Là một người mẹ khiếm khuyết với đôi chân tật nguyền sau một lần tai nạn, chị Hải vẫn là một bà mẹ hoàn hảo trong mắt con trai với nghị lực phi thường ít ai có được.
Mang bầu, làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, nhưng làm mẹ với một cơ thể lành lặn đã khó, với người khuyết tật điều đó còn khó hơn gấp trăm vạn lần.
28 tuổi, chị Đặng Thị Hải (Nam Định) chọn làm mẹ đơn thân của một cậu bé 3 tuổi - Đặng Hoàng Gia Bảo. Chị Hải cũng như tất cả những bà mẹ trên thế gian này, yêu con bằng tình thương bình thường nhưng phi thường vì cả 2 chân chị đều không cử động được do một lần tai nạn 11 năm về trước.
Chị Hải bị tật 2 chân vì một vụ tai nạn 11 năm về trước.
Chị kể, 3 năm trước, cũng là tròn 8 năm bị tai nạn - trở thành người khuyết tật chị quyết định làm mẹ đơn thân trong sự chúc phúc của cả gia đình dù còn nhiều chông gai. Hiếm có cô gái nào quyết định thành single mom mà được ủng hộ nhiều như chị bởi có những lý do chỉ ai trong hoàn cảnh khuyết thiếu thân thể mới hiểu được.
“Biết tin có con, mẹ hạnh phúc vô bờ”
Hành trình mang bầu của chị tuy vất vả nhưng cũng thật vui và hạnh phúc. Có con đối với người như chị là một điều vô cùng kì diệu.
“Biết con đến bên mình hạnh phúc vô bờ. Nhưng lúc mang bầu ai nhìn thấy cũng lo lắng. Mẹ mình bảo "người bình thường mang bầu đã khổ, mày ngồi xe lăn đến khi bụng to làm sao chịu nổi". Nhưng rồi chị vẫn cố vui vẻ an ủi mẹ con không sao, con khỏe thế này cơ mà.
May mắn, từ ngày mang bầu sức khỏe mình lại tốt lên, vẫn phụ giúp được bố mẹ. Ngày nào cũng tất bật cơm cháo, lợn gà, rồi dọn dẹp nhà cửa. Chỉ làm mỗi việc nhà thôi nhưng cũng bận rộn cả ngày, vì đi xe lăn nên làm việc lâu hơn bình thường. Tuy mệt tí nhưng mà vui, người thường thì muốn nghỉ ngơi nhưng đối với những người khuyết tật được lao động là hạnh phúc lắm”, chị hạnh phúc kể lại.
Có con với chị là điều kì diệu không từ ngữ nào kể xiết.
3 năm trôi qua, chị vẫn nhớ như in những ngày đầu mang bầu. Có lẽ trời thương chị khó nhọc nên dù lần đầu làm mẹ chị vẫn rất khỏe, không biết nghén là gì, lúc nào cũng thèm cơm như bị bỏ đói.
Chị còn nhớ, có lần không may bị trượt tay ngã xuống đất lúc từ giường sang xe lăn, hai ngày sau con không đạp chỉ gò bụng nhưng không dám nói với ai sợ cả nhà lo lắng. “Cũng may ông trời thương nên con không sao”.
Ca sinh thường hi hữu khiến cả viện xôn xao
Đến tuần 39 đi khám định kì thì chị Hải ra máu báo, nên nhập viện luôn. Nhưng nằm viện một ngày, một đêm vẫn không có dấu hiệu sinh, mẹ chị bị cao huyết áp không thể ở viện lâu nên lại xin cho chị về nhà theo dõi.
“Đến tối mùng hai mình bị đau đầu tưởng tụt huyết áp mẹ pha cho cốc nước gừng uống rồi đi ngủ, suốt đêm buốt cửa mình và buốt lưng, lại tưởng bị đau sỏi. Mình bị sỏi bàng quang thi thoảng vẫn đau như thế”.
Cái gì tới cũng phải tới, “sáng ngày 3/5 chị gọi y tá đến khám thì mới bất ngờ phát hiện cửa mình đã mở 3 phân. Thuê xe lên đến viện đã mở hết 10 phân. Thế nhưng, bác sĩ không cho đẻ vì mẹ yếu, chân không cử động được, tử cung cao chưa tụt, thai to nên chỉ định mổ”, chị Hải kể.
Có lẽ trời thương chị nhiều nên từ khi mang bầu tới lúc sinh không gặp nhiều trở ngại.
Lúc này chị mới nhớ ra, một năm trước bị áp xe hai mông phải điều trị ở viện, lúc truyền thuốc bị sốc thuốc, nằm hồi sức cấp cứu mấy tiếng mới tỉnh. Khi kể cho bác sĩ trực hôm đó nghe thì bác sĩ không dám mổ phải gọi trưởng khoa xuống hội chuẩn.
“Khi bác trưởng khoa xuống kiểm tra tử cung mở hết. Nên mắng ê kíp trực tại sao tử cung mở hết không bấm ối cho người ta đẻ. Mẹ mình vừa làm xong thủ tục mổ, thì mình cũng đẻ xong. Lên viện lúc 7h30p thì 8h5p con chào đời nặng 3,2 kg.”
Không như các mẹ khác, đẻ xong vật vã, mệt mỏi thậm chí không thể tự đứng tự đi, chị Hải có lẽ là trường hợp đặc biệt khi vừa vượt cạn mà không biết mệt là gì vẫn nói chuyện với bác sĩ như thường.
“Sinh xong mẹ tròn con vuông, bác sĩ gọi bà ngoại vào đón cháu cục vàng đấy, tiền tỉ cũng chẳng mua được đâu”, chị nói trong tự hào.
“Mình là ca sinh đặc biệt nên đẻ xong cả khoa sản ngạc nhiên, mọi người đều mừng nên đến chơi đông lắm. Chắc sẽ là sự kiện lạ cho các bà, các mẹ ngồi tâm sự với nhau.
Thấy nhiều người đến thăm hỏi, mình thấy lạ thì mẹ nói đều là các cô, bác đi chăm bệnh nhân đến thăm con. Dù là được người lạ quan tâm thôi mà chị cũng cảm thấy sao ấm lòng".
Tật 2 chân vẫn sinh thường khỏe re, chị trở thành sự kiện hot của hoa sản khi đó.
Những tháng ngày "héo mòn" vì nuôi con nhưng vẫn hạnh phúc tràn đầy
Nằm viện 1 ngày thì chị Hải được xuất viện, nhưng mới về nhà được hai hôm bị tắc sữa, có hiện tượng áp xe ngực.
“Khổ đã là người đặc biệt rồi đến tia sữa cũng đặc biệt. Mình có hai tuyến vú phụ ở nách, nên bị tắc đau dã man. Đau sốt làm đủ mọi cách mà không khỏi 4h sáng phải để con ở nhà rồi đi viện. Lên đến viện thì bác sĩ bảo phải bế cả con lên. Vậy là đến sáng cô ở nhà bế con lên cho. Cũng may đi viện kịp thời nên không bị áp xe.
Lúc mang bầu mọi người cứ bảo tiêm kháng sinh nhiều thế lấy đâu ra sữa cho con ti. Nhưng mà khi sinh song sữa về miên man, nên bị tắc sữa thường xuyên. Chắc là tốt sữa nên con tăng cân đều, 3 tháng đầu mỗi tháng tăng 1,6 kg. Những tháng sau vẫn tăng đều 1,2 kg rồi giảm dần xuống. Con càng lớn mẹ càng gầy, chăm con mệt mỏi, sữa lại quá nhiều. Ăn bao nhiêu tiết hết ra sữa nên cứ ngất lên, ngất xuống.”, chị nói.
Cho con ti đến tháng thứ 20, bà ngoại bắt cai sữa vì lúc này chị đã gần như kiệt sức, không chịu được. Lúc đấy con được 16,5 kg. Cai xong con sút còn 15 kg. Nhưng trộm vía con được nết ăn uống nên chị cũng đỡ lo phần nào.
Chị cảm ơn vì cuộc đời đã mang con đến với chị.
Nhìn lại chặng đường 3 năm con đến với chị, chị hiểu ông trời không lấy hết của ai cái gì. Cuộc đời không may mắn lấy đi đôi chân, nhưng lại thương nên cho con đến bên chị.
“Người bình thường chăm con đã vất vả lắm rồi, lúc mình mang thai con ai cũng lo lắng. Cứ nghĩ đi nghĩ lại, thương con vì mẹ như thế chăm con sao được. Tuy rằng con cứ ăn ngoan, ngủ ngoan, nhưng mà làm mẹ đơn thân nên nhiều lúc tủi lắm. Lúc con ốm đau, chỉ có một mình, lúc mệt mỏi lo lắng chẳng dám nói cùng ai. Rồi không lo cho con được như các bạn, mình chỉ cố gắng yêu thương con nhiều hơn.”
Từ ngày có con cuộc sống vui và ý nghĩa hơn rất nhiều. Những mệt mỏi chị tự nhủ có con rồi, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua thôi. Thế nên, hơn ai hết, chị thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại.
“Lúc còn nhỏ cứ leo lên xe mẹ ngồi rồi hai mẹ rong ruổi khắp trong nhà ngoài ngõ. Mẹ làm gì cũng có con ríu rít bên cạnh thật là vui. Giờ thì mẹ hạnh phúc hơn chiều chiều con lại cùng mẹ đi chơi, và biết đẩy xe cho mẹ. Biết làm giúp mẹ cái này cái kia. Tuy nhỏ thôi cũng làm mẹ ấm lòng. Chỉ cần mỗi ngày được hò hét bạn ý vài câu là quên hết cả mệt.”
“Niềm vui của mình chỉ nhỏ bé đơn giản vậy thôi. Lúc nào cuộc sống khó khăn, bế tắc mọi người hãy nhớ là ở ngoài kia vẫn còn những mảnh đời bất hạnh hơn mình và vui lên nhé. Rồi khó khăn nào cũng sẽ đi qua, không bằng cách này thì cách khác, hạnh phúc, bình yên sẽ quay trở lại!”, chị nhắn nhủ.