Nhiều lần tái phát bệnh viêm tụy cấp khiến anh Quân bị tiểu đường, phải tiêm insulin 2 mũi/ngày, các bác sĩ khuyên anh nên bỏ nhậu và giảm cân. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn “bình chân như vại”.
Mắc tiểu đường sau nhiều lần tái phát viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm (sưng) đột ngột trong một thời gian ngắn. Bệnh có thể điều trị khỏi, nhưng với một số trường hợp bệnh kèm đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu… sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong.
Nguyên nhân chủ yếu khiến một người bị viêm tụy cấp là uống nhiều rượu bia, sỏi mật, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa… Đặc biệt, nghiện rượu bia là nguyên nhân khiến nhiều người bị viêm tụy hiện nay. Trường hợp đã mắc bệnh, nếu không từ bỏ thói quen nó sẽ tái phát nhiều lần, dễ dẫn đến viêm tụy mạn tính.
Ngày 17/5, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ trường hợp tái phát viêm tụy cấp lần thứ 7 là anh Hoàng Quân (36 tuổi, ở Hà Nội).
Bác sĩ Bảy cho biết, anh Quân bị thừa cân và thường xuyên ăn nhậu. Trước đó, anh đã 6 lần phải cấp cứu viêm tụy cấp do nghiện rượu bia. Vì tái đi tái lại căn bệnh này nhiều lần, khiến anh bị đái tháo đường và đang phải điều trị bằng insulin 2 mũi/ngày.
6 lần bị viêm tụy trước, lần nào anh Quân cũng được bác sĩ khuyến cáo, cần ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên để giảm cân và nên bỏ hoàn toàn rượu bia để khống chế bệnh tiểu đường, tránh tái phát viêm tụy.
Ngày 13/5, khi tham gia vào buổi liên hoan, anh Quân đã uống nhiều rượu hơn. Sau bữa tiệc, anh bị đau bụng, nôn mửa liên tục nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.
Bác sĩ Bảy cho biết, đây là lần viêm tụy thứ 7 của anh Quân. Kết quả xét nghiệm công thức máu cho thấy, chỉ số mỡ máu Triglycerid tăng cao, trong khi giới hạn bình thường <1,7mmol/L, định lượng CRP (xét nghiệm C-reactive protein trong máu) tăng lên 127.4mg/L. Điều đặc biệt, máu người đàn ông trắng và đặc như sữa đặc. “Bệnh nhân thật thờ ơ với sức khỏe của mình”, bác sĩ Bảy thở dài.
Hiện anh Quân được thay huyết tương, lọc máu liên tục để loại bỏ các chất độc, chất trung gian gây viêm. “Chỉ thương người nhà bệnh nhân” bác sĩ Bảy chia sẻ.
Người đàn ông phải lọc máu ở Bệnh viện Bạch Mai vì có máu đặc như sữa đặc khi bị viêm tụy cấp. Ảnh: Phương Thúy.
Hãy bỏ rượu bia, ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên đề ngừa viêm tụy
Theo Ths.BS Nguyễn Thành Khiêm, khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, nghiện rượu là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm tụy. Nguyên nhân do rượu làm kết tủa và tăng độ nhớt của dịch tiết tuyến tụy, dẫn đến phát triển các nút protein trong những ống dẫn nhỏ của tụy. Từ đó, sỏi hình thành gây viêm và xơ hóa, hủy hoại tế bào tụy ngoại tiết, tế bào hình sao và tế bào biểu mô ống tụy.
Đặc biệt, một người nếu uống nhiều bia rượu sẽ khiến cho các ống nhỏ có nhiệm vụ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy bị hẹp, dần dần gây tắc nghẽn và hệ quả là bị viêm tụy cấp. Nếu thói quen uống rượu bia diễn ra liên tục trong thời gian dài thì sẽ dẫn tới viêm tụy mạn tính.
Các bác sĩ cũng cho biết, viêm tụy tái phát nhiều lần như trường hợp của anh Quân rất dễ dẫn đến viêm mạn tính, làm mất chức năng tế bào, phá hủy tuyến và làm tăng quá trình tân tạo tế bào. Trong đó, tăng số lượng tế bào biểu mô ống tụy là yếu tố quan trọng hình thành ung thư tụy.
Uống nhiều rượu bia là nguyên nhân khiến nhiều người bị viêm tụy cấp. Ảnh minh họa.
Để phòng, tránh viêm tụy cấp, chúng ta cần:
- Hạn chế ăn mặn, có chế độ ăn uống khoa học, tăng cường chất xơ có trong các loại rau củ quả và ăn ít chất béo, không ăn đồ tái, sống, uống nhiều nước mỗi ngày để tránh sỏi mật. Bởi, sỏi mật là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm tụy cấp.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Bởi đây là 2 tác nhân khiến nhiều người bị viêm tụy cấp hiện nay.
- Hãy thường xuyên vận động, khoảng 30 - 60 phút/ngày để có cơ thể cân đối, rèn luyện sức khỏe. Thói quen tốt này cũng giúp chúng ta không chỉ tránh viêm tụy mà ngừa được nhiều căn bệnh khác.
- Khám sức khỏe định kỳ, nhất là người mỡ máu, tiểu đường... để được phát hiện những chỉ số bất thường và điều trị bệnh kịp thời.
* Tên nam bệnh nhân đã được thay đổi.