Có những cặp đôi đã phải bán hết cả nhà cửa, đất đai, bỏ công việc để đi chữa trị mong có một đứa con.
Sáng sớm, dãy hành lang Trung tâm điều trị vô sinh của Bệnh viện Phụ sản Trung Ương đã chật kín người. Những gương mặt hốc hác, thẫn thờ trong vô vọng và số ít gương mặt nhoẻn miệng cười vì có tin vui từ tờ phiếu kết quả. Vì mong muốn có được mụn con, nhiều cặp vợ chồng đã "tan gia bại sản" và tìm đủ mọi cách để chữa bệnh. Nhiều cặp đôi đã cưới nhau đến 4-5 năm thậm chí 18 năm, chữa trị từ Nam ra Bắc nhưng mãi vẫn không thể biến ước mơ có con thành hiện thực. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, rạn nứt cũng vì lý do này.
Bán đất để chạy chữa vô sinh
- Tỉ lệ đậu của chị là bao nhiêu?
- Cô có kết quả chưa?
- Có khi lại phải thử thêm đôi ba lần nữa...
Dãy hành lang Trung tâm điều trị vô sinh của Bệnh viện Phụ sản TW ồn ào những câu hỏi và trả lời tương tự kèm theo cả tiếng thở dài ngao ngán. Có những trường hợp tận Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Thọ... đến hẹn lại lên cuối tháng bắt xe khách ra Hà Nội để điều trị bệnh. Có những gia đình nghèo, bán hết cả của cải, đất đai để có tiền cố gắng kiếm cho được một mụn con.
Chị Lê Thị Hạnh, 28 tuổi, quê gốc Bắc Giang đã lấy chồng được 5 năm nhưng chuyện con mọn vẫn bặt vô âm tín. Chị được chẩn đoán bị đa nang buồng trứng. 5 năm qua, chị chữa chạy không biết bao nhiêu nơi, từ Bắc vào Nam và thậm chí sang cả nước ngoài thử các phương pháp mới. Tất cả đều vô vọng. Nghe bạn bè, người thân mách nơi nào chữa trị được bệnh vô sinh, vợ chồng chị lại tìm đến.
3 năm trước, chị và anh bắt đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trong bệnh viện. 6 tháng trời ròng rã, chị ra vào bệnh viện như cơm bữa. Nỗi đau về thể xác với chị đã quá quen thuộc.
Chị cười méo mó: “Tiêm chọc đã nát thịt rồi, đau đớn như thế nào mà có được mụn con, mình cũng làm hết”. Thế nhưng, may mắn và hạnh phúc chưa lần nào mỉm cười trước chị. Chị chẳng nhớ đã úp mặt khóc biết bao nhiêu lần tại phòng chờ kết quả xét nghiệm. Niềm hy vọng trong chị bao nhiêu thì nỗi đau càng lớn bấy nhiêu.
Ông bà nội, ngoại hai bên sốt ruột có cháu bồng, cháu bế càng tạo cho vợ chồng chị áp lực nặng nề hơn. “Mình không dám về quê nhiều vì sợ bị hỏi. Mỗi lần nhà có công việc, mình chỉ về chốc lát rồi lại viện cớ ra Hà Nội luôn vì bận việc cơ quan”.
Dãy hành lang trung tâm điều trị vô sinh bệnh viện Phụ sản Trung Ương lúc nào cũng chật kín người. (ảnh minh họa)
Tài chính trong nhà chị cũng dần cạn kiệt. Mảnh đất hương hỏa ở quê, bố mẹ chồng chị cũng lo bán để dành tiền chạy chữa cho vợ chồng chị. Mỗi lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tiêu tốn ít nhất gần 200 triệu đồng, bao gồm tất cả chi phí ăn uống, đi lại. Không những thế, việc cơ quan lại bị trì trệ, gián đoạn.
“Mình nghỉ 1,2 buổi thì lãnh đạo còn thông cảm chứ nghỉ đằng đẵng nửa tháng trời thì chẳng cơ quan nào chấp nhận được. Mỗi lần đặt thuốc (hỗ trợ sự làm tổ, phát triển phôi thai), mình như bị cấm cung trong nhà nửa tháng thậm chí cả tháng, không dám đi lại.", chị nói. Lần này nghe mọi người mách, Bệnh viện Phụ sản TW là nơi điều trị vô sinh tốt chị lại lóc cóc đến nộp hồ sơ và nhen nhóm ý định thụ tinh trong ống nghiệm lần nữa.
8 năm, 4 lần thụ thai không thành
Từ phòng tiêm của Trung tâm bước ra dãy ngồi chờ, chị Đào Thị Hương, quê ở Tiền Hải, Thải Bình đi rón rén từng bước chậm chạp, gương mặt méo xệch, nhăn nhúm. Lập gia đình được 8 năm, vợ chồng chị chữa chạy biết bao nơi cả Đông y lẫn Tây y, nhưng đến nay chưa bao giờ anh chị hết hy vọng. Lần này đến Bệnh viện Phụ sản là lần thứ 4 chị đi cấy phôi thai vào tử cung nhưng kết quả ở phiếu vẫn là con số 0. Anh chị vẫn chưa thể có con trong lần cấy đợt vừa rồi.
Hàng tháng chị bắt xe khách từ Thái Bình lên Hà Nội thuê trọ để điều trị vô sinh. Chị kể, bố mẹ chồng có mỗi chồng chị là con trai nên áp lực càng nặng nề hơn nữa. Bà từng nói bóng gió chuyện “lấy vợ cho con trai bà” vì trót lấy phải con dâu “vô dụng”. Vợ chồng chị vì không chịu nổi áp lực dị nghị từ bố mẹ, họ hàng nên chuyển ra ở riêng sống. Chồng đi làm kiếm được tiền lại gom góp dành dụm đưa vợ chữa bệnh.
Suốt 8 năm qua chị từng có ý định chia tay anh nhiều lần nhưng anh không cho phép. Anh vẫn bảo chị còn nước còn tát, chị ở đâu thì anh ở đấy. Con là của trời cho không ai được bỏ cuộc. Hàng ngày, anh vẫn chăm chỉ đi làm kiếm tiền dành dụm, chị vẫn cần mẫn hàng tháng bắt xe khách lên Hà Nội tiếp tục điều trị vô sinh. Mỗi lần đến viện là một lần chị đớn đau về thể xác nhưng nhen nhóm thêm trong lòng hy vọng về tinh thần.
Chị Hương, chị Hạnh cũng như nhiều phụ nữ khác dẫu nhọc nhằn chạy chữa nhưng vẫn gieo niềm tin “được có con” và dốc lòng chữa bệnh. Hy vọng trong một ngày không xa hạnh phúc sẽ mỉm cười với các chị. Các chị sẽ có tin vui, được cười viên mãn với mái ấm vẹn tròn. Nơi ấy có tiếng ru ầu ơ, có tiếng cười của trẻ con mỗi tối và không còn cảnh sáng sớm chen chúc nhau nơi dãy hành lang chật hẹp rồi khóc đau đớn trong nỗi tuyệt vọng vì vô sinh...