Chủ quán spa 3 lần nhập viện tâm thần 

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/08/2022 09:28 AM (GMT+7)

Dùng chất gây nghiện từ khi còn học cấp 3, nữ chủ quán spa đã phải nhập viện 3 lần, trong đó có lần bị hoang tưởng, ảo giác nặng, luôn có cảm giác ai đó sắp sát hại mình.

Cô gái trẻ 3 lần nhập viện, luôn sợ có người sát hại mình

BSCK II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phòng M7 (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bác sĩ mới tiếp nhận một trường hợp bị nghiện chất khá nặng, phải nhập viện điều trị nội trú. Đáng nói, cô gái còn rất trẻ, năm nay mới 22 tuổi và là chủ cơ sở spa, làm đẹp, có kinh tế tốt.

Bác sĩ Ngọc chia sẻ về ca bệnh cô gái trẻ nghiện chất trong một hội thảo gần đây.

Bác sĩ Ngọc chia sẻ về ca bệnh cô gái trẻ nghiện chất trong một hội thảo gần đây. 

Bệnh nhân tên Hoàng Thanh Thảo (22 tuổi, ở Vĩnh Phúc), là con thứ 3 trong gia đình có 3 anh em. Theo chia sẻ từ người thân, sau khi học hết THPT, Thảo quyết định đi học nghề spa, thẩm mỹ. Trước đó, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nữ sinh này thường tụ tập cùng bạn bè đi chơi, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và không rõ tần suất dùng. Dù được gia đình khuyên ngăn nhưng cô gái trẻ nhất quyết không nghe, chỉ làm theo ý mình, quyết đi học nghề để sớm kiếm được tiền. Trong thời gian học nghề tại Hà Nội, Thảo ít về nhà và được mẹ, cùng các anh chu cấp tiền ăn học.

Theo đánh giá của người thân, Thảo có năng khiếu về lĩnh vực spa, làm đẹp, vì thế sau khi học nghề xong cô gái trẻ đã mở quán, có thu nhập cao và phát triển thêm cơ sở thẩm mỹ để thuê thợ làm và dạy nghề.

Tại cơ sở spa, Thảo chỉ đứng ra quản lý, còn lại thuê người làm nên thời gian chủ yếu dành để đi du lịch, tụ tập nhóm bạn. Thảo chia sẻ, cô bắt đầu sử dụng bóng cười cách đây hơn một năm, về sau dùng thêm cả thuốc lắc (MDMA). Mỗi lần dùng, cô thấy vui hơn nên tần suất ngày càng dày, ban đầu khoảng 3 - 4 lần/tháng, gần đây là 2-3 lần/tuần.

Nhiều người trẻ nhập viện tâm thần do nghiện chất dù có công việc, thu nhập tốt. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nhiều người trẻ nhập viện tâm thần do nghiện chất dù có công việc, thu nhập tốt. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) 

Gần đây, Thảo thường xuyên nghe có tiếng nói trong đầu, tiếng người khác chửi mắng mình, có giọng cả nam và nữ. Cô ngày càng hay cáu gắt, thường xuyên đập phá đồ đạc, đêm hầu như không ngủ được và thường mắng chửi lại tiếng nói ở trong đầu. Thấy vậy, bạn bè đã gọi người nhà tới đưa cô vào viện điều trị.

Bác sĩ Bảo Ngọc cho biết, tính đến nay, bệnh nhân đã nhập viện 3 lần và số lần sử dụng chất gây nghiện ngày càng nhiều hơn. Ngoài bóng cười, thuốc lắc, cô gái trẻ quê Vĩnh Phúc này còn sử dụng cần sa, ketamin. Tình trạng mất ngủ ngày càng trầm trọng, cô còn luôn cho mình là xinh đẹp, tài giỏi, làm được nhiều việc, kiếm được nhiều tiền nên ai cũng kính nể. 

Trong lần nhập viện thứ 3 này, sau khi được điều trị nội trú 15 ngày, nữ bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và tinh thần, ăn ngủ tốt, hết hoang tưởng và vừa được xuất viện. 

Chất gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe thể chất và tinh thần với người sử dụng. (Ảnh minh họa)

Chất gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe thể chất và tinh thần với người sử dụng. (Ảnh minh họa)

Chất gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt

Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Thu Hà - Trưởng phòng M7 (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện việc sử dụng chất gây nghiện đang là xu hướng của giới trẻ. Nguyên nhân có tham gia của yếu tố môi trường (như tương tác xã hội, stress, gia đình) và do yếu tố sinh lý (gen, giới tính).

Một số chất gây nghiện thanh thiếu niên thường sử dụng, lạm dụng là nicotine, rượu, cần sa, methamphetamine, MDMA (thuốc lắc), N20...  Bác sĩ Hà cảnh báo, việc sử dụng chất gây nghiện ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ xã hội và cơ thể. Về quan hệ xã hội, người bệnh bị người xung quanh xa lánh, từ đó gia tăng nỗi cô đơn, lo âu, trầm cảm… dẫn đến sẽ càng dùng chất nhiều hơn.

Về ảnh hưởng đến cơ thể, lạm dụng rượu và cần sa sẽ gây khiếm khuyết về cấu trúc và chức năng của não. Ví dụ những trẻ uống rượu nhiều năm sẽ giảm thể tích hồi hải mã, vỏ não trước trán, tiểu não. Kết quả sẽ làm suy giảm trí nhớ, sự chú ý và tốc độ xử lý thông tin và chức năng điều hành, việc lập kế hoạch, giải quyết các vấn đề sau này.

Từ những phân tích trên, bác sĩ Thu Hà nhấn mạnh, phải phòng tránh tích cực và giải quyết càng sớm càng tốt vấn đề trẻ vị thành niên và thanh niên dùng chất gây nghiện. Trong đó, vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và pháp luật cần phải được nhấn mạnh. Đặc biệt, gia đình phải theo dõi việc sử dụng chất trong quá trình điều trị. Đồng thời, tiếp tục điều trị trong thời gian thích hợp và chăm sóc liên tục sau đó là điều quan trọng để giúp trẻ từ bỏ chất gây nghiện.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Giám đốc lên kế hoạch cho cái chết, rồi nhập viện tâm thần vì vỡ nợ, không bán được bất động sản
Đứng trước sức ép về tài chính, thất bại trong công việc, nhiều đại gia, chủ doanh nghiệp gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng không chấp nhận...

Bệnh trầm cảm

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tâm thần