Việc nắm bắt và phòng ngừa những căn bệnh hường gặp sẽ giúp mẹ và bé khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.
Các bệnh thường gặp khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Dưới đây là 10 bênh thường gặp khi mang thai mẹ bầu nên biết để phòng ngừa và có biện pháp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu mắc bệnh.
1. Thiếu máu
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai chủ yếu là do thiếu sắt. Thiếu máu ở phụ nữ khi mang thai nếu nhẹ thì không có vấn đề gì nhưng nặng sẽ đặc biệt nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản… Ngoài ra, nếu có xuất huyết hậu sản sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ.
Thiếu máu do thiếu sắt có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và bé. (Ảnh minh họa)
Hơn thế nữa, mẹ thiếu máu dễ sinh con thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai và tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Đặc biệt, con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ còn có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.
Để dự phòng thiếu sắt, phụ nữ mang thai nên chú ý tăng cường sắt từ những thực phẩm có màu đỏ, cá, trứng, rau có màu xanh đậm hoặc các chế phẩm bổ sung sắt vào cơ thể.
2. Tiểu đường
Tiểu đường cũng là bệnh khá nghiêm trọng đối với các phụ nữ mang thai. Các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường bao gồm mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần… nên rất khó khăn trong việc chẩn đoán.
Nếu bị tiểu đường thai kỳ, bà bầu cần được theo dõi kỹ để được hướng dẫn chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều trái cây, rau xanh, giảm bớt lượng đường, béo và muối. Và điều trị thuốc nếu không thể điều chỉnh đường huyết bằng chế độ ăn làm giảm nguy cơ cho mẹ và thai nhi.
3. Cảm cúm
Do sức đề kháng của phụ nữ mang thai thường giảm nên dễ bị nhiễm siêu vi gây bệnh cảm cúm. Phụ nữ mang thai nếu bị cảm cúm nên ăn nhiều tỏi, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh để nâng cao hệ miễn dịch. Đặc biệt không được uống thuốc cảm cúm bừa bãi mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ là do uống thuốc cảm cúm khi mang thai.
Khi bị cảm cúm, mẹ bầu không nên tự ý uống thuốc. (Ảnh minh họa)
4. Táo bón
Hơn 50% thai phụ thường gặp rắc rối vì táo bón. Trong thời kì mang thai, chị em ít vận động, hơn nữa, nồng độ hormone progesteron trong máu tăng lên làm giảm nhu động ruột, thai phát triển gây chèn ép đại tràng khiến phân chậm di chuyển. Những chất bổ dưỡng, các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể cũng là nguyên gây ra táo bón ở các bà bầu.
Để ngăn ngừa bệnh táo bó, khi mang thai, thai phụ nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả…
5. Chuột rút
Đây là triệu chứng cơ bắp co thắt khiến mẹ bầu rất đau, thường xảy ra ở bắp chuối chân và bàn chân, đặc biệt là vào ban đêm. Bắt đầu cơn đau bằng triệu chứng cẳng chân duỗi đơ ra và các ngón chân quắp xuống. Theo nghiên cứu thì bệnh này xảy ra ở thai phụ thường là do cơ thể thiếu canxi.
Xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân và bàn chân bị co rút sẽ giúp các bà bầu có cảm giác thoải mái hơn, sau đó đi dạo một vòng để máu lưu thông tốt hơn. Khám bệnh để bác sĩ bổ sung thêm canxi và vitamin D.
Chuột rút là vấn đề khiến nhiều mẹ bầu mất ngủ. (Ảnh minh họa)
6. Chảy máu nướu răng
Mang thai khiến sức đề kháng của mẹ bầu giảm sút, lúc đó nướu răng sẽ mềm và rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, cao răng tích tụ ở chân răng cũng có thể gây đau nhức từ đó dẫn đến các bệnh như viêm nha chu, chảy máu chân răng…
Để phòng tránh tình trạng này, các bà bầu nên dùng chỉ nha khoa và đánh răng kỹ sau khi ăn. Nên đến nha sĩ để được tư vấn, bổ sung một số dưỡng chất cần thiết có lợi cho răng.
7. Viêm âm đạo do nấm
Một căn bệnh thường gặp khác ở phụ nữ mang thai là viêm âm đạo do nấm. Nếu mej bầu thấy âm đạo có nhiều dịch váng đục như sữa đông, cảm giác ngứa ngáy khó chịu, đau rát cần đến bác sĩ để khám và điều trị ngay. Nếu kéo dài tình trạng viêm nhiễm này sẽ khiến mẹ dễ sinh non và sảy thai.
8. Viêm cầu thận
Bệnh gây tổn thương đến tiểu cầu thận, diễn tiến chậm và người bệnh bị viêm cầu thận thường có biểu hiện là chân bị phù, giảm chức năng thận, huyết áp tăng cao, tiểu ra máu… Các xét nghiệm có chỉ số như albumin niệu, creatinin và ure trong máu đều cao. Khi mang thai nếu thai phụ bị viêm cầu thận ở thể nặng có thể làm cho nhau thai và cuống nhau bị teo nhỏ, sẽ gây thai suy dinh dưỡng, sẩy thai, thai chết lưu.
Chân bị phù có thể là biểu hiện mẹ bầu bị viêm cầu thận. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên nếu bị viêm cầu nhẹ, thai phụ vẫn có thể mang thai bình thường nhưng cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để tránh bệnh tiến triển nặng gây những biến chứng không tốt đến sức khoẻ của bà mẹ và thai nhi.
9. Viêm gan siêu vi B
Đây là một trong những bệnh lây truyền từ mẹ sang con khá nguy hiểm vì nếu bị nhiễm bệnh từ mẹ, em bé sinh ra có nguy cơ 70 – 90% chuyển sang mãn tính, xơ gan, ung thư gan. Do đó, cách bảo vệ tốt nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sớm đi tiêm vaccine phòng viêm gan B để bảo vệ cho sức khoẻ bà mẹ cũng như có một thai kỳ khoẻ mạnh.
Tuy nhiên, nếu không may bị nhiễm viêm gan siêu vi B thì khi có thai, tuỳ vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể để bảo vệ em bé trong suốt quá trình thai kỳ và các biện pháp tiêm phòng ngay khi em bé mới được sinh ra.
10. Trầm cảm
Trầm cảm thường xảy ra khi mẹ mang bầu không theo kế hoạch. Triệu chứng thường gặp là buồn chán, mất ngủ, mất năng lượng. Hậu quả cho mẹ là tăng trọng lượng kém, nghiện thuốc, nghiện rượu, có ý định tự tử. Hậu quả cho thai nhi là suy dinh dưỡng, sanh non, chậm phát triển trí não. Vì vậy thai phụ cần được khám chuyên khoa để được theo dõi và điều trị.
>> XEM TIẾP: Mẹ suýt đẻ non vì coi thường căn bệnh rất nhiều bà bầu hiện đại mắc phải
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |