Câu chuyện đau lòng gắn với ngôi nhà “ma ám”

Ngày 07/09/2014 13:56 PM (GMT+7)

Một số người sống xung quanh “ngôi nhà ma” kể rằng, mỗi khi màn đêm buông xuống lại nghe thấy tiếng khóc ai oán, nỉ non, tiếng đưa nôi kẽo kẹt.

Nhiều người còn khẳng định, thấp thoáng trong bóng tối thâm u, họ nhìn thấy bóng người mặc áo trắng lởn vởn. Những lời đồn thổi về hàng loạt hiện tượng kinh dị trong ngôi nhà hoang cứ thế loang ra. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng ba đời chủ gần đây đều cố gắng bán tống bán tháo và đến nay thì nó gần như bị bỏ hoang vì không có người ở, luôn đóng kín cửa, bốn bức tường phủ đầy rong rêu. Tò mò về giai thoại rùng rợn xung quanh ngôi nhà, chúng tôi ngược hàng trăm cây số lên xã miền núi Dân Hạ tìm hiểu.

Câu chuyện đau lòng gắn với ngôi nhà “ma ám” - 1

Ngôi nhà xây dở dang trên phần đất của ngôi “nhà ma” có người tự tử

Câu chuyện đau lòng gắn với ngôi nhà “ma ám” 

Câu chuyện đồn rằng, sau chiến tranh thống nhất đất nước, tại khu đất tọa lạc căn “nhà ma” xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình từng xảy ra vụ tự tử của một phụ nữ người Mường. Theo những bậc cao niên xã Diên Hạ kể lại, những đời chủ sau của ngôi nhà, người nào khi mới dọn đến đây sinh sống cũng phải mời thầy về cúng trừ ma. Nhưng chẳng hiểu các thầy “trấn yểm” thế nào mà vào những ngày mưa gió, người dân đi qua đây lại thấy rùng mình ớn lạnh bởi tiếng lạ phát ra trong căn nhà. Còn những người chủ, qua một thời gian đều tìm cách sang nhượng và cuối cùng “bỏ của chạy lấy người”.

“Từ khi lớn lên, tôi biết ngôi nhà này đã qua ba đời chủ nhưng chẳng có ai sống được ở đó lâu. Người lâu thì được một vài năm, người ít thì dăm ba tháng, đã vội treo biển bán nhà. Hỏi lý do thì họ nhất quyết không nói, chỉ lẳng lặng thu xếp đồ đạc ra đi. Nhưng thực sự thì chẳng cần họ nói, chúng tôi cũng biết chủ nhà phải tháo chạy vì căn nhà đó có “ma””, bà Bùi Thị Xinh (người sống gần ngôi nhà “ma”) kể. Sinh ra và lớn lên tại địa phương này, bà Xinh nói bà biết chính xác người chủ đầu tiên của ngôi nhà là một gia đình dòng dõi quan lang Mường, độc ác trước đây. Tuy thế, hậu duệ của họ có một người con trai tên Phòng, tính nết lại hiền hòa, lương thiện. Đến tuổi bẻ gãy sừng trâu, Phòng lọt vào mắt xanh của rất nhiều gái bản nhưng anh chỉ đem lòng yêu thương cô gái Mường xinh đẹp tên Ban. Khổ nỗi, tình yêu của họ lại bị gia đình phản đối kịch liệt. Song bất chấp tất cả những rào cản, vì đã quá yêu nhau, chị Ban vẫn quyết định khăn gói về làm dâu trong gia đình dòng dõi quan lang.

Năm 1978, tức một năm sau ngày cưới, anh Phòng nhập ngũ khi vợ vừa sinh đứa con trai đầu lòng. Bi kịch gia đình bắt đầu xảy ra từ đây. Vốn không ưa con dâu ngay từ đầu, những người trong gia đình bắt đầu đối xử tệ bạc với chị Ban. Từ sáng đến tối mịt, chị bị ép phải làm những công việc nặng nhọc. Gia đình chồng cũng tìm cách chia lìa, cấm không cho chị gặp gặp mặt đứa con bé bỏng. Chị Ban gắng nhẫn nhịn chờ ngày chồng trở về nhưng 7 tháng sau ngày anh nhập ngũ, những hy vọng cuối cùng của chị tắt lịm khi nhận được giấy báo tử gửi về từ chiến trường. Một tháng sau ngày nhận tin chồng, đứa con trai bé bỏng cũng đột ngột rời bỏ chị về bên kia thế giới. Từ đó chị sống lầm lũi như một thây ma vật vờ trong gia đình chồng. Vào một đêm mưa to gió lớn, chị Ban đã treo cổ tự tử ngay tại gian chính của ngôi nhà.

Sau cái chết tức tưởi của chị Ban, những người trong gia đình dòng dõi quan lang bắt đầu thấy có những hiện tượng lạ. Hàng đêm, họ thường thấy hình ảnh người con dâu của mình treo cổ lung lẳng giữa nhà, rồi những tiếng khóc ai oán, tiếng nôi đu đưa kẽo kẹt. Đặc biệt trong những đêm mưa gió rét, họ nhìn thấy cả bóng người mặc quần áo trắng đi lại trong nhà, trên tay bế một đứa trẻ con vừa đi vừa hát ru. “Nghe đâu, sau đó gia đình này đã mời rất nhiều các thầy cúng, thầy mo về giải trừ tà ma. Nhưng lần nào cũng vậy, các thầy đến rồi lẳng lặng ra đi. Sau đó, nghe một thầy pháp dọa oan hồn chị Ban sẽ về bắt hết những người con, người cháu trong gia đình đi theo nên cả gia đình đó sợ hãi chuyển đi”, bà Xinh nhớ lại.

Câu chuyện đau lòng gắn với ngôi nhà “ma ám” - 2

Bà Xinh chia sẻ những điều kỳ lạ trong ngôi nhà bỏ hoang.

Tìm “hồn ma” mà... không thấy

Cảm giác sợ hãi là do yếu tố tâm lý

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người cho rằng: “Có khi bước vào một căn nhà nào đó, ai đó bỗng có cảm giác rợn người, lạnh sống lưng là vì yếu tố tâm lý, do họ đã được nghe kể nhiều chuyện không hay về ngôi nhà ấy từ trước”.

Sau đó không lâu, vì quá hoảng sợ và lo lắng, gia đình dòng dõi quan lang đã nhượng lại ngôi nhà cho một người tên Hoàng với giá rất rẻ. Nhưng vừa dọn về  sống được một thời gian, gia đình ông Hoàng đã vội vàng nhượng lại cho vợ chồng ông bà Hương - Tuấn. Ngày chuyển đi, bà Thủy (vợ ông Hoàng) còn kể với hàng xóm nỗi sợ khi đêm đêm bị đánh thức bởi những tiếng động lạ. Nhiều lần giật mình thức giấc, bà lại đứng tim vì “thấy bóng người đứng giữa nhà, trên tay bế đứa trẻ nhìn mình chằm chằm”. Trước những câu chuyện ma mị đó, khi chuyển đồ về ở, ông Tuấn quyết định gọi thầy về cúng, xin phép thần linh phá bỏ ngôi nhà cũ. Rồi từ nền đất đó, ông Tuấn mới xây lên dãy nhà hai tầng.

Anh Hùng (sống cạnh ngôi nhà “ma ám”) cho biết: “Cũng lạ lắm, ông Tuấn xây xong dãy nhà hai tầng sát căn nhà cũ thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi ông ta tiếp tục cho xây một căn nhà mới ngay trên nền của ngôi “nhà ma” cũ thì hàng loạt hiện tượng lạ lại xuất hiện. Theo tôi được biết, ngôi nhà mới xây gần xong thì nhà ông Tuấn gặp chuyện chẳng lành, đứa con trai vừa 7 tháng tuổi, xinh xắn bụ bẫm của ông bỗng… đột tử. Không những thế, đêm nào vợ ông Tuấn cũng nghe thấy tiếng con trai khóc gọi mẹ, khiến bà ấy bị trầm cảm nặng”. Thấy vợ bệnh tình ngày một trầm trọng, ông Tuấn đành dừng thi công và treo biển bán nhà. Ngôi nhà xây dở dang cho đến tận bây giờ vẫn chưa hoàn thiện. “Nhà ấy rao bán nhưng nhiều năm rồi có người mua đâu. Nhiều người đến hỏi khi biết chuyện đều một đi không trở lại”, anh Hùng tâm sự.

Bị bỏ hoang nhiều năm, ngôi nhà “ma ám” càng trở nên bí hiểm sau những câu chuyện đồn thổi của người dân trong vùng. Đến nỗi, vào ban đêm, đặc biệt là những ngày mưa gió, nhiều người dân địa phương yếu bóng vía không dám đi qua ngôi nhà này. Thấy chúng tôi không tin vào những chuyện ma quỷ, bà Xinh nói: “Các chú không tin thì cứ ở lại đây đêm nay. Đêm khuya chỉ cần đi qua đó thôi, các chú quan sát kỹ sẽ thấy bóng người đi lại. Còn những tiếng khóc ai oán, nỉ non hay những tiếng nôi kẽo kẹt thì phải hôm nào có mưa mới xuất hiện”. Nói rồi bà nhún nhẹ hai vai tỏ vẻ sợ hãi.

Để chứng minh những câu chuyện đồn thổi là sản phẩm của trí tưởng tượng, trời vừa sụp tối chúng tôi quyết “đột nhập” vào căn nhà “ma ám”. Lọt thỏm trong khu vườn cây rậm rạp, con đường dẫn vào ngôi nhà cỏ mọc um tùm, cao lút đầu người. Lâu không có bàn tay con người chăm sóc, những bụi cỏ, lùm cây thu hút ếch nhái, côn trùng đến sinh sống. Giữa màn đêm đen thẳm, tiếng ếch gọi bạn, tiếng dế kêu thi thoảng cất lên cũng đủ khiến những người “yếu bóng vía” lạnh sống lưng. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi thấy những mảng tường, những cột bê tông xây dựng dở dang bị bỏ lại. Trải qua mưa nắng thời gian, tất cả đều đã bị phủ lớp rêu mốc ẩm thấp. Phía trước căn nhà hai tầng đã hoàn thiện, cánh cổng bị khóa đề rõ hai chữ “Bán nhà” mà theo người dân đã được viết từ lâu. Nán lại trên khu đất “ma ám” hàng giờ đồng hồ, đi vòng vèo quan sát mọi ngóc ngách, chúng tôi chẳng thấy một tiếng khóc trẻ con, bóng hình người phụ nữ hay những hiện tượng lạ kỳ như người dân địa phương đồn đoán.

Nói về chuyện đồn thổi xung quanh ngôi nhà, bà Bùi Thị Thìn, Trưởng thôn 3 (xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn) cũng thừa nhận đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, bà Thìn khẳng định: “Dân quanh đây ai cũng nói rằng ngôi nhà bị “ma ám” nhưng  tôi chẳng bao giờ tin rằng có ma quỷ ở đấy. Chuyện người dân nghe hay nhìn thấy những hiện tượng lạ, hẳn là do tâm thức luôn nghĩ về sự tích nàng dâu nhà dòng dõi quan lang hoặc thần hồn nát thần tính mà ra. Tôi cũng mong, các nhà khoa học sớm về đây khảo cứu và có câu trả lời chân xác nhất để chấm dứt những đồn đại”.              

Theo Đạt Đỗ - Thanh Hiên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot