Vì có cân nặng quá khủng khi mang thai, bà mẹ phải đối mặt với rất nhiều những nguy cơ trong thai kỳ và khi sinh nở.
Khi mang thai, mẹ bầu và người thân thường cố gắng chăm chút, bồi bổ với mong muốn em bé sinh ra được bụ bẫm, khỏe mạnh. Vậy nhưng nếu mẹ bồi bổ không đúng cách sẽ chỉ khiến cân nặng của mẹ tăng lên và phải đối mặt với nhiều rủi ro khi mang thai và sinh nở.
Gần đây, phòng sinh mổ của bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Phật Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) đã tiếp nhận một trường hợp mẹ bầu 42 tuổi, cao 1m65 nhưng nặng tới 145kg.
Mẹ bầu cao 1m65 nhưng nặng tới 145kg khiến các bác sĩ "toát mồ hôi".
Vừa nhìn hồ sơ sinh của bệnh nhân, các bác sĩ đã "toát mồ hôi hột" vì lo lắng. Chị Hồ (tên bệnh nhân đã được thay đổi) đã sinh mổ 3 lần, đồng thời bị béo phì, đái tháo đường và tuổi đã lớn. Khả năng xảy ra rủi ro trong quá trình mổ đẻ lần thứ 4 này là rất cao.
3 giờ chiều ngày 29/6, chị Hồ được đưa vào phòng mổ. Nhiệm vụ khó khăn đầu tiên của các bác sĩ chính là gây tê trước khi mổ cho bệnh nhân.
Bởi vì chị Hồ có lớp mỡ sau lưng quá dày nên bác sĩ gây mê rất khổ sở khi tìm vị trí để tiêm gây tê ngoài màng cứng. Nếu tiêm nhầm vị trí, tổn thương gây ra có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bệnh nhân suốt đời nên đây thực sự là một thách thức lớn.
Kim gây tê dài 10cm cũng chưa chạm tới được màng cứng.
Khi đã tìm được vị trí tiêm, một vấn đề khác lại nảy sinh. Đó là kim tiêm dài 10cm được sử dụng nhưng sau khi xuyên qua lớp mỡ vẫn chưa vào được khoang màng cứng. Cuối cùng, bằng nhiều năm kinh nghiệm của mình, phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ Trương Vinh phải mất hơn 15 phút mới có thể gây tê thành công cho bệnh nhân.
Bác sĩ phụ trách mổ cũng không kém phần lo lắng vì lớp mỡ bụng của chị Hồ quá dày lại đã từng sinh mổ 3 lần. Ca mổ diễn ra trong không khí căng thẳng, gấp rút.
Ca mổ diễn ra trong không khí căng thẳng.
May mắn thay, không có vấn đề gì xảy ra trong ca mổ. Con gái chị Hồ chào đời suôn sẻ, nặng 3,6kg và hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi mổ, bác sĩ lập tức bơm thuốc giảm đau tĩnh mạch cho chị để tạo điều kiện phục hồi nhanh chóng, đề phòng các biến chứng sau sinh
Em bé chào đời suôn sẻ, nặng 3,6kg.
Sau khi sinh, các bác sĩ cảnh báo chị Hồ không nên tiếp tục thụ thai. Các bác sĩ cảnh báo việc tăng quá cân trong khi mang thai sẽ gây ra một số nguy cơ không tốt cho chính mẹ và em bé. Chỉ số BMI càng cao, các rủi ro càng lớn. Dưới đây là một số minh chứng cụ thể.
- Sảy thai. Nếu chỉ số BMI trên 30, thì nguy cơ sảy thai lên tới 20% trong giai đoạn thai dưới 12 tuần tuổi. Con số này tăng lên 25% nếu BMI cao hơn nữa.
- Mẹ bầu béo phì có nguy cơ mắc tiểu đường thời kỳ thai nghén cao gấp 3 lần người bình thường khi chỉ số BMI vượt 30. Đồng thời, mẹ bầu dễ mắc một số bệnh khác như huyết áp cao, tiền sản giật khi BMI tăng ngoài 35.
- Chỉ số BMI quá 30 còn mang tới nguy cơ bị khó sinh do kẹt vai, mất nhiều máu hơn sau sinh so với người bình thường. Trọng lượng cơ thể mẹ quá khổ, thì khả năng sinh con thừa cân, trên 4kg, cũng rất cao. Với mẹ bầu có BMI trong khoảng 20-30, tỷ lệ chỉ là 7/100, trong khi BMI quá 30, con số này tăng tới 14/100 trường hợp.
- Các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới con sẽ bao gồm sinh non (trước tuần thứ 37), lưu thai, thai bất thường như thiếu khuyết dây thần kinh.