5 năm chữa vô sinh từ Bắc vào Nam, hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình chị Ngô Thanh Thỏa (Hà Nội). Sau quá trình đầy gian nan chữa bệnh, 2 bé sinh đôi: 1 trai, 1 gái đã chào đời.
Hơn 1 năm nay, nụ cười đã trở lại với gia đình anh Nguyễn Duy Thắng và chị Ngô Thanh Thỏa (Thường Tín, Hà Nội). Nhiều lúc nghĩ lại, chị vẫn không dám tin chuyện anh chị có con là sự thực bởi hạnh phúc ấy quá lớn. 5 năm chạy ngược xuôi từ Bắc vào Nam chữa vô sinh hy vọng mong manh mà nỗi tuyệt vọng chẳng đếm xuể. Năm 2013, chị mang bầu song thai và cuối năm 2013 đã sinh 2 bé kháu khỉnh.
Dồn hết tài sản để chữa bệnh
Chị kém anh 1 tuổi. Anh chị quen nhau khi cả 2 xa xứ đi xuất khẩu lao động bên Nga. Tình yêu nơi đất khách quê người đã kéo anh chị đến gần nhau hơn để nỗ lực cố gắng. Năm 2007, anh chị cùng nhau về nước làm lễ cưới. Ngày ở bên Nga, chị vẫn thường rủ rỉ với anh, trở về Việt Nam anh chị sẽ lập gia đình và sinh con để ông bà nhanh có cháu bồng cháu bế. Anh sẽ kinh doanh, chị phụ giúp chồng sẵn sàng cuộc sống mới.
6 tháng rồi đến 1 năm chị nín thở đợi chờ nhưng vẫn không có dấu hiệu mang bầu. Anh vẫn bình tĩnh an ủi vợ: chắc do môi trường mới chưa quen nên chuyện bầu bí khó khăn hơn. 1 năm sau ngày cưới, cả gia đình lớn, họ hàng nội ngoại nín lặng để chờ tin vui từ anh chị nhưng rồi cũng thất vọng.
5 năm gian nan chữa bệnh khắp Bắc Nam, cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với vợ chồng chị Thỏa. Hai bé sinh đôi: 1 trai, 1 gái ra đời
Chị lần tìm các địa chỉ chữa vô sinh để tới. Hàng xóm, bạn bè ai mách nước chỗ nào có thầy lang tốt, bác sĩ giỏi chị chẳng bỏ qua. Nhà ở ngoại thành Hà Nội cách trung tâm gần 40 cây số, có những ngày vợ chồng chị phải thuê nhà để sáng sớm hôm sau đến bệnh viện xếp hàng nộp sổ. Lần xét nghiệm đầu tiên, tờ kết quả của chị thông báo: chị bị tắc vòi trứng đồng nghĩa với việc có con sẽ khó thành.
Chị ngồi khóc ngay tại sảnh bệnh viện. Anh nước mắt lưng chòng nhưng vẫn cố động viên “còn nước còn tát”. Anh bảo chị, sẽ dốc hết vốn liếng của cả 2 vợ chồng chắt bóp được khi ở bên Nga để có con, chị không được tuyệt vọng. 3 năm ngoài Bắc, anh cần mẫn chở chị khắp các nơi, khắp các bệnh viện lớn nhỏ để làm thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bất thành. Chẳng biết bao nhiêu lần chuyển phôi, chọc trứng lại bị ối dịch rồi thất bại.
Người họ hàng xa của chị trong Nam thương các cháu long đong cầu cạnh khắp các nơi để chữa trị nên gọi vợ chồng chị vào đó chữa may ra thì có cơ hội. Anh chị như mở cờ trong bụng, lại một tia hy vọng nữa được nhen nhóm. Chị chuẩn bị đồ đạc, quần áo và cả tiền bạc để vun vén vào Nam, dốc lòng dốc sức. 2 năm vào Nam là những tháng ngày mệt mỏi với hai vợ chồng, hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì thất vọng đã tràn trề. Mỗi lần chuyển phôi ối dịch của chị nhiều và lại đau đớn thêm một lần nữa để chọc hút. Tháng trước hút dịch lại đằng đẵng mong chờ cho đến tháng sau để thực hiện chuyển phôi vào tử cung. Lần nào cũng nguyên 1 cảm giác: hồi hộp lo lắng và rồi tuyệt vọng.
1 năm đầu tiên, số tiền vài trăm triệu ki cóp dần cạn kiệt cho việc chạy chữa. Bao nỗ lực nhưng kết quả vẫn là con số 0. Anh chị ôm nhau khóc trong chán nản và có ý định về Bắc. Bởi ở trong Nam số tiền vài trăm triệu đã hết, anh chị trắng tay mà vẫn không kết quả. Anh điện thoại vay mượn ở quê gửi tiền vào. Năm 2012, anh chị thực hiện ca cấy ghép cuối cùng và may mắn đã mỉm cười với lần “chót” này. Ngày chị nhận tờ thông báo kết quả có thai, nước mắt vợ chồng chị nhạt nhòa tờ phiếu. Chị không tin nổi điều kỳ diệu trước mắt. Chị gọi điện khắp nơi về nhà cho ông bà nội ngoại, bố mẹ hai bên thông báo tin vui. Anh chị ngồi cạnh nhau cả đêm thức trắng vì mừng rỡ.
Với chị, bé Nguyễn Duy Gia Hào và bé Nguyễn Thị Bảo Ngọc là tài sản vô giá.
Gian nan giữ con
Hành trình có bầu đã khó, giữ thai còn khó khăn hơn nhiều. Niêm mạc tử cung chị mỏng, những ngày mang bầu, chị không dám đi lại nhiều chỉ quẩn quanh trong 4 bức tường vì sợ sẩy thai. Con đường từ nhà đến viện khám sức khỏe định kỳ có lẽ là cung đường quen thuộc và sợ hãi nhất. Đều đặn mỗi tháng chi phí cho thuốc dưỡng thai hơn 4 triệu đồng. Với mẹ bầu bình thường chỉ cần tẩm bổ chất dinh dưỡng còn chị phụ thuộc rất lớn vào thuốc, nếu thiếu thì không thể giữ lại được các con. 9 tháng chi phí tiền thuốc gần 40 triệu không kể việc ăn uống tẩm bổ bên ngoài cho cả 3 mẹ con. Chị điện về quê, nhờ họ hàng vay mướn thêm gửi tiền vào Nam trợ giúp.
Ngày sinh con, sức khỏe và tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Chị như giáp ranh với cái chết. Sức khỏe chị yếu lại mang thai đôi nên nguy hiểm. Chị làm phẫu thuật sinh mổ không có khả năng đẻ thường. 2 con chào đời: 1 trai, 1 gái. Bé lớn Nguyễn Duy Gia Hào nặng 3,1 kg, bé gái Nguyễn Thị Bảo Ngọc (nặng 2,1 kg). Hạnh phúc chưa kịp cảm nhận hết thì cũng là lúc tim anh Thắng đứng lại vì thông báo chị mất máu quá nhiều. Lại thêm 1 lần hoảng hốt nữa. Anh thấy vợ nằm lọt thỏm giữa giường bệnh mà rụng rời chân tay. Anh không dám tưởng tượng điều nghiệt ngã nữa sắp ập xuống gia đình. Máu được xét nghiệm, tức tốc chuyển vào phòng cho chị truyền dịch và may mắn nguy kịch trôi qua.
Hơn 2 tuần sau khi sinh con, chị vẫn nằm và hạn chế đi lại. Anh đảm nhiệm việc chăm con thay chị. Vợ yếu, 2 đứa con khóc ngặt lại neo người trông. Anh hết chạy chỗ này phục vụ cơm nước cho vợ lại qua chỗ kia pha sữa dỗ dành con. Khổ một nỗi 2 con sinh đôi, cứ đứa này khóc đứa kia lại khóc theo, anh như quay cuồng giữa một mớ hỗn loạn: sữa, bỉm và tã.
1 tháng 20 ngày, anh chị đưa các con về ngoài Bắc. Ngày về cả gia đình anh chật kín người đến chơi, chúc phúc. Mẹ già hơn 70 tuổi đứng đợi các con, các cháu từ đầu làng. Bà mong chờ phút giây cả nhà đoàn viên như thế này suốt 2 năm qua, không nguôi mong nhớ.
5 năm chữa trị vô sinh anh chị trắng tay về kinh tế nhưng bù lại tài sản vô giá nhất mà cả 2 có được là những đứa con. Giờ hai bé Gia Hào và Bảo Ngọc đã hơn 1 tuổi và trộm vía rất cứng cáp. Anh lại vay mượn thêm tiền để kinh doanh, chị vừa chăm con vừa phụ giúp chồng. Ước mơ giản dị mà anh chị từng thủ thỉ với nhau từ những ngày ở bên Nga đã trở thành hiện thực…