn giản đó là 1 kỳ kinh nguyệt bình thường”.

Một tin mừng cho những mẹ bầu là tỷ lệ sẩy thai sẽ giảm xuống còn khoảng 5% khi bác sĩ thông báo đã nghe thấy tim thai (thường vào khoảng tuần thứ 6 – 8 của thai kỳ). Những mẹ bầu đã từng sẩy thai 1 lần cũng sẽ yên tâm hơn khi biết rằng, tỷ lệ sẩy thai ở lần mang thai sau cũng rất hiếm, chỉ khoảng dưới 3%. Nguyên nhân phổ biến thường là do bất thường nhiễm sắc thể gây ra sẩy thai hoàn toàn không thể tránh khỏi, dù bạn có cẩn thận đến đâu chăng nữa. Tuy vậy, bạn cũng có thể giảm nguy cơ sẩy thai bằng cách không hút thuốc, uống rượu, bổ sung axit folic trước và trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, hạn chế dùng các thực phẩm chứa caffeine (ít hơn 200mg/ngày, tương đương 1 cốc cà phê lớn)…

Bé không nhận đủ dưỡng chất vì mẹ nghén nặng

Có đến hơn 60% mẹ bầu bị ốm nghén trong những tháng đầu tiên của thai kỳ. Buồn nôn, nôn ói v.v… làm chị em ăn uống không ngon miệng, thậm chí không ăn được nhiều và bị giảm cân. Chính vì vậy, nỗi sợ hãi “ăn không được sẽ không có đủ chất dinh dưỡng cho bé yêu” trở thành mối bận tâm hiển nhiên của hầu hết mẹ bầu nghén nặng.

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.1) - 2
Nghén chỉ ảnh hưởng đến bé khi mẹ bị nghén nặng, dẫn đến mất nước trầm trọng với các biểu hiện: buồn nôn liên tục, đau đầu, mệt mỏi, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh v.v... (hình minh họa)

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Karyn Morse, đây là nỗi lo không cần thiết. Theo bà, thai nhi hấp thụ tất cả các chất dinh dưỡng từ toàn bộ thực phẩm mà bạn ăn được, vì vậy ngay cả khi ăn rất ít, thậm chí dùng mỗi bánh và nước trái cây, mẹ bầu cũng không cần phải lo lắng quá. Tình trạng nghén chỉ phải được can thiệp khi mẹ bầu nôn ói đến nỗi bị mất nước trầm trọng. Để hạn chế nỗi lo này, mẹ bầu nên bổ sung thêm các loại vitamin theo chỉ định của bác sĩ, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn thường xuyên để cơ thể không bị đói vì đói càng kích hoạt triệu chứng buồn nôn trong cơ thể .v.v… Và nếu nghén vẫn tiếp tục tái diễn mẹ bầu cũng đừng lo lắng quá, vì hầu hết chị em thai phụ sẽ có thể ăn đa dạng thực phẩm hơn từ tuần 16 của thai kỳ, do bé của bạn đã bắt đầu có nhu cầu nhiều hơn về dưỡng chất để tiếp tục tăng trọng cho đến lúc sinh.

Sự an toàn của thai nhi

Có khi nào bạn dùng 1 tách trà xanh, rồi sau đó lại lo lắng vì có người cho rằng uống trà xanh trong thai kỳ sẽ làm cho bé bị thiếu sắt; hay quá thèm 1 tách cà phê, để rồi lại hối hận vì lỡ uống, cũng như luôn băn khoăn không biết bé có bị sao không? Rồi bạn trót ăn nhãn vào đầu thai kỳ và lo nơm nớp mình sẽ bị sẩy thai…

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.1) - 3
Hãy yên tâm khi thỉnh thoảng mẹ dùng 1 tách cà phê nhỏ vì như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến bé đâu (hình minh họa)

Hầu như chị em nào mang thai lần đầu cũng có muôn vàn nỗi lo như vừa nêu trên, về tỷ thứ mình đã ăn hay uống có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bé yêu trong bụng. Dù vậy, lo lắng này thường không cần thiết, bởi như tiến sĩ Karyn Morse đã khẳng định, việc ăn 1 chút pho mát chưa tiệt trùng, bánh mì Pate, hay nhuộm tóc trong 3 tháng đầu thai kỳ chỉ là những lưu ý mà bác sĩ khuyến cáo để thai kỳ hoàn hảo hơn. Điều này không đồng nghĩa với việc nhất định bé sẽ bị ảnh hưởng gì xấu nếu bạn lỡ ăn hay phạm phải các khuyến cáo trên trong thời gian mang thai, vì chẳng bà bầu nào có thể thực hiện hết hàng nghìn lời khuyên giữ thai kỳ lành mạnh trên sách báo, tạp chí, kể cả mẹ của bạn.

Mẹ stress sẽ gây hại đến bé

Trừ khi bạn rơi vào hoàn cảnh gây đau đớn, căng thẳng kéo dài từ ngày này qua ngày khác như sự ra đi đột ngột của người thân, hay phải chịu đựng mối quan hệ vợ chồng đầy bất mãn, không lối thoát v.v…, còn lại, các cảm xúc tiêu cực: giận dữ, lo âu, sợ hãi … thỉnh thoảng xảy ra trong cuộc sống hầu như không ảnh hưởng gì đến bé.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, các giai đoạn ngắn của stress, giận dữ hay lo âu trên thực tế có khi còn có lợi cho thai nhi, vì chúng giúp bé bắt đầu phát triển khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng có thể xảy ra trong tương lai sau này. Miễn là bạn thường xuyên có cảm giác sung sướng, tích cực vì đang mang thai và chia sẻ với bé những điều này, cả bạn và bé đều sẽ dễ dàng vượt qua được các loại stress, mệt mỏi bình thường trong ngày. Tuy nhiên, nếu nhận thấy mình đang kiệt sức hay trầm cảm thì chính là lúc mẹ bầu phải tìm đến bác sĩ tâm lý sớm, vì stress nặng, dai dẳng kéo dài cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến sinh non, sẩy thai, bé sinh không đủ trọng lượng v.v…

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.1) - 4
Một chút lo âu, căng thẳng v.v...diễn ra trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bé như mẹ thường lo lắng (hình minh họa)

Bé bị tật bẩm sinh

Đây là mối lo thường thấy nhất của tất cả mẹ bầu, bởi khi mang thai, người phụ nữ nào cũng mong muốn con mình sinh ra được khỏe mạnh bình thường. Tuy vậy, mẹ bầu nên biết rằng, tỷ lệ thai nhi bị dị tật bẩm sinh trên tổng số các ca sinh lành mạnh rất thấp, chỉ khoảng 4%, bao gồm cả những dị tật nghiêm trọng như hội chứng Down và hàng ngàn bất thường khác không đáng kể như có 1 khiếm khuyết nhỏ ở móng chân bé, hoặc khuyết tật nhỏ ở tim và sẽ hết khi sau khi bé được sinh ra 1 thời gian ngắn mà không gây bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe. Ngay cả những xét nghiệm sàng lọc cho kết quả không khả quan vẫn chưa phải là lúc để bạn tuyệt vọng, vì trong nhiều trường hợp, các kiểm tra tiếp theo lại xác nhận thai nhi phát triển hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.

Để giảm bớt mối lo này, hãy bảo vệ bé của bạn bằng cách bổ sung đầy đủ các loại vitamin tổng hợp và axit folic trước cũng như trong thời gian bầu bí để giảm nguy cơ khuyết tật não và tủy sống ở bé. Tham vấn di truyền hoặc trao đổi cẩn thận với bác sĩ về những rủi ro thật sự từ tiền sử gia đình, tuổi tác v.v… cũng là cách hay giúp bạn bình tâm hơn.

Sinh non

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.1) - 5
Bổ sung sớm axit folic, vitamin trước và trong thai kỳ giúp mẹ bầu giảm được 50 – 70% nguy cơ sinh non (hình minh họa)

Đây thật sự là nguy cơ mà bạn cần lo lắng và cảnh giác, vì tỷ lệ sinh non đang ngày càng gia tăng. Theo PGS – TS – BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội Chu sinh – Sơ sinh TP HCM, Trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, cứ 1,2 triệu trẻ em Việt Nam chào đời thì có tới hơn 100.000 bé bị sinh non. Ngoài ra, cũng có đến 70% bé được sinh ra từ tuần 34 – 36 của thai kỳ. Sinh non sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe của bé, như chậm phát triển về thể chất, tinh thần so với các bé sinh đủ tháng, dễ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa v.v…

Để giảm nguy cơ sinh non, mẹ bầu nên tránh xa rượu, thuốc lá, đảm bảo thăm khám tiền sản đều đặn theo lịch chỉ định của bác sĩ, bổ sung axit folic mỗi ngày… Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên gần 40.000 thai phụ cho thấy, những phụ nữ bổ sung sớm các loại vitamin 1 năm trước thai kỳ và trong suốt thời gian mang thai sẽ giảm được từ 50 – 70% nguy cơ sinh non. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng axit folic có thể ngăn ngừa sự hư hỏng của 1 số gen gây ra tình trạng sinh non.

Phạm Ngọc (Theo PS)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác