Từ lúc 8 tuổi, con gái chị Thu Hương có mùi mồ hôi mỗi khi vận động mạnh, kèm ngứa vùng kín. Điều này làm người mẹ nghĩ đến việc con mình bị dậy thì sớm.
Con gái chị Hoàng Thu Hương (ở Hà Nội) hiện hơn 8 tuổi, nặng 23 kg, thuộc dạng thấp còi của lớp. Người mẹ cho biết, trước 8 tuổi, bé gái có tuyến mồ hôi bình thường. Gần đây, mỗi khi vận động nhiều, bé có mùi hôi ở nách và thường xuyên kêu ngứa vùng kín, dù được mẹ vệ sinh sạch sẽ.
“Tôi kiểm tra thấy vùng kín của con bình thường, không sưng đỏ và không mọc lông. Tuyến vú của con cũng chưa phát triển”, chị Thu Hương chia sẻ. Điều chị lo lắng là không biết có phải con gái bị hôi nách không hay nguyên nhân do bị dậy thì sớm và có cần phải can thiệp gì hay không.
Mới đây, chị Thu Hương chia sẻ câu chuyện trong một hội nhóm để nhờ bác sĩ giải đáp thắc. Chia sẻ của chị được nhiều phụ huynh khác quan tâm, vì họ cũng có con trong độ tuổi 7-12 và có triệu chứng tương tự con gái chị Hương.
ThS.BS Nguyễn Phương Khanh.
Theo ThS.BS Nguyễn Phương Khanh, Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (Từng làm việc ở Khoa Thận và Nội tiết Nhi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), dậy thì sớm ở trẻ thường bắt đầu từ 8-9 tuổi. Dấu hiệu nhận biết ở bé gái thường được tính từ khi bé bắt đầu phát triển tuyến vú, ban đầu là một bên sau đó là hai bên. Kế đến, bé sẽ có lông mu, lông nách, mụn trứng cá và phát triển chiều cao.
Các biểu hiện dậy thì ở bé trai thường là tinh hoàn và dương vật phát triển sớm, bể giọng, nổi mụn, mọc lông nách, lông mu. Lúc này, bé cũng sẽ thường xuyên cương dương vật và xuất tinh vào ban đêm. Tuy nhiên, dậy thì sớm ở bé trai thường khó phát hiện hơn, vì ở tuổi này, bé muốn tự làm mọi việc.
Trường hợp mồ hôi có mùi khi hoạt động mạnh như con gái chị Thu Hương là dấu hiệu bé đang phát triển bình thường ở giai đoạn tiền dậy thì. Tuy nhiên, chị cần phải theo dõi con thêm qua các dấu hiệu như: chiều cao, cân nặng, hai bầu vú có tăng kích thước hay không… Ngoài ra, người mẹ cần đưa con đi khám để tìm nguyên nhân vì sao mồ hôi con có mùi và bị ngứa vùng kín để có hướng điều trị sớm.
Hiện nay, ngoài chị Thu Hương còn có nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về chứng ra mồ hôi của trẻ. Theo bác sĩ Khanh, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 8 tuổi thường không có mùi cơ thể. Tuy nhiên, khi trẻ sắp bước vào tuổi dậy thì, cơ thể sẽ xuất hiện các loại mùi khá đặc trưng, vì vậy, khi thấy con từ 8-12 có mùi cơ thể, cha mẹ hay xem đó là điều bình thường. Bởi khi trẻ ra nhiều mồ hôi có mùi có thể là bệnh lý nhưng phần lớn là sinh lý. Vì lượng mồ hôi tiết ra là do thần kinh thực vật khống chế, trong khi trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh lại hiếu động thì mồ hôi bài tiết nhiều là một biểu hiện sinh lý.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh, thông thường, mồ hôi không có mùi, nhưng khi mồ hôi kết hợp với những vi khuẩn có trên da tạo nên sẽ có mùi chua khó chịu. Ngoài ra, mồ hôi nặng mùi còn do thực phẩm ăn vào, chẳng hạn trẻ ăn nhiều thịt đỏ, uống nhiều sữa, không chịu ăn rau tươi, uống ít nước thì mồ hôi sẽ nặng mùi hơn...
Lười vệ sinh cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cơ thể trẻ có mùi. Ở vùng nách và háng, nếu lười tắm hoặc không vệ sinh cẩn thận sẽ vô tình làm vi khuẩn tích tụ, khiến trẻ có mùi hôi ở các vị trí này.
Để khắc phục, cha mẹ nên giúp con làm tốt các việc sau:
+ Thường xuyên tắm gội cho con.
+ Nhắc con thay quần áo thường xuyên trong ngày, nhất là khi bé hoạt động mạnh, người đổ mồ hôi nhiều.
+ Nhắc cháu uống nhiều nước, khoảng 1,5 lít/ngày và tăng cường ăn rau xanh, nước ép trái cây... sẽ giúp cải thiện mùi mồ hôi...