"Vợ chồng đầu gối tay ấp" xưa nay tưởng như chuyện đương nhiên nhưng có những người không muốn hoặc vì hoàn cảnh nên không thể chung giường với bạn đời, liệu điều này có ảnh hưởng tới hôn nhân? Mời bạn đọc nghe giải đáp từ chuyên gia về sức khỏe sinh sản và tình dục Phan Bích Thủy.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Vợ chồng tôi đã chung sống hơn chục năm, có hai con đều đang tuổi đi học. Mối quan hệ và cuộc sống hôn nhân của chúng tôi bình thường, cũng thi thoảng có những bất đồng, thất vọng về nhau như các cặp đôi khác.
Gần đây, vợ tôi tỏ ra bất mãn với việc vợ chồng không chung giường. Thực ra chuyện này đã xảy ra mấy năm nay nhưng cả hai đều thấy bình thường, tự dưng vợ tôi lại tỏ thái độ. Trước đây, do tính chất công việc, tôi hay vắng nhà nên đêm vợ ngủ cùng hai con. Tới khi tôi chuyển việc về gần hơn thì cũng hay về nhà muộn, lúc khuya vợ con đã ngủ rồi nên tôi nằm luôn sofa vì không muốn đánh động. Bọn trẻ con quen hơi mẹ nên cũng nhất định không ngủ riêng.
Về vấn đề chăn gối, thường khi nào muốn thì vợ chồng "khều" nhau trốn sang phòng bỏ không (vốn làm cho tụi trẻ ngủ riêng nhưng chúng không chịu sang). Tôi thấy như thế cũng tiện.
Không hiểu vì sao gần đây vợ tôi lại thấy bất bình về việc này. Cô ấy nói vợ chồng mà như "hàng chợ", khi cần mới va vào nhau, rồi bảo phải ngủ chung mới có cơ hội tâm sự, thủ thỉ rồi đôi khi một cái ôm, vuốt ve khi ngủ chung còn giúp gắn kết hơn cả việc quan hệ… Nhưng vợ đi ngủ sớm, tôi thì quen thức khuya hoặc ngủ quên trên sofa rồi. Tôi không biết liệu có thật là vợ chồng thì cứ phải ngủ chung mới tình cảm? Ngủ riêng lâu ngày nhưng vẫn quan hệ thì có ảnh hưởng gì tới tình cảm vợ chồng không?
Chào anh,
Nói đến cuộc sống vợ chồng, người ta thường nghĩ đến cụm từ "đầu ấp, tay gối" nên vợ anh bất bình về tình trạng ngủ riêng cũng không có gì là lạ, đặc biệt nếu vợ chồng anh đang ở độ tuổi dưới 40.
Tuy vậy, không ít cặp vợ chồng chọn "giải pháp ngủ riêng" cho hoàn cảnh đặc biệt của họ, ví dụ như một trong hai người rất khó ngủ mà người kia lại ngáy to, hoặc không phù hợp về nhu cầu tình dục, hoặc giờ giấc không phù hợp như trường hợp của vợ chồng anh… Nếu cả hai người đồng thuận với "giải pháp" này thì những cặp vợ chồng nói trên vẫn hòa thuận và họ vẫn tìm được những khoảnh khắc riêng để gần gũi nhau. Trường hợp vợ chồng anh thì khác, anh thích "giải pháp" này nhưng chị lại không thích.
Tôi hy vọng anh đã đọc hoặc sẽ đọc cuốn sách "Năm ngôn ngữ tình yêu" của tiến sĩ tâm lý học Mỹ Gary Chapman. Theo tác giả, có nhiều cặp đôi yêu nhau thắm thiết nhưng khi lấy nhau họ lại không hạnh phúc. Sở dĩ có tình trạng ấy bởi mỗi người thường sử dụng 1-2 ngôn ngữ tình yêu chính, nếu may mắn thì cặp vợ chồng cùng sử dụng một ngôn ngữ nhưng nếu không may mắn thì sao? Vì vậy, nhận biết ngôn ngữ tình yêu của bản thân cũng như ngôn ngữ của vợ hoặc chồng mình và học cách sử dụng "ngôn ngữ" của nhau là điều tối quan trọng trong cuộc sống hôn nhân.
"Cử chỉ âu yếm" hay "động chạm cơ thể" được Gary Chapman coi là "ngôn ngữ tình yêu" thứ năm. Qua tâm sự của anh, tôi nghĩ vợ anh có thể sử dụng "ngôn ngữ tình yêu" này. Vậy nên anh chị nên bàn bạc cởi mở với nhau hơn về vấn đề đang chưa đồng thuận.
Nếu sau khi nghe anh giải thích mà chị vẫn khăng khăng không chịu thì anh phải nhường chị thôi, đâu có thiệt thòi gì nếu mình thay đổi một thói quen vì tình yêu và hạnh phúc gia đình phải không anh? Chúc anh chị một cuộc sống hôn nhân viên mãn!
|