Khi thấy bác sĩ nam định khám âm đạo cho vợ mình, người chồng đã kiên quyết ngăn lại và yêu cầu bác sĩ nữ.
Các bác sĩ nam làm việc trong ngành sản phụ khoa không phải điều hiếm gặp. Thậm chí, số lượng bác sĩ nam đang ngày càng tăng lên do công việc này đòi hỏi người có sức khỏe tốt, khả năng tập trung cao và thời gian nghiên cứu lâu dài. Tuy nhiên, đôi khi các bác sĩ nam cũng gặp phải không ít tình huống oái oăm khi khám và đỡ đẻ cho chị em phụ nữ. Câu chuyện "phòng sinh lúc nửa đêm" do nữ y tá Tiểu Hồng (làm việc tại một bệnh viện sản khoa ở Trung Quốc) dưới đây là một ví dụ.
Câu chuyện bắt đầu khi một phụ nữ mang thai tên Tiểu Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi) cùng chồng đến phòng cấp cứu của khoa sản trong đêm. Ngày hôm đó có hai bác sĩ trực là nam bác sĩ họ Bái và nữ bác sĩ họ Mã.
Tuy nhiên, bác sĩ Mã đang trong phòng mổ lấy thai nên người khám cho Tiểu Hoàng là bác sĩ Bái. Và câu chuyện rắc rối cùng bắt đầu từ đây.
Khi thấy bác sĩ nam trực, chồng sản phụ nhất quyết không cho khám trong.
"Sao lại để cho một bác sĩ nam khám cho vợ tôi", chồng của sản phụ lên tiếng.
Bác sĩ Bái vẫn bỏ ngoài tai và tiến hành siêu âm, đo tim thai và xem xét hồ sơ sinh của bệnh nhân. Khi nghe nhịp tim thai, bác sĩ phát hiện tim thai yếu, chỉ còn khoảng 40-50 nhịp/phút kết hợp với việc sản phụ đang rò ối nên nghi ngờ sa dây rốn và yêu cầu khám trong.
"Không", người chồng lập tức phản đối. "Tại sao ông lại muốn khám bộ phận kín của vợ tôi. Không khám có được không?", anh này nói thêm.
Bác sĩ Bái lập tức giải thích ông cần khám trong để xác định kích thước và hình dáng xương chậu cũng như độ mở của cổ tử cung xem có thể sinh thường được không. Ngoài ra, tim thai đang yếu nên bác sĩ nghi ngờ có nguy cơ sa dây rốn hoặc nước ối bị ô nhiễm.
"Nhưng ở đây có bác sĩ nữ mà, tôi muốn chờ bác sĩ nữ đến khám", anh chồng tiếp tục nói. Khi y tá cho biết bác sĩ Mã đang bận mổ và sản phụ này thì cần được kiểm tra gấp thì anh này lại đòi vào phòng khám trong cùng vợ.
"Không được, chúng tôi có quy định khi khám phụ khóa, người nhà bệnh nhân không được vào. Tất nhiên, trong quá trình kiểm tra luôn có nữ y tá, anh có thể yên tâm. Tình hình đang rất nguy hiểm rồi, nếu có vấn đề gì xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm?", nữ y tá giải thích.
Cuối cùng chồng sản phụ cũng đồng ý. Vừa vào phòng khám, bác sĩ Bái đã hốt hoảng khi sờ thấy một phần dây rốn đang sa thấp xuống âm đạo. Tiểu Hoàng lập tức được đẩy sang phòng mổ.
Điều khiến nhiều người bức xúc hơn là khi y tá thông báo tình hình. Chồng sản phụ lại hỏi ngay: "Sao lại sa dây rốn được? Có phải do bác sĩ khám trong không?"
"Không có thời gian giải thích. Anh mau cho chữ ký để mổ cho vợ", y tá không biết nói gì thêm.
Nếu chậm một chút nữa, hai mẹ con Tiểu Hoàng có thể gặp nguy hiểm.
Tiểu Hoàng nhanh chóng được gây tê cục bộ và mổ lấy thai khẩn cấp. Chỉ 4 phút sau, em bé đã chào đời khỏe mạnh, nặng 2,8kg và tính mạng của mẹ cũng được an toàn. Cả kíp mổ thở phào nhẹ nhõm vì muộn một chút nữa thôi, em bé có thể bị ngạt và mẹ thì xuất huyết nghiêm trọng.
Sau khi nghe tin hai mẹ con đã an toàn, chồng Tiểu Hoàng nói: "Tôi cảm ơn vì các bác sĩ đã mổ thành công cho vợ con tôi. Nhưng bây giờ tôi muốn một lời giải thích rõ ràng, vợ tôi bị sa dây rốn, phải mổ gấp có phải do bác sĩ nam kia đã khám trong không?"
Lúc này, bác sĩ Mã, trưởng khoa sản bệnh viện đứng ra giải thích: "Sa dây rốn có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng việc khám âm đạo không nằm trong số đó. Nếu bác sĩ Bái không kiểm tra và phát hiện kịp thời thì hậu quả đã không lường được. Nếu anh còn thắc mắc có thể tìm hiểu và yêu cầu tra xét quá trình làm việc của chúng tôi".
Ngày hôm sau, khi bác sĩ Bái đến kiểm tra cho em bé, bà mẹ mới sinh chỉ biết xấu hổ nói: "Cảm ơn bác sĩ đã cứu mạng tôi và con, mong ông bỏ qua cho chồng tôi. Anh ấy là người cổ hủ và phong kiến. Tôi hiểu nếu ông không can thiệp kịp thời, hai mẹ con tôi đã không qua khỏi".