Một người đàn ông ngày 3 bữa đều ăn nhạt, có thói quen sinh hoạt tốt, không rượu bia hay cà phê nhưng vẫn bị viêm loét dạ dày, khiến bác sĩ không khỏi bất ngờ.
Bác sĩ Qian Zhenghong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh gan của Bệnh viện Keelung Chang Gung, Đài Loan đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng một người đàn ông trung niên đến gặp bác sĩ vì đau ở vùng bụng trên bên trái.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện dạ dày của người đàn ông sẫm màu hơn, có biểu hiện loét và có dấu vết chảy máu.
Khi hỏi thăm về thói quen sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, bác sĩ Qian Zhenghong vô cùng ngạc nhiên bởi người đàn ông có tính cách vui vẻ, không hút thuốc, ăn uống thanh đạm ngày 3 bữa bình thường, không ăn đồ ngọt hay đồ ăn vặt, cũng không uống cà phê, trà hay nước ép trái cây, không có mầm bệnh vi khuẩn Hp.
Độ pH của đồ uống có ga cực thấp, độ axit quá cao, không nên uống quá thường xuyên. (Ảnh minh họa)
"Tôi rất ngạc nhiên khi bệnh nhân có quá nhiều vết thương trong dạ dày nhưng lại không có bất cứ yếu tố nguy cơ nào", bác sĩ Qian Zhenghong viết.
Sau khi hỏi thăm kỹ hơn, bác sĩ mới phát hiện nam bệnh nhân gần đây có đến siêu thị mua một thùng lon nước ngọt và đã hình thành thói quen uống 1 lon ở nhà mỗi tối.
Độ axit của nước ngọt có gas có thể làm đau dạ dày
Bác sĩ Qian Zhenghong giải thích thông thường mọi người vẫn có thể dùng thực phẩm có tính axit nhưng không nên lạm dụng quá mức. Những người có vấn đề về dạ dày hoặc trào ngược dạ dày được khuyên nên tránh chế độ ăn nhiều axit, chẳng hạn như uống nước chanh, nước cam và ăn cam.
Bác sĩ Qian Zhenghong chỉ ra rằng theo phân tích thì nước mận có độ pH là 3,8; 3,7 đối với nước cam; 3,5 đối với nước dứa; 3,4 đối với giấm táo; 3,2 đối với nước chanh và 2,7 đối với nước ép nam việt quất. Nước ngọt có gas mà mọi người thường uống có giá trị pH trong khoảng 2,3 và 3,2.
Bác sĩ Qian Zhenghong giải thích rằng đồ uống có gas có độ axit cao nhưng mọi người không thấy chua vì một lượng lớn chất làm ngọt được thêm vào để che đi vị chua. Ngoài ra, việc bị loét dạ dày do uống nước ngọt có gas trong phòng khám không phổ biến, bác sĩ suy đoán rằng vẫn còn những yếu tố gây bệnh khác khiến bệnh nhân này bị loét dạ dày. Tuy nhiên, việc uống nước ngọt đã làm cho vết loét trầm trọng hơn khi người bệnh uống nhiều.
Bác sĩ tiết lộ 5 nguyên nhân gây viêm loét và 8 loại thực phẩm giúp bảo vệ dạ dày
Bác sĩ Qian Zhenghong nhắc nhở mọi người rằng có 5 nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm loét dạ dày, cần chú ý để tránh những rủi ro sau:
- Do thuốc: Chẳng hạn như thuốc giảm đau chống viêm không steroid, aspirin,..
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: 70% trường hợp viêm loét dạ dày là do vi khuẩn Hp trong dạ dày lâu ngày dẫn đến viêm mãn tính.
- Tâm trạng không tốt và áp lực quá mức: Sự bài tiết axit của dạ dày được điều hòa bởi dây thần kinh tự chủ, đồng thời dây thần kinh tự chủ cũng bị cảm xúc chi phối, nếu bạn suốt ngày ủ rũ sẽ dễ mắc các bệnh về dạ dày.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá sẽ không làm tăng tiết axit dạ dày, nhưng sẽ làm cho quá trình lưu thông máu của niêm mạc dạ dày kém đi, mất đi chức năng tự sửa chữa và bảo vệ, vết loét dạ dày khó lành.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Uống cà phê, trà, rượu và nước giải khát có múi, gia vị cay nồng và thức ăn có vị đậm trong thời gian dài sẽ làm tổn thương dạ dày.
Ngoài ra, bác sĩ Qian Zhenghong cũng cho biết, thông thường bạn có thể dùng thêm các thành phần có thể giúp thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và bảo vệ niêm mạc dạ dày, chẳng hạn như khoai lang, bắp cải, bí ngô và khoai tây có thể giúp sửa chữa và bảo vệ niêm mạc dạ dày; đậu bắp và ngó sen chứa chất nhầy giúp bảo vệ thành dạ dày, cà rốt và củ cải trắng có tác dụng ức chế tiết axit dịch vị, thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa. Nếu có bất kỳ triệu chứng đau bụng nào, bạn cũng nên đi khám và điều trị ngay để nhanh chóng hồi phục.