Khi đang mắc bệnh lý nền như tim mạch, ung thư... và phải uống nhiều loại thuốc khác nhau có nên tiêm vắc xin COVID-19, TS.BS Trương Hữu Khanh sẽ giải đáp thắc mắc này.
Tôi năm nay 72 tuổi, mắc bệnh nền và đang phải uống nhiều loại thuốc, vậy tôi có được tiêm vắc xin COVID-19 không?
Những trường hợp này là phải tiêm vắc xin, vì với những người mắc bệnh nền, uống nhiều thứ thuốc thì nguy cơ mắc COVID-19 cao và dễ bị nặng.
Nhiều người nghĩ rằng uống thuốc liệu có làm giảm tác dụng của vắc xin, ví dụ như đang uống thuốc bướu cổ, uống thuốc tim mạch, uống kháng sinh..., điều này không có ảnh hưởng gì đến vắc xin. Chỉ có thuốc ức chế miễn dịch nặng thì mới phải cân nhắc có tiêm hay không.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng sau khi tiêm vắc xin về phải dừng sử dụng thuốc, thậm chí là ngừng ăn cả một số loại thực phẩm như trứng... Điều này là không đúng, sau khi tiêm xong chỉ nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như hút thuốc, uống rượu bia.
Chỉ số một số người trì hoãn và chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, các đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm:
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
- Đang mắc bệnh cấp tính.
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Những người chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19, gồm:
- Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại khi tiêm lần trước đó.
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.