Sau 2 năm chạy chữa vô sinh không thành công, vợ chồng chị Hồng đã quyết định lên Sài Gòn tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
Cả vợ lẫn chồng đều khó có con
Sau kết hôn, vợ chồng chị Trần Thị Hồng (27 tuổi - Đồng Nai) dự định sinh con luôn để ông bà có cháu ẵm bồng. Tuy nhiên, 2 năm “thả cửa”, anh chị không nhận được tin vui. Thấy vậy, họ đã đến bệnh viện chuyên khoa Sản khám xét tổng thể.
“Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, mình mới tá hỏa mọi chuyện. Trong tờ giấy, bác sĩ kết luận mình bị buồng trứng đa nang nặng, còn chồng mắc chứng tinh trùng yếu. Khả năng có con của vợ chồng mình rất thấp, thậm chí có thể vô sinh.”, chị Hồng cho biết.
Hoảng sợ trước kết quả xét nghiệm, vợ chồng chị Hồng ngược xuôi tìm cách chữa trị. Hễ ai mách có thầy lang cắt thuốc trị buồng trứng đa nang, chị sẽ tìm đến bắt mạch và bốc thuốc. Chị cho biết, chị uống đủ các loại thuốc Tây - Nam, bệnh vẫn không đỡ. Đặc biệt, chị đi kích trứng vài lần nhưng trứng không thể phát triển được.
2 cậu con trai đáng yêu, xinh xắn của vợ chồng chị Hồng.
Không đầu hàng số phận, chị Hồng đã dành thời gian tìm hiểu thông tin về chữa hiếm muộn. Sau đó, chị và ông xã quyết định vào Sài Gòn tìm gặp bác sĩ Ngọc Lan. “Bác sĩ Lan rất ấn tượng với trường hợp của vợ chồng mình. Thêm vào đó, chồng mình tinh trùng yếu nên không thể có con bằng phương pháp tự nhiên. Bác sĩ khuyên vợ chồng mình tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Sau khi chuyển phôi, mình thụ thai 3 trứng.”, chị Hồng tâm sự.
Hành trình giữ thai gian nan
Mang bầu 5 tuần, chị Hồng rơi vào tình trạng động thai, buộc phải uống và chích thuốc giữ thai. Tuy vậy, thai vẫn động mạnh, bác sĩ đề nghị giảm thiểu 1 bé để đảm bảo an toàn tính mạng cho mẹ con chị.
“Vợ chồng mình rất khó mới có thể có con. Vì vậy, mình không muốn mất đi đứa con nào hết. Nhưng, bác sĩ khuyên không giảm có khả năng mất cả 3 bé. Nghe vậy, mình đành cắn răng chịu đựng để 1 bé ra đi.”, chị Hồng xót xa nhớ lại.
Từ khi đậu thai cho đến tuần thứ 12, chị Hồng nghén rất nặng. Mỗi ngày, chị nôn ói khoảng 40 lần, không ăn uống được bất cứ loại thực phẩm nào. Để duy trì sức khỏe, chị phải truyền nước và đường trong suốt thời gian đó.
Vì sinh non, 2 bé sinh ra với cân nặng rất nhẹ: 1,7kg-2kg
Mang song thai, cổ tử cung quá ngắn, chị Hồng phải khâu thêm. Sang tuần 23, cổ tử cung co lại còn 8mm, bác sĩ yêu cầu chị nhập viện nằm tới lúc sinh. Chị cho hay: “Trong thời gian nằm viện, bác sĩ thông báo các con chỉ có thể nằm ổ đến hết tuần thứ 29. Khi đó, mình lo sợ nguy cơ khi sinh non sẽ xảy ra. Rất may, 2 bé thương mẹ nên tuần thứ 32 mới chui ra chào mọi người”.
Nuôi con cơ cực nhưng hạnh phúc
Chị Hồng kể, 2 bé sinh non phải nằm trong phòng chăm sóc đặt biệt 10 ngày. Chừng ấy thời gian, chị mò từng bước cầu thang nhà trọ xuống dưới để ông xã đẩy xe lăn vào viện cho các con tập bú.
Xuất viện về nhà, chị Hồng thức trắng đêm tháng ở cữ để theo dõi nhịp thở của con. Hơn nữa, 2 bé bú và vệ sinh cùng lúc khiến cả nhà ai cũng bận rộn.
“Hiện giờ, các con cứng cáp hơn trước rất nhiều. Nhưng, vợ chồng mình nuôi 2 bé rất vất vả và tốn kém. Trộm vía, con cũng ít ốm đau nên mình an tâm phần nào. Mỗi lần nhìn anh em chúng nằm tay nhau cười, mệt mỏi trong mình tan biến hết.”, chị Hồng chia sẻ.
Hiện giờ, 2 cậu nhóc rất cứng cáp, không thua kém các bé sinh cùng tháng.