Những cơn ho khi mang thai ít nhiều đều khiến mẹ bầu thấy mệt mỏi và mất sức. Vậy liệu bà bầu bị ho có ảnh hưởng đến thai nhi?
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ trở nên yếu hơn rất nhiều do sức đề kháng bị suy giảm, chị em dễ “nhạy cảm” với các loại vi-rút, vi khuẩn, đặc biệt là khi môi trường sống hiện nay ngày càng ô nhiễm.
Chính bởi vậy, khi có các dấu hiệu bất thường nảy sinh trong thai kỳ đều khiến chị em lo lắng. Bà bầu bị ho có ảnh hưởng đến thai nhi không cũng là băn khoăn của nhiều người.
Ho nhiều khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi?
Ho là một triệu chứng của rất nhiều căn bệnh với nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, khi bị ho chị em thường nghĩ ngay tới việc bị viêm đường hô hấp, cảm cúm, cảm lạnh… hay gặp ở mẹ bầu.
Mỗi lần ho, dù nặng hay nhẹ, cả cơ thể của mẹ sẽ đều rung chuyển và thai nhi cũng chuyển động theo. Những cơn ho mạnh, kéo dài đôi khi khiến mẹ bầu có cảm giác bị căng cứng bụng. Các chuyên gia khuyên rằng, khi bị ho mà chị em không thể kiềm chế được, cách tốt nhất là dùng tay đỡ bụng dưới, bạn sẽ thấy thoải mái hơn vì có cảm giác bé yêu được bảo vệ.
Mẹ bầu ho nhiều, ho nặng có thể gây ra co thắt tử cung khiến thai nhi bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa)
Mặc dù vậy, mẹ bầu cũng không nên chủ quan khi những cơn ho không có dấu hiệu thuyên giảm. Khi ho nhiều sẽ tác động tới tử cung, gây ra các cơn co thắt, khiến mẹ bầu có khả năng bị dọa sảy, sảy thai, sinh non,…Nếu ho nhiều trong 3 tháng đầu mang thai có thể gây nguy hiểm cho thai nhi vì lúc nào bé chưa phát triển ổn định.
Việc ho nhiều cũng khiến mẹ bầu thấy mệt mỏi, ngủ không ngon giấc. Vào cuối thai kỳ, khi bé yêu đã khá lớn, khi mẹ ho có thể sẽ xuất hiện tình trạng són tiểu không kiểm soát, rất khó chịu. Do vậy, chị em mang bầu khi bị ho, tùy vào mức độ, nguyên nhân bị ho cần điều trị, tránh để kéo dài gây biến chứng nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ.
Khi bị ho, mẹ bầu có thể dùng tay đỡ bụng dưới như một cách trấn an, bảo vệ thai nhi (Ảnh minh họa)
Bà bầu bị ho cần lưu ý gì?
- Khi bị ho, việc đầu tiên mẹ bầu cần nhớ là không được tự ý sử dụng các loại thuốc, kể cả thuốc tây hay thuốc nam khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Còn nếu đã được chỉ định sử dụng thuốc ho dành cho phụ nữ mang thai, chị em cần tuân thủ uống thuốc đúng liều, khám lại định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả.
- Nếu ho không kèm theo dấu hiệu sốt, đau tức ngực, có đờm, khó thở thì không nhất thiết phải uống thuốc. Mẹ bầu có thể sử dụng một số phương pháp dân gian chữa ho cho bà bầu an toàn như uống nước mật ong chanh đào, trà gừng mật ong, uống nước củ cải trắng…
- Mẹ bầu bị ho thường rất mệt mỏi vì vậy cần được nghỉ ngơi nhiều, tránh tiếp xúc, đến nơi đông người. Sử dụng khẩu trang y tế mỗi khi ra ngoài.
- Súc miệng nước muối sinh lý hàng ngày, kết hợp vệ sinh tai, mũi để tránh biến chứng chéo.
Mật ong chanh đào có tác dụng giảm ho, đau rát họng hiệu quả và an toàn cho mẹ bầu (Ảnh minh họa)
- Bổ sung các loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu vitamin C để tăng đề kháng cho cơ thể. Chị em có thể chuyển sang ăn các món ăn dạng nước như cháo, súp, hầm… vừa dễ nuốt lại tốt cho hệ tiêu hóa.
- Bà bầu bị ho dai dẳng trên 3 tuần không khỏi, có dấu hiệu sốt, có đờm đặc xanh vàng, ho ra máu cần đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi, viêm phế quản, lao… nên không thể coi thường.
>> XEM TIẾP: Mang bầu, bà mẹ nào cũng phải thận trọng với những căn bệnh thường gặp này!
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |