Sau 1,5 giờ đồng hồ, ca mổ nhau cài răng lược và bảo tồn tử cung cho sản phụ đã thành công trong niềm hạnh phúc của đội ngũ bác sĩ BV Hùng Vương (Tp.HCM).
“Tôi rất sợ ca mổ ảnh hưởng đến con và tính mạng mình…”
Ngày siêu âm kiểm tra thai định kỳ tháng thứ 4, chị Trần Thị Thiện (34 tuổi - Bình Định) được bác sĩ chẩn đoán mắc tình trạng nhau cài răng lược. Chị cho biết: “Tôi khám ở tỉnh, bác sĩ phát hiện nhau thai ăn sâu vào tử cung và nói rõ nguy cơ có thể xảy ra. Hoảng sợ trước lời nói của bác sĩ, tôi đã dành thời gian tìm hiểu sự nguy hiểm của tình trạng nhau cài răng lược”.
3 tháng sau, vợ chồng chị Thiện quyết định đến Bệnh viện Từ Dũ kiểm tra lại. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán nhau thai cài răng lược và yêu cầu chị thuê phòng ở gần để tiện cho quá trình sinh nở sau này. Không đủ tiền trang trải, vợ chồng chị đã về quê và sinh con tại đó.
Lo sợ điều không hay xảy ra, chị Thiện nhập viện trước ngày “vượt cạn” 1 tuần. 3 ngày nằm bệnh viện tỉnh, bác sĩ đã yêu cầu và ký giấy chuyển chị vào Từ Dũ sinh để đảm bảo an toàn tính mạng cả mẹ và bé. Gặp trục trặc, vợ chồng chị đã qua bệnh viện Hùng Vương nằm viện. Chị Thiện cho hay: “Lúc đầu, tôi khá lưỡng lự khi qua bệnh viện Hùng Vương sinh con bởi e ngại bệnh viện không làm được. Sau đó, khi được các bác sĩ tư vẫn tôi chấp nhận chịu bảo hiểm trái tuyến về Hùng Vương và đặt trọn niềm tin vào tay nghề đội ngũ bác sĩ ở đây”.
Lo sợ điều không hay xảy ra, chị Thiện nhập viện trước ngày “vượt cạn” 1 tuần.
4 ngày theo dõi là Bệnh viện Hùng Vương, chị Thiện được đưa vào phòng mổ. Nhớ lại cảm xúc lên bàn mổ, chị Thiện tâm sự: “Thực sự, gia đình tôi chủ quan về tình trạng bệnh nên quyết định về quê sinh cháu. Khi bệnh viện dưới đó yêu cầu chuyển tuyến lên Sài Gòn, tôi hoang mang và lo lắng vô cùng. Tôi sợ mọi trường hợp xấu có thể xảy ra và thầm ước ca mổ sẽ “mẹ tròn con vuông”.
Sau 1,5 giờ đồng hồ áp lực, ca mổ sinh nhau cài răng lược và bảo tồn tử cung cho chị Thiện đã thành công trong niềm hạnh phúc của đội ngũ bác sĩ giỏi tại bệnh viện. Con trai chị Thiện chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,8kg. Tuy nhiên, sức khỏe của chị không tốt, cơ thể mất khoảng 3 lít máu. “Tôi không được chứng kiến khoảnh khắc con khóc nhưng cháu chào đời an toàn là tôi hạnh phúc lắm rồi! Hơn nữa, tôi không hề bị cắt bỏ tử cung như những trường hợp khác. Giờ, tôi chỉ mong vết rạch mổ nhanh lành để có thể đưa con về với ông bà nội ngoại ”, chị Thiện chia sẻ.
Nguy cơ khi thai phụ bị nhau cài răng lược
Theo bác sĩ Thân Trọng Thạch (BV Hùng Vương) - người trực tiếp theo dõi và đứng mổ trong ca bệnh trên: “Nhau cài răng lược là bệnh lý nặng do bánh nhau xâm lấn qua cơ tử cung. Khi mổ, bánh nhau sẽ dính chặt vào cơ tử cung làm chảy máu nhiều. Đặc biệt, thai phụ có nguy cơ tử vong do sốc mất máu, do rối loạn đông máu. Thông thường, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án cắt bỏ tử cung thay vì cố gắng giữ lại tử cung cho thai phụ. Tuy nhiên, phương pháp bảo tồn này đã và đang được đội ngủ bác sĩ tại bệnh viện tiến hành, cho kết quả tốt”.
Đối với trường hợp chị Thiện, bác sĩ Thạch cho hay, chị vào viện trong tình trạng sức khỏe bình thường, không có tình trạng thiếu máu,…Tuy nhiên, tâm lý chị khá căng thẳng, nhất là sau khi bác sĩ giải thích những khả năng xấu có thể xảy ra trên bàn mổ.
Với sự nỗ lực của ekip, ca mổ nhau cài răng lược của chị Thiện đã thành công.
Với sự nỗ lực của ekip, ca mổ nhau cài răng lược của chị Thiện đã thành công. Trực tiếp tham gia ca mổ, bác sĩ Thạch xúc động: “Đứng mổ cùng bác sĩ đầu ngành PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang và ê-kip gây mê hồi sức hùng hậu nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng và cố gắng vượt qua giây phút khó khăn nhất trong lúc mổ. Quả thực, tôi chỉ cảm thấy “giảm tải áp lực” khi thai phụ đã vượt qua bệnh lý, đứa trẻ chào đời khỏe mạnh”.
Tránh trường hợp chủ quan, xem nhẹ bệnh, bác sĩ Thạch khuyến cáo bà bầu đã được chẩn đoán nhau cài răng lược nên chọn những Bệnh viện chuyên khoa Sản và đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm. Ngoài ra, khoảnh cách từ nhà thai phụ đến Bệnh viện không quá 30 phút di chuyển. Các mẹ bầu ở tỉnh xa cần trọ gần hoặc nằm tại bệnh viện, tuyệt đối không đi đâu quá xa.