Bà bầu có phải kiêng uống cà phê không?

Ngày 04/01/2023 21:00 PM (GMT+7)

Ngay khi có kết quả thử thai dương tính, nhiều chị em mê cà phê thường tự hỏi liệu có thể tiếp tục uống cà phê vào mỗi buổi sáng hay không, nhất là khi bạn cảm thấy bắt đầu mệt mỏi do thai nghén. Vậy, câu trả lời là có hay không?

1. Cà phê ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thai kỳ?

Đối với nhiều người, uống cà phê không chỉ là sự thưởng thức hương vị tuyệt vời mà nó còn là thức uống không thể thiếu giúp duy trì năng lượng cho một ngày bận rộn.

Vậy khi mang thai, bà bầu có phải kiêng uống cà phê không và cà phê có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thai kỳ?

Caffeine là một chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong cây trà, cà phê, cacao... Sử dụng caffeine giúp tăng cường năng lượng, sự tỉnh táo, tuy nhiên, nếu lạm dụng nó cũng có những tác hại nhất định.

Các nghiên cứu cho thấy, một chút cà phê sẽ không gây hại cho em bé trong bụng mẹ nhưng uống quá nhiều có thể gây hại.

Uống quá nhiều cà phê không tốt phụ nữ mang thai.

Uống quá nhiều cà phê không tốt phụ nữ mang thai.

Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, khi bạn đang mang thai, caffeine sẽ đi qua nhau thai và đến bào thai. Vì cơ thể của em bé vẫn đang phát triển nên gan, não và hệ thần kinh chưa trưởng thành và không thể xử lý caffeine giống như cách mà một người trưởng thành có thể làm. Vì vậy, tiêu thụ hơn 200 miligam caffeine mỗi ngày có thể gây rủi ro ảnh hưởng đến cả em bé và sức khỏe của bà mẹ trong suốt thai kỳ.

Tiêu thụ quá nhiều caffein làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc nguy cơ sinh con nhẹ cân. Nó cũng có thể gây ra tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe cho bà bầu như: căng thẳng, mất ngủ và có thể làm cho chứng ợ nóng trở nên tồi tệ hơn đối với một số người.

Caffeine làm tăng sản xuất cortisol có thể kích hoạt hệ thống phản ứng căng thẳng của cơ thể. Nó có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe nếu phản ứng căng thẳng này kéo dài. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự căng thẳng của người mẹ khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự điều tiết cảm xúc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tiêu thụ caffein cũng có liên quan đến việc tăng huyết áp nhẹ và tạm thời. Điều này cần chú ý hơn ở những người không thường tiêu thụ caffeine (hoặc cơ thể họ không quen với nó.)

Uống cà phê giúp bạn tỉnh táo, nhưng chính tác dụng đó lại có thể cản trở giấc ngủ, khiến bạn khó ngủ và trằn trọc vào ban đêm. Đặc biệt, cùng với những cảm giác khó chịu, mệt mỏi khi mang thai thì sử dụng cà phê khiến nhiều người càng mất ngủ.

2. Phụ nữ mang thai có uống được cà phê không và nên uống bao nhiêu?

Theo BSCKI Trần Thị Hiếu, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng tiết chế, BVĐK khu vực Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, caffeine là một thành phần có trong nhiều loại đồ uống và thực phẩm, đặc biệt là cà phê. Ngoài ra thì trà, nước ngọt, nước tăng lực, một số loại thực phẩm, thuốc... cũng chứa caffeine. Vì vậy có thể khó tránh được caffeine hoàn toàn. Rất may, bạn không phải lo lắng quá nhiều về việc uống một lượng nhỏ caffeine mỗi ngày trong thời kỳ mang thai. Điều quan trọng là phải theo dõi lượng caffeine bạn tiêu thụ khi mang thai.

Caffeine nếu dùng với lượng vừa phải, nó có thể tăng cường năng lượng, trí nhớ và hiệu suất tập luyện... Nhưng nếu lạm dụng, sử dụng quá nhiều hoặc không đúng cách có thể gây lo lắng, bồn chồn, mất ngủ…

Vì vậy, đối với người trưởng thành không nên sử dụng quá 400 miligam mỗi ngày. Đối với phụ nữ mang thai tuy không cần thiết phải kiêng uống cà phê nhưng cần hạn chế hạn chế tổng lượng caffeine nạp vào dưới 200 miligam mỗi ngày.

Caffeine có thể ảnh hưởng đến cơ thể trong vòng 6 giờ sau khi sử dụng. Do đó, nên tránh dùng caffeine vào buổi chiều và buổi tối nếu bạn nhận thấy nó có ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp, tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ… thì không nên uống, vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé.

Bà bầu không nhất thiết phải kiêng uống cà phê nhưng nên hạn chế dưới 200 miligam mỗi ngày.

Bà bầu không nhất thiết phải kiêng uống cà phê nhưng nên hạn chế dưới 200 miligam mỗi ngày.

3. Tham khảo lượng caffeine trong một số loại đồ uống

Caffeine có thể được tìm thấy trong những thực phẩm sau và số lượng có thể thay đổi theo nhãn hiệu và cách pha chế:

1 lon nước ngọt: 40mg

1 cốc trà: 75mg

1 lon nước tăng lực 250ml: 80mg

1 cốc cà phê hòa tan: 100mg

1 cốc cà phê đen: 140mg

1 cốc sôcôla nóng: 9mg

Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, khi mang thai bà bầu cần chú ý chế độ ăn uống và lưu ý theo dõi hàm lượng caffeine trong các loại đồ uống và thực phẩm ăn vào. Cách tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về mức caffeine tiêu thụ hợp lý tùy tình trạng sức khỏe.

Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu tốt cho sự phát triển của thai nhi
Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu trong 3 tháng đầu rất...

Dinh dưỡng thai kỳ

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ