Vòng ngực to như người lớn, bé 7 tuổi phải kìm hãm dậy thì sớm, bác sĩ cảnh báo "thủ phạm" cha mẹ dễ bỏ qua

DIỆU THUẦN - Ngày 10/07/2024 11:50 AM (GMT+7)

Ở tuổi thứ 7, bé Sam có vòng ngực phát triển độ ba và có nguy cơ tăng nhanh nên cần tiêm hormone để kìm hãm dậy thì sớm.

Bé gái 7 tuổi dậy thì sớm không rõ nguyên nhân

Dậy thì là giai đoạn phát triển mà bất kỳ ai cũng trải qua trước khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Trong quá trình dậy thì, hệ thống xương của toàn bộ cơ thể sẽ phát triển nhanh chóng, giúp trẻ tăng chiều cao, hoàn thiện về hình dạng và kích thước cơ thể cũng như khả năng sinh sản. Tuy nhiên, hiện nay, tuổi dậy thì ở trẻ, nhất là ở các bé gái, đang ngày càng sớm, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bé gái phải tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm vì có vòng ngực phát triển nhanh. Ảnh: BVCC.

Bé gái phải tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm vì có vòng ngực phát triển nhanh. Ảnh: BVCC.

Mới đây, TS.BS Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khám và điều trị cho bé Sam (7 tuổi, ở Hà Nội) dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Bác sĩ Ước cho biết, ở thời điểm đến bệnh viện khám, bé Sam 7 tuổi, cao 1m20, nặng gần 27kg, ngực phát triển độ ba (Tanner 3), tương đương bé 14 tuổi và có thể sẽ phát triển nhanh hơn nữa. “Bé gái này có chiều cao cân nặng vượt ngưỡng so với lứa tuổi”, bác sĩ Ước chia sẻ.

Kết quả xét nghiệm máu và đo nồng độ nội tiết nữ (estradiol) cao, nghiệm pháp kích thích bằng GnRH để chẩn đoán xác định dậy thì sớm của bé Sam có kết quả dương tính. Từ kết quả này, bác sĩ chẩn đoán bé gái dậy thì sớm trung ương, trục hạ đồi tuyến yên trưởng thành gây kích thích tuyến sinh dục tiết hormone. “Thói quen sinh hoạt, tiền sử gia đình và kết quả chụp MRI não đều không phát hiện bất thường. Chúng tôi xác định, bệnh nhi dậy thì sớm không rõ nguyên nhân”, bác sĩ Ước nói.

Bác sĩ Ước cho biết, bé Sam được tiêm thuốc ức chế hoạt động của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục giúp hormone trở lại bình thường. Sau 4 đợt thuốc tiêm, nồng độ hormone bệnh nhi trở lại ngưỡng chưa dậy thì, chiều cao tăng 8cm, ngực giữ mức độ ba, các đặc tính sinh dục thứ phát khác chưa phát triển và tâm lý bình thường.

Bé gái có nguy cơ dậy thì sớm gấp 10 lần bé trai

Bác sĩ Ước cho biết, ngoài bé Sam, thời gian qua, số trẻ đến bệnh viện khám và điều trị dậy thì sớm tăng rõ rệt. Riêng tháng 5 và 6, lượt trẻ khám dậy thì sớm tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. “Nguyên nhân có thể do gần đây phụ huynh quan tâm hơn về dậy thì sớm. Đây cũng là thời điểm nghỉ hè, trẻ được nghỉ học nên thích hợp cho trẻ khám và điều trị”, bác sĩ Ước lý giải.

Theo TS.BS Hoàng Kim Ước, tỷ lệ bé gái dậy thì sớm hiện nay cao gấp 4-10 lần bé trai. Ảnh: BVCC.

Theo TS.BS Hoàng Kim Ước, tỷ lệ bé gái dậy thì sớm hiện nay cao gấp 4-10 lần bé trai. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Ước, thông thường, tuổi dậy thì ở bé gái thường 8-12 tuổi. Trẻ được gọi là dậy thì sớm khi quá trình thay đổi trong cơ thể xảy ra trước 8 tuổi. Nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 4-10 lần so với trẻ nam, đặc biệt với những bé bị thừa cân, ăn uống thừa chất.

Quá trình dậy thì ở các bé gái sẽ bắt đầu diễn ra khi não sản xuất hormone giải phóng GnRH. Sau đó, hormone này sẽ kích thích tuyến yên sản xuất hormone estrogen (hormone sinh dục nữ), kích thích sự tăng trưởng và phát triển các đặc tính cũng như khả năng sinh sản ở nữ giới. Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở nữ đều liên quan đến việc rối loạn sản xuất và giải phóng các hormone liên quan. Số trẻ dậy thì sớm không rõ nguyên nhân như bé Sam chiếm 80%, còn lại 20% do dậy thì sớm ngoại biên.

Bác sĩ Ước khuyến cáo, dậy thì sớm ở trẻ hiện có xu hướng tăng nhanh, nhưng với những trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, chiều cao lúc tăng trưởng hay tuổi dậy thì quá nhỏ các bác sĩ mới có quyết định điều trị hay không. Vì vậy, khi thấy con có các biểu hiện dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa đi khám ở chuyên khoa nội tiết để chẩn đoán nguyên nhân.

Tại sao bé gái thừa chất lại dễ dậy thì sớm?

Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Tín, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, dinh dưỡng được coi là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến sự phát triển của tuổi dậy thì ở trẻ. Nguy cơ có thể đến từ việc mất cân bằng năng lượng, gây ra thừa cân/béo phì. Đây cũng chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến đến hậu quả dậy thì sớm.

Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Tín, trẻ ăn thừa chất đạm dễ bị béo phì, là nguyên nhân gián tiếp gây dậy thì sớm. Ảnh minh họa.

Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Tín, trẻ ăn thừa chất đạm dễ bị béo phì, là nguyên nhân gián tiếp gây dậy thì sớm. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Tín lý giải, dù protein rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhưng ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất này lại dẫn đến thừa chất, không tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc sử dụng một lượng lớn protein động vật cũng đã được chứng minh có tác động kích thích trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục thông qua việc tiết ra IGF-1 và chế độ ăn trước tuổi dậy thì quá giàu protein động vật sẽ có nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm. 

Hay với nhóm thức ăn đường bột, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc tiêu thụ thường xuyên hơn các loại nước ngọt có đường và nước ngọt nhân tạo được dự đoán là sẽ làm dậy thì sớm, chủ yếu do làm tăng BMI và tác động đến vùng dưới đồi của não bộ.

Để ngăn ngừa dậy thì sớm ở bé gái, bố mẹ nên chú ý đến chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng của trẻ, cụ thể như sau:

- Cần nên xây dựng cho trẻ một thực đơn dinh dưỡng hằng ngày phong phú, nhưng nên ăn thực phẩm giàu protein vừa đủ. Cần chú ý chọn lựa những loại rau củ quả tươi mới, không có thành phần biến đổi gen, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Cần tránh cho trẻ dùng quá nhiều thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo với hàm lượng đường cao, thức ăn nhanh, đồ hộp…

- Tập cho trẻ thói quen tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày để cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức bền và độ dẻo dai của cơ thể, hỗ trợ sự phát triển của xương và cải thiện các vấn đề sức khỏe. Một số môn thể thao tốt cho trẻ như: bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá cầu, chạy bộ...

* Tên người bệnh đã thay đổi.

Đứa trẻ uống nhiều sữa hay trẻ ham đồ ăn nhanh dễ dậy thì sớm hơn? Bác sĩ chỉ ra điều ít bố mẹ biết
Cả sữa nguyên kem và thức ăn nhanh đều có nguy cơ cao làm trẻ thừa cân, béo phì nếu tiêu thụ nhiều. Nhưng với sữa thì cha mẹ nên chọn loại phù hợp cho...

Dinh dưỡng cho trẻ em

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chế độ ăn ảnh hưởng sức khỏe