Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu trong 3 tháng đầu rất quan trọng
Khi mang thai, nhu cầu về dinh dưỡng của cơ thể người phụ nữ tăng lên. Hầu hết mẹ bầu đều có thể đáp ứng được nhu cầu đó bằng cách ăn đa dạng, nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhất là trong 3 tháng đầu.
1. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
- Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu hình thành các bộ phận như não, tim, phổi, gan...Thế nên đây là giai đoạn hết sức quan trọng. Việc tăng cường các chất dinh dưỡng sẽ giúp mẹ khỏe mạnh và thai nhi phát triển bình thường.
- Nguồn dinh dưỡng từ mẹ giúp nuôi dưỡng thai nhi mỗi ngày. Vì thế, mẹ bầu cần phải được cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết.
- Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp mẹ bầu tăng từ 1-2kg trong 3 tháng đầu khi mang thai. Ngoài ra, nó sẽ tạo tiền đề để thai nhi phát triển tốt trong 6 tháng tiếp theo.
2. Các chất dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
Dưới đây là những dưỡng chất quan trọng mà mẹ bầu cần phải được bổ sung đầy đủ trong 3 tháng đầu của thai kỳ:
Bổ sung Protein
Đây là chất rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển của bào thai, đặc biệt là với não bộ của bé. Khi mang thai 3 tháng đầu, người phụ nữ cần được bổ sung 10-18g protein mỗi ngày. Những thực phẩm giàu protein gồm có:
- Thịt bò nạc và thịt lợn.
- Đậu
- Thịt gà
- Cá hồi
- Quả hạch
- Bơ đậu phộng
- Phô mai đã tiệt trùng
Protein đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. (Ảnh minh họa)
Bổ sung Canxi
Mẹ bầu cần chú ý bổ sung canxi mỗi ngày. Canxi giúp hình thành hệ xương và làm cho răng bé chắc khỏe. Theo Healthline, lượng canxi được khuyến nghị là khoảng 1200 mg mỗi ngày. Trong trường hợp cơ thể không được cung cấp đủ canxi, người mẹ có thể bị đau nhức xương, thai nhi có nguy cơ bị còi xương. Dưới đây là những thực phẩm chứa nhiều canxi:
- Sữa
- Sữa chua
- Cải bắp
- Đậu hũ
- Trứng
- Bánh pudding
Bổ sung Folate (axit folic)
Chất này vô cùng quan trọng vì nó sẽ góp phần vào việc giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Loại dị tật bẩm sinh này sẽ ảnh hưởng lớn đến não và tủy sống của bé, chẳng hạn như bị tật nứt đốt sống hoặc các bệnh về não. Mẹ bầu cần khoảng 600-800 microgam axit folic mỗi ngày. Một số thực phẩm có nhiều folate là:
- Gan
- Đậu khô, đậu lăng
- Trứng
- Các loại hạt và bơ đậu phộng
- Những loại rau lá xanh
Bổ sung Sắt
Sắt kết hợp với natri, kali và nước sẽ làm tăng lưu lượng máu. Điều này giúp đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai cần 27mg sắt mỗi ngày. Những loại thực phẩm giàu sắt gồm có:
- Các loại rau có màu xanh đậm
- Trái cây có múi
- Thịt bò nạc, thịt gia cầm
- Trái cây sấy
Mẹ bầu 3 tháng đầu nên tăng cường các thực phẩm chứa nhiều sắt. (Ảnh minh họa)
Bổ sung Vitamin C
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, vitamin C giúp bé phát triển xương sụn, cơ khớp và mạch máu. Để tăng cường vitamin C, mẹ bầu nên tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây như bưởi, cam, quýt...
Bổ sung Vitamin D
Để giúp cho hệ xương của thai nhi phát triển, hỗ trợ hấp thu canxi được tốt hơn, mẹ bầu nên tắm nắng một cách hợp lý và đúng cách để tăng cường vitamin D.
3. Những lưu ý về dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
Ngoài những kiến thức về các chất dinh dưỡng cần thiết trong thời gian này của thai kỳ, mẹ bầu cũng nên chú ý một số điều như sau:
- Chia thành 6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính.
- Mẹ nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, tránh uống nước trong bữa ăn để tiêu hóa được tốt hơn.
- Để hạn chế tình trạng nghén, bà bầu không nên ăn những đồ có nhiều chất béo. Ngoài ra cũng có thể ăn nhẹ các loại bánh quy mặn, hạt, ngũ cốc, trái cây sấy khô ít đường...
- Chỉ ăn những thực phẩm đã được nấu chín.
- Không nên ăn đồ ăn nhanh vì nó chứa nhiều calo và ít chất dinh dưỡng.
- Uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày.
Một chế độ ăn uống hàng ngày cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu cần phải uống bổ sung vitamin trước khi sinh thì bà bầu phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để không làm ảnh hưởng tới thai nhi.