Rất nhiều người có quan niệm sai lầm về việc sử dụng thực phẩm để giải nhiệt cơ thể, chính vì thế không ít trường hợp nguy kịch, đối diện nguy cơ tử vong.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận rất nhiều ca mắc liên cầu lợn nhập viện. Điển hình như tuần trước, các bác sĩ tiếp nhận 5 ca, bình quân một tháng trở lại đây khi thời tiết nắng nóng số ca tiếp nhận lên đến gần 20. Nhiều bệnh nhân nhập viện đã bị biến chứng như sốt cao, xuất huyết ngoài da, nhiễm trùng huyết, tổn thương ốc tai… phải điều trị dài ngày.
“Vào hè, nhiều người cho rằng ăn tiết canh để mát, để giải nhiệt cơ thể. Đó là lý do số ca mắc liên cầu lợn tăng lên”, PGS Đỗ Duy Cường lý giải.
Đặc biệt, rất nhiều người đã biết sự nguy hiểm khi mắc liên cầu lợn nên chọn những loại tiết canh khác ăn để như dê, bò, ngan, vịt… Tuy nhiên, sau khi ăn vài ngày, họ vẫn phải nhập viện điều trị do mắc liên cầu lợn. “Về lý thuyết liên cầu lợn thì chỉ có ở lợn. Tuy nhiên, khi mua tiết canh ở chợ, hàng quán về ăn thì chủ cửa hàng pha thêm tiết lợn vào tiết dê, tiết vịt. Đó chính là lý do ăn tiết canh dê vẫn mắc liên cầu lợn”, ông Cường cảnh báo.
Nam bệnh nhân nguy kịch nhập viện sau khi ăn tiết canh để giải nhiệt mùa hè.
Đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, ông L.X.Đ. (59 tuổi, trú tại Thái Bình) không thể vận động, cứng gáy, đau đầu, xuất huyết trên vùng mặt vì mắc liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Một tuần trước khi vào viện, do thời tiết nắng nóng, nam bệnh nhân này có đi mua tiết canh ngoài chợ và đồ (nhân) về đánh ăn để giải nhiệt mùa hè. Ông cho rằng, tự tay mình đánh sẽ ngon và an toàn hơn. Không ngờ sau ăn khoảng 3-4 ngày, ông Đ. xuất hiện sốt, rét gai người và có đi tiêm nhưng không rõ thuốc gì.
Tình trạng chuyển biến nặng, do bị mất ý thức nên ông Đ. được người nhà đưa vào cấp cứu ở BVĐK tỉnh Thái Bình. Với chẩn đoán viêm màng não, ông Đ. tiếp tục được chuyển về BV Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ đã cấy mẫu ra kết quả ông Đ. nhiễm liên cầu khuẩn lợn và chỉ định điều trị kịp thời.
Sau một thời gian điều trị, ông Đ đã dần có ý thức và trao đổi nhanh được với một số người xung quanh. Khi PGS Đỗ Duy Cường xuống giường bệnh thăm khám và hỏi ông Đ: “Sau khi tỉnh đã thấy sợ chưa? Về có ăn tiết canh nữa không?”. Ông Đ thẳng thắn trả lời rằng: “Có! Vẫn ăn tiếp. Vì ngon và mát”. Nghe xong câu trả lời ai cũng bất ngờ, bác sĩ phải giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà về việc cần bỏ ngay món khoái khẩu này.
Các chuyên gia khẳng định, việc ăn tiết canh để mát, để giải nhiệt mùa hè là hoàn toàn sai lầm. Muốn giải nhiệt cơ thể mọi người cần tuân thủ ăn chín uống sôi, ăn nhiều rau xanh, quả chín hơn, đồng thời bổ sung đủ nước để cơ thể toát mồ hôi.
Các chuyên gia đều khẳng định, tiết canh không giúp giải nhiệt mùa hè. (Ảnh minh họa)
Đối với bệnh liên cầu lợn, PGS Đỗ Duy Cường cho biết, tiết canh và các loại thịt lợn tái, sống dễ bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus Suis (S. suis). Vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập máu, lên não, gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, vi khuẩn còn xâm nhập từ da qua vết thương hở do tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, nhiều người không ăn tiết canh, thịt sống nhưng vẫn mắc bệnh vì giết mổ phải lợn bệnh. Để phòng bệnh, mọi người cần bỏ thói quen ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống, dùng dụng cụ bảo hộ khi giết mổ lợn.
Khi bị nhiễm khuẩn liên cầu, bệnh nhân thường là sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, trên da nổi nhiều đám xuất huyết, bệnh tiến triển nặng sẽ khiến bệnh nhân hôn mê. Chính vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu trên sau ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với thịt lợn sống thì cần nghi ngờ và nhập viện khám.
“Nếu phát hiện kịp, bệnh nhân có cơ hội cứu sống, nhưng nếu nhập viện muộn thì nguy cơ tử vong cao. Với những hệ lụy của nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống”, BS. Cường khuyến cáo.