Thời tiết miền Nam nóng bức, bác sĩ chỉ ra kiểu ngồi máy lạnh dễ gây đột quỵ, hại phổi mà nhiều người mắc

DIỆU THUẦN - Ngày 08/03/2024 18:00 PM (GMT+7)

Theo các bác sĩ, thói quen vừa đi ngoài trời nắng nóng, về đến nhà là vào phòng máy lạnh ở nhiệt độ thấp không chỉ dễ gây ra đột quỵ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC), hiện nay, TP.HCM và khu vực Nam Bộ đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ dao động 23-36 độ C. Nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hướng đến sức khỏe, nhất là người lớn tuổi, trẻ em, người lao động ngoài trời hoặc phải di chuyển trên đường nhiều… 

Các vấn đề sức khỏe chúng ta thường gặp trong những ngày này thường là say nắng, say nóng, đột quỵ, sốc nhiệt hay các vấn đề về đường hô hấp. Vì vậy, HCDC khuyến cáo, mọi người nên uống đủ nước, hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, ăn uống hợp lý, rèn luyện thân thể và tăng cường sức để khác bằng cách thường xuyên tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh. 

Những ngày qua, TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên tục đón các đợt nắng nóng  gay gắt. Ảnh: HCDC.

Những ngày qua, TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên tục đón các đợt nắng nóng  gay gắt. Ảnh: HCDC.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người có thói quen vô tình tự làm hại sức khỏe của mình. Đó là khi đi ngoài nắng về đến nhà, đến văn phòng làm việc hay lên xe ô tô là bật máy lạnh ngay. Có những trường hợp, để cơ thể nhanh mát đã bật máy lạnh ở nhiệt độ 16-18 độ C.

Anh Nguyễn Hoàng Minh (49 tuổi, TP.HCM) cùng vợ kinh doanh tự do ở chợ nhiều năm qua. Mỗi ngày, anh phải chạy xe đi lấy hàng, sau đó đưa đến chợ cho vợ bán.

Những ngày nắng nóng, sau khi lấy hàng về, anh có thói quen vào phòng bật quạt số lớn và máy lạnh cùng lúc để giúp cơ thể hạ nhiệt. Mới đây, khi về đến nhà giữa 1 giờ trưa, anh cũng vào phòng làm theo thói quen cũ để nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nằm được một lúc, anh thấy miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu. May mắn, anh được người quen phát hiện và đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện tư gần nhà. Tại đây, từ các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, BS.CKII Võ Đôn, khoa Nội thần kinh, Trung Tâm thần kinh, chẩn đoán anh Minh nhồi máu não cấp, có nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn. 

Dùng máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp khi vừa đi nắng nóng về không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Dùng máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp khi vừa đi nắng nóng về không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Anh Minh nhanh chóng được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch làm tan cục máu đông, phòng ngừa yếu liệt, tắc mạch máu não nặng hơn. Sau một giờ, bệnh nhân hồi phục, hết nói đớt và giảm tê yếu nửa người trái.

Thói quen dùng máy lạnh dễ gây đột quỵ, tử vong

Theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Khám thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, việc gặp nhiệt độ chênh lệch quá cao trong thời gian ngắn sẽ gây bất lợi cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Ví dụ như ở đầu, khi gặp nhiệt độ thay đổi quá đột ngột, máu sẽ không lên não, dẫn đến đau đầu, chóng mặt, từ đó dễ xảy ra các cơn đột quỵ, tắc nghẽn mạch như trường hợp của anh Mình. Mắt có thể bị khô, sẽ mờ hơn bình thường. Với mũi, những người nào bị dị ứng mũi, nếu bị thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ dẫn đến hắt hơi, sổ mũi. 

Do đó, bác sĩ Vinh khuyến cáo, khi thời tiết quá nóng, chúng ta không nên để nhiệt độ ở phòng máy lạnh chênh lệch quá 8-10 độ C so với bên ngoài. Khi đi ngoài nắng về, không nên vào phòng máy lạnh ngay, mà nên làm mát cơ thể bằng máy quạt ở chế độ gió phù hợp. Đối với những người bị say rượu, không nên nằm máy lạnh ngay vì rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, cảm lạnh. 

Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, thông thường vào dịp từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, các tỉnh phía Nam Bộ liêp tiếp đón các đợt nắng nóng. Lúc này, các thiết bị điện tử như quạt, máy lạnh… sẽ có chức năng làm mát cơ thể. "Các vật dụng này không phải tác nhân gây bệnh cho con người, nhưng nếu chúng ta có thói quen dùng chưa đúng sẽ gây hại cho sức khỏe", bác sĩ Ngọc chia sẻ. 

Theo bác sĩ Ngọc, khi chúng ta đi ngoài đường nắng nóng, cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi, quần áo dính bụi bẩn… nếu ngồi ở phòng kín, có máy lạnh bật ở nhiệt độ thấp thì tạo điều kiện rất tốt cho vi khuẩn sinh sôi. Chưa kể, chỉ cần lúc đó một người mắc bệnh qua đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm họng viêm phổi… có thể phát tán vi khuẩn, virus rồi lây bệnh cho người khác. 

Bác sĩ Ngọc khẳng định, 90% nguyên nhân khiến chúng ta bị viêm phổi là do vi khuẩn, virus, nấm mốc và ký sinh trùng gây nên. Những tác nhân này đều rất dễ xâm nhập vào đường hô hấp trong không gian kín như phòng điều hòa.

Vì vậy, bác sĩ Ngọc khuyến cáo, khi đi ngoài nắng nóng về, chúng ta nên thay quần áo bẩn, làm mát cơ thể bằng quạt ở mức gió vừa phải rồi hãy vào phòng máy lạnh. Trong trường hợp phải ngồi phòng máy lạnh ngay thì nên bật ở nhiệt độ phù hợp, không nên quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời. 

Nắng nóng 38 độ C, mẹ chồng không cho bật điều hòa khiến con dâu mang thai 20 tuần phải nhập viện
Mẹ chồng vì thấy con dâu đang mang thai ở nhà "ăn bám" chồng nên kiên quyết không cho bật điều hòa. Kết quả suýt chút nữa hại cả cháu.

Sức khỏe ngày nóng

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác