Vỏ khoai chứa một số chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên dưới góc nhìn của các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng thì nên bỏ vỏ trước khi ăn.
Khoai là món ăn dân dã, quen thuộc với người Việt Nam. Đây cũng là loại củ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, có nguồn chất xơ dồi dào. Mọi người có thể ăn khoai hàng ngày, tuy nhiên khi ăn cũng cần lưu ý một số điều.
Nhiều người cho rằng, khi ăn khoai nên ăn cả vỏ vì vỏ khoai chứa chất xơ, một số loại vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Vỏ khoai chứa khá nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể nhưng khi ăn nên bóc bỏ
Theo chuyên trang về sức khỏe Healthline, vỏ khoai lang giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và một số chất dinh dưỡng khác như kali, mangan và các vitamins A, C, E - tất cả đều giúp cải thiện sức khỏe.
Một củ khoai lang trung bình (khoảng 146 g) nguyên vỏ cung cấp khoảng:
Calo:130
Carbs: 30 g
Protein: 3 g
Chất xơ: 5 g
Tiền vitamin A: 154% giá trị dinh dưỡng hằng ngày (Daily Value -DV)
Vitamin C: 31%
DVKali: 15% DV
Hàm lượng chất xơ trong khoai lang chủ yếu là ở vỏ, do đó bỏ vỏ có thể làm giảm lượng chất dinh dưỡng và chất chống oxy bạn nhận được khi ăn loại củ này.
Theo Ths.BS Doãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng, không thể phủ nhận những giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của khoai lang và vỏ khoai lang. Tuy nhiên, việc ăn cả vỏ khoai lại không tốt cho cơ thể.
“Vỏ khoai lang là phần bảo vệ phía ngoài, tiếp xúc trực tiếp với đất nên sẽ bị nhiễm một số chất gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, vỏ khoai lang có chứa nhiều kẽm nên khi ăn nhiều sẽ gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng chức năng gan… Khoai lang nướng càng nên bỏ lớp vỏ bên ngoài trước khi ăn để tránh độc tố khi vỏ khoai bị cháy”, BS Vi giải thích.
Theo bác sĩ, khi luộc hoặc nướng khoai lang thì nên rửa sạch và giữ cả vỏ để không bị hao hụt dinh dưỡng từ phía trong, còn khi ăn thì nên bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài.
Vitamin và khoáng chất, chất xơ có ở trong toàn bộ củ khoai, lớp vỏ rất mỏng nên dù có cũng không đáng kể
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phụ trách chuyên môn Viện Dinh dưỡng Việt Đức (Hà Nội) thì vỏ khoai chỉ có một lớp mỏng bên ngoài, vì thế không có nghiên cứu nào về hàm lượng chất xơ, cũng như các loại vitamin cụ thể có ở phần vỏ này.
“Việc có nên ăn vỏ khoai hay không thì tùy vào sở thích và thói quen của mỗi người. Ăn vỏ khoai được luộc chín, đảm bảo sạch sẽ thì không gây hại gì cho sức khỏe. Vì thế ăn cũng được, không ăn cũng được.
Còn cá nhân tôi khi ăn khoai thì phải bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài. Bởi chất xơ có trong toàn bộ củ khoai chứ không chỉ riêng phần vỏ. Việc bỏ vỏ không làm hao hụt chất xơ, cũng như chất dinh dưỡng”, PGS Lâm thông tin.
Đối với người có thói quen ăn khoai cả vỏ, PGS Lâm khuyên cáo cần phải lưu ý việc cọ rửa sạch sẽ phần vỏ phía ngoài trước khi làm chín. Khi ăn cũng cần phải quan sát bỏ những phần có thể bị hư hỏng ở phía ngoài.
“Vỏ khoai ở bộ phận phía ngoài, nơi bảo vệ phần lõi. Trong quá trình phát triển phần vỏ này tiếp xúc trực tiếp với đất. Khi được làm chín, do ở phía ngoài cùng nên phần vỏ này cũng dễ nhiễm các tạp chất khi bảo quản, cầm nắm. Vì thế, tốt nhất không nên ăn”, PGS Lâm khuyên.
Người dân không nên ăn khoai sống vì có thể gây nên những tác hại đối với sức khỏe
Ngoài ra, theo chuyên gia, việc ăn khoai hàng ngày tốt cho sức khỏe, nhất là với những người có kế hoạch giảm cân. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng mà ăn quá nhiều, không ăn thay cơm. "Dù đang có kế hoạch giảm cân nhưng mọi người tuyệt đối không chỉ ăn nguyên khoai lang, mà vẫn cần duy trì ăn đủ 4 nhóm chất đường bột, đạm, protein, vitamin và khoáng chất", PGS Lâm khuyên.
Một vấn đề khác PGS Lâm cũng lưu ý, đó là luộc khoai không nên để chín quá, nhất là với loại khoai mật. Bởi như vậy lượng đường có trong khoai sẽ bị hao hụt đi rất nhiều. Chỉ nên luộc chín tới khi ăn. “Với những loại khoai được ủ nóng suốt ngày để bán thì khi ăn lượng đường còn rất ít”, PGS Lâm chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, người dân không nên ăn khoai sống vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. “Bình thường khoai được làm chín trước khi ăn có tác dụng giúp nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa. Điều đó không đồng nghĩa với việc khoai sống cũng tốt cho tiêu hóa, mà ngược lại ăn khoai sống sẽ làm rối loạn tiêu hóa, gây nên tình trạng đầy bụng khó tiêu”, PGS Lâm cảnh báo.
Trong quá trình chọn và chế biến, PGS Lâm cũng khuyên người dân nên chọn củ khoai còn lành lặn, không nên chọn củ đã mọc mầm. Đặc biệt với củ khoai có hiện tượng hỏng, xuất hiện các nốt chấm đen trên bề mặt hay còn gọi là khoai hà thì nên loại bỏ ngay.