Dù gia đình đã rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, thậm chí tiền đi đẻ cũng không còn nhưng bà mẹ này vẫn nhất quyết mang bầu thêm để sinh con trai.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã dần bị bài trừ. Tuy vậy, vẫn có không ít người luôn giữ suy nghĩ cố hữu rằng trong nhà nhất định phải sinh được con trai. Thậm chí, có người phụ nữ dù không bị ép buộc nhưng chính bản thân lại cố chấp muốn sinh con trai cho chồng. Đó chính là câu chuyện của bà mẹ 8 con Xia Yuejun, 43 tuổi, đến từ vùng nông thôn của tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Xia kết hôn với chồng là Wang Zhongyu đã 15 năm nhưng đến nay trong nhà không hề có tài sản gì đáng giá, cả gia đình 10 người sống trong một căn phòng trọ vỏn vẹn 10m2 lụp xụp với 2 chiếc giường bằng sắt và tre. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì muốn... đẻ con trai.
Gia đình Xia nghèo đói, thiếu thốn vì cô cố sinh con trai nhưng không được.
Suốt 15 năm, Xia gần như chỉ tập trung vào mang bầu và đẻ con nên không làm lụng được gì. Cô đã sinh liền tù tì 8 người con nhưng đều là con gái nên chưa có ý định dừng lại. Số lượng thành viên trong gia đình ngày càng tăng lên, công ăn việc làm của chồng cũng không ổn định nên nhà Xia ngày càng nghèo hơn. Vậy nhưng điều đó cũng không ngăn được người phụ nữ này từ bỏ ý định sinh con trai.
"Mẹ và chị chồng nói có con trai sẽ có vinh quang nên nếu chưa sinh được con trai, tôi cảm thấy không thể ngẩng đầu lên trước gia đình chồng", Xia tâm sự. Nhiều lần mang bầu liên tiếp cũng khiến sức khỏe của Xia giảm sút. Hầu hết các lần sinh đều do chồng cô đỡ đẻ tại chính căn phòng trọ lụp xụp, thiếu chăm sóc y tế nên Xia càng ốm yếu hơn.
Bà mẹ 8 con ốm yếu và già hơn tuổi do liên tục mang bầu, sinh nở mà không được chăm sóc y tế tử tế.
Thậm chí, 1 tuần trước khi sinh con gái thứ 8, Wang bị điện cao thế giật. Trải qua 59 ngày trong viện, Wang phải cắt cụt tay. Giờ tính khí của anh thất thường, luôn đi sớm về muộn. Thậm chí, Wang còn đề nghị gửi các con vào trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên, Xia không đồng tình, cô gửi bớt các con về quê cho ông bà, còn lại sống cùng mình nhờ trợ cấp từ các nhà hảo tâm. Cô động viên chồng rằng sau khi hết cữ, cô sẽ ra ngoài làm việc để nuôi gia đình và đương nhiên nuôi cả ước muốn sinh con trai của mình.
Chồng Xia bị tai nạn và gần như mất khả năng lao động.
Sự cố chấp trong tư tưởng của bà mẹ này khiến các cơ quan đoàn thể cũng phải "bó tay". Họ đã nhiều lần đến nhà Xia vận động, khuyên bảo, giải thích, răn đe nhưng đều không thành công.