Loại cây này có rất nhiều ở Việt Nam, được coi là sâm nam của người Việt, có thể dùng làm thuốc ở mọi bộ phận và dùng càng sớm sẽ càng tốt cho cơ thể.
Cây đinh lăng không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Thông thường loại cây này được trồng để làm cảnh, một số nơi lấy phần rễ để làm thuốc, ngâm rượu… Ngoài phần rễ, các bộ phận còn lại như thân, lá đều bị vứt bỏ như phế thải.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết việc chỉ lấy rễ mà bỏ thân và lá cây đinh lăng là sự lãng phí vô cùng lớn. “Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều là thuốc quý, có tác dụng rất tốt với cơ thể”, lương y Hồng Minh chia sẻ.
Khi thu hoạch đinh lăng nhiều người vứt bỏ luôn phần lá ở ngoài ruộng, chỉ lấy phần rễ.
Vị lương y này cho biết các nghiên cứu của y học hiện đại đã tìm thấy trong đinh lăng có alkaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lycin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Trong lá đinh lăng còn có saponin triterpen, một genin đã xác định được là axit oleanolic rất tốt cho sức khỏe.
Trong đông y, cây đinh lăng được ví như sâm nam của người Việt. Loại cây này còn có tên gọi khác là nam dương lâm, cây gỏi cá vì người dân thường dùng lá để ăn gỏi cá.
Đinh lăng có vị ngọt, mát, có tính hơi độc. Đinh lăng có tác dụng bổ dưỡng tăng cường sức khoẻ, kháng khuẩn, thanh nhiệt giải độc. Liều dùng an toàn từ 5-10 gram khô sắc uống.
Lương y Hồng Minh cho biết, một nghiên cứu của Viện y học quân sự Việt Nam cho thấy dùng liều 0,23-0,50g bột đinh lăng/ngày dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu nhẹ (30 độ) uống (dùng cho người trưởng thành) thì sẽ tăng sức dẻo dai của cơ thể lên đáng kể.
“Với đặc tính tăng cường sức khoẻ và sự dẻo dai cho cơ thể, người biết dùng đinh lăng sớm sẽ có sức khoẻ tốt, giúp kéo dài tuổi thọ. Tất nhiên khi dùng phải kết hợp với lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học”, lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Lá đinh lăng cả ăn sống hay sao khô đều là vị thuốc quý trong đông y.
Đối với phần lá hay bị vứt bỏ khi thu hoạch đinh lăng, lương y Hồng Minh tư vấn, mọi người có thể tận dụng để sử dụng hàng ngày hoặc kết hợp làm thuốc giúp nâng cao sức khỏe.
Theo đó, lá đinh lăng có thể dùng ăn sống cùng gỏi cá giúp phòng đau bụng, giải độc. Ngoài ra, có thể ăn sống cùng các thực phẩm khác như thịt chó, mèo, nem chua…
Trong y học cổ truyền, lá đinh lăng tác dụng phát tán phong nhiệt, chữa đau đầu, cảm nắng. Dùng lá sắc uống có tác dụng tiêu nhọt, áp xe vú, tiểu máu, tiểu buốt dắt do viêm tiết niệu do sỏi. Trường hợp bị đau đầu, đau nửa đầu: Dùng lá phơi khô sao vàng hạ thổ 100g, sắc với 100ml nước uống trong ngày.
Ngoài phần lá, thân cây đinh lăng cũng không nên vứt bỏ. Có thể tận dụng sau đó thái nhỏ, phơi khô sao vàng hạ thổ giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp, đau lưng mỏi gối, đau nhức các khớp.
Phần rễ cây đinh lăng có giá trị dược liệu rất lớn, càng dùng sớm càng giúp trường thọ.
Phần rễ đinh lăng có giá trị dược lý cao nhất, giúp bồi bổ cơ thể phục hồi, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Rễ cây đinh lăng chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi, tiêu hóa kém. Rễ cây đinh lăng có tác dụng bổ dưỡng thay cho nhâm sâm. Củ rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.
Do đinh lăng có chứa độc tính (dù rất ít), nên không dùng liên tục, kéo dài có thể gây ngộ độc cho các tạng trong cơ thể. Riêng với phần rễ, tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc đông y trước khi dùng. Bởi uống quá nhiều đinh lăng (chủ yếu phần rễ) sẽ bị say, mệt mỏi, tiêu chảy.
Tin liên quan
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Tin bài cùng chủ đề Lương y Bùi Hồng Minh
Nhiều người chỉ biết đến mướp là món ăn thanh mát, giải nhiệt mùa hè mà không hề hay biết, loại quả này có thể hỗ trợ chị em trong rất nhiều vấn đề tế nhị.