“Nhóm mẹ bầu nguy cơ nghén nặng thì mới phải điều trị, còn nghén sinh lý do sự thay đổi của cơ thể sẽ qua dễ dàng không vấn đề gì.”
Khoảng thời gian đầu mang bầu, những điều kỳ lạ đều có thể xảy ra. Sự thay đổi hormone trong giai đoạn đầu mang thai khiến vị giác mẹ bầu thay đổi đột ngột, nên các giác quan của bà mẹ trở nên nhạy cảm hơn, dễ nảy sinh các phản ứng khác thường đối với những điều rất bình thường của cuộc sống. Do đó, có những mẹ bầu nghén theo cách “chẳng giống ai”.
Video bác sĩ Nguyễn Thị Thủy (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) chia sẻ về cách trị ốm nghén hiệu quả cho mẹ bầu.
Muôn vàn kiểu ốm nghén kỳ lạ
Chị Đỗ Thị Lan ở Hà Nam chia sẻ chị mang thai song sinh hai bé trai, nên nghén nhiều hơn lần mang thai trước. Thời gian đầu chị nhìn thấy cơm nóng là “sợ phát khiếp”.
“Chỉ cần ngửi thấy mùi cơm là mình đã nôn thốc nôn tháo. Vì thế mà mình không ngồi ăn cùng cả nhà, ăn riêng một mâm, mà mâm ấy lại chẳng có cơm, lắm lúc thấy thèm kinh khủng mà không ăn được. May mà tình trạng đó chỉ kéo dài trong khoảng gần 2 tháng. Bây giờ chỉ cần nghe thấy từ “nghén” là đã thấy rùng mình.” - Chị Lan bộc bạch.
Chỉ cần ngửi thấy mùi cơm là chị Lan lại nôn thốc nôn tháo. (Ảnh minh họa)
Chị Lan chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp ốm nghén. Có những bà mẹ sợ mùi tanh của cá, thèm ăn hành sống, đá lạnh. Hay kỳ lạ hơn là thèm ăn giấy vệ sinh, vôi tường, hay gạch non… Bởi vậy mà ốm nghén đã từng khiến rất nhiều bà bầu khổ sở, ám ảnh, chỉ cần nói đến từ "nghén" là phần lớn những người đã làm mẹ đều rùng mình.
Điều trị và chống ốm nghén hiệu quả
Chia sẻ về các phương pháp điều trị chống ốm nghén, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, hiện đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Thường nếu như nghén nhẹ do sự thay đổi của cơ thể thì các bà bầu sẽ trải qua một cách dễ dàng. Còn đối với nhóm nguy cơ nghén nặng sẽ phải điều trị. Ví dụ như nôn nhiều quá, không ăn uống được gì, ảnh hướng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng thì sẽ phải điều trị.”
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy (bệnh viện Phụ sản Trung ương).
Bác sĩ Thủy cho biết thêm nhóm có nguy cơ nghén nặng bao gồm sản phụ hay gặp các bệnh lý về nội tiết như đái tháo đường, rối loạn đường ruột chẳng hạn viêm dạ dày, viêm tái tràng, nhóm đa thai, hoặc thai to. Do đó, những bà bầu thuộc các nhóm trên cần chú ý nhiều hơn.
Điều quan trọng là mẹ thuộc nhóm nghén nhẹ thì sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, còn đối với nhóm nghén nặng, nghén khủng khiếp khiến bà bầu khó chịu, không ăn uống được gì, suy kiệt thì phải đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa để đưa ra những lời tư vấn và điều trị.
“Ở bệnh viện thì chúng tôi gặp khá nhiều, có những bà bầu phải nhập viện để hồi sức, tức là đưa dinh dưỡng vào cơ thể bằng đường truyền dịch hoặc đặt xông dạ dày để nuôi dưỡng. Nghén nặng quá, gầy mòn, suy kiệt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên nếu chúng ta kịp thời bù nước, bù dịch, bù điện giải và kịp thời chăm sóc dinh dưỡng, bé vẫn phát triển bình thường. Nhưng may mắn là với hầu hết các mẹ bầu, hiện tượng nghén chỉ xảy ra trong 3 tháng đầu tiên và khoảng 20 tuần hoặc hơn sẽ tự biến mất”, bác sĩ Thủy nói.
Nếu nghén nặng quá bệnh nhân bắt buộc phải nhập viện điều trị.
Cũng theo bác sĩ Thủy, nếu nghén nặng thì trước tiên mẹ phải đi bệnh viện khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và tư vấn hướng điều trị theo nguyên nhân. Ví dụ mẹ bị đái tháo đường sẽ phải kiểm soát đường huyết hoặc mẹ bị viêm dạ dày ruột thì phải điều trị đường tiêu hóa. Sau khi loại trừ được những nguyên nhân đó, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng thuốc. Thứ nhất, bác sĩ sẽ truyền dịch, trong đó có cả điện giải ví dụ như kali, canxi hoặc những yếu tố vi lượng, một số vitamin như vitamin B6. Thứ hai, mẹ bầu sẽ được cho truyền thuốc chống nôn đặc hiệu vào đường tĩnh mạch.
Vấn đề chăm sóc điều dưỡng cũng rất quan trọng nên người nhà vẫn phải động viên thai phụ ăn uống, chia nhỏ các bữa ra để ăn hoặc uống sữa. Trường hợp nặng không ăn uống được gì, bác sĩ sẽ cho xông dạ dày để cung cấp dinh dưỡng. Động viên tinh thần của sản phụ cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng, sự chăm sóc của người thân có thể giúp triệu chứng nghén giảm bớt.
Động viên tinh thần của sản phụ và sự chăm sóc của người thân cũng giúp cho họ đỡ nghén. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt khi nghén thường những thức ăn có mùi sẽ khiến bà bầu cảm thấy khó chịu thêm vì thế bác sĩ Thủy khuyên mẹ bầu nên ăn đồ nguội để đỡ gây kích thích dạ dày. Nếu không ăn được thức ăn thì uống sữa lạnh hoặc có thể ngậm viên đá sữa sẽ giúp mẹ giảm nôn mà vẫn cung cấp đủ năng lượng. Ngoài ra, mẹ bầu nên tránh những thứ gây kích thích và ăn đồ ăn lỏng sẽ tốt hơn cho các thai phụ trong quá trình ốm nghén.
Mang thai 3 tháng đầu: Kiêng đúng, kiêng sai chắc chắn là vấn đề được hầu hết các mẹ bầu quan tâm, đặc biệt những người lần đầu mang bầu. Vậy nhưng không phải bà mẹ nào cũng có kiến thức đầy đủ về vấn đề này. Nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi và chia sẻ những kiến thức về việc Mang thai 3 tháng đầu, kiêng sao cho đúng, Eva.vn sẽ tổ chức buổi workshop với chủ đề này dành cho phụ nữ chuẩn bị mang bầu và đang mang trong mình "thiên thần bé nhỏ". Mang thai 3 tháng đầu: Kiêng đúng, kiêng sai sẽ là chủ đề đầu tiên trong chuỗi WORKSHOP NHÀ MÌNH THÊM MỘT. Tham gia workshop, chị em sẽ có cơ hội học hỏi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, lắng nghe tư vấn từ chuyên gia khoa sản hàng đầu và những khách mời đặc biệt. Workshop số 1 với chủ đề Mang thai 3 tháng đầu: Kiêng đúng, kiêng sai được tổ chức HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ vào 9:00AM ngày 25/3/2018 tại Tropical Forest - Số 89 ngõ 298 Tây Sơn, Đống Đa (Hà Nội). Đã KẾT THÚC thời gian đăng ký tham gia Workshop. Đừng quên theo dõi livestream trực tiếp buổi Workshop Mẹ Bầu & Bé tại: Fanpage Eva hoặc www.eva.vn. |