Bất đồng nhóm máu mẹ con - vấn đề nguy hiểm mọi bà bầu cần biết

Ngày 08/01/2018 19:19 PM (GMT+7)

Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con là vấn đề rất nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe thai nhi.

Nhóm máu của con người được chia là 4 loại là A,B,AB và O. Bên cạnh cách phân loại này, trong mỗi nhóm lại chia nhỏ ra dựa vào sự hiện diện của những protein đặc hiệu trên bề mặt hồng cầu, trong đó bao gồm yếu tố Rh. Nếu máu mẹ có protein này thì mẹ thuộc nhóm Rh (+), nếu không có thì là Rh (–).

Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con là gì?

Hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con hay nhóm máu không tương thích Rhesus (Rh) xảy ra khi người mẹ có nhóm máu Rh âm nhưng mang thai con có nhóm máu Rh dương dẫn đến hiện tượng huyết tán ở trẻ sơ sinh (bệnh Rhesus).

Theo các bác sĩ chuyên gia, nếu người mẹ có Rh (–) kết hợp với người cha cũng có Rh (–) thì khi thụ thai, em bé sẽ không có vấn đề gì vì lúc đó em bé cũng nhóm máu có Rh (–). Tuy nhiên nếu mẹ bầu nhóm Rh (–) lấy chồng Rh (+) thì đứa con có đến 50% khả năng mang nhóm máu Rh (+). Được biết, có đến khoảng 85% số lượng người mang nhóm Ph (+), chỉ có một số ít mẹ bầu là mang nhóm Rh (–).

Bất đồng nhóm máu mẹ con - vấn đề nguy hiểm mọi bà bầu cần biết - 1

Hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con. (Ảnh minh họa)

Thai nhi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Nếu bị bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, trong suốt quá trình mang thai, em bé trong bụng sẽ không bị ảnh hưởng gì cho đến khi chuyển dạ. Lúc đó người mẹ có Rh (–) tiếp xúc với máu của con có Rh (+) và dễ sinh ra phản ứng miễn dịch.

Tuy nhiên, ở lần mang thai tiếp theo, nếu thai nhi vẫn mang nhóm máu Rh (+) thì những kháng thể Rh này sẽ tấn công hồng cầu có protein chứa yếu tố Rh của thai nhi làm cho tế bào hồng cầu này bị phồng to và vỡ. Khi tế bào hồng cầu bị giảm xuống quá mức tối thiểu thì đó cũng là lúc thai nhi bị thiếu máu, vàng da, nặng có thể gây suy tim, suy gan. Nó được gọi là bệnh tán huyết do bất đồng nhóm máu mẹ và con.

Nếu không điều trị kịp thời, thai nhi có thể tử vong hoặc có những biến chứng thần kinh về sau như bại não, mù, câm, điếc... Tuy nhiên, điều đáng mừng là bệnh tán huyết có thể được ngăn chặn khi người mẹ mang Rh âm được tiêm một hợp chất đặc biệt gọi là kháng thể anti D, trong vòng 72 giờ sau khi sinh em bé.

Bất đồng nhóm máu mẹ con - vấn đề nguy hiểm mọi bà bầu cần biết - 2

Bất đồng nhóm máu mẹ con gây ra hiện tượng vàng da và nhiều bệnh lý khác ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Nếu người mẹ có nhóm máu Ph (–), vào khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ sẽ được xét nghiệm máu lại để xem đã có kháng thể hay chưa. Đồng thời mẹ sẽ được tiêm mũi huyết thanh miễn dịch Rh. Mũi tiêm này sẽ có tác dụng phá hủy những tế bào hồng cầu Rh (+) từ thai nhi qua máu mẹ để hạn chế sự tiếp xúc của máu mẹ với yếu tố Rh.

Nếu có sự hiện diện của kháng thể trong máu mẹ với nồng độ cao và thai nhi có dấu hiệu thiếu máu đáng kể, lúc đó các bác sĩ sẽ tiến hành thay máu Rh (–) cho thai qua dây rốn khi thai được 18 tuần trở lên. Bên cạnh đó, một số người chọn cách sinh sớm, sau đó sẽ tiến hành thay máu cho trẻ. Thay máu sớm trong 24 giờ đầu sau sinh là phương pháp điều trị đặc hiệu và duy nhất có hiệu quả.

Chính vì thế, ngay từ lần mang thai đầu tiên, các mẹ bầu nên tiến hành xét nghiệm nhóm máu của mình để sớm phát hiện những nguy cơ liên quan đến việc bất đồng nhóm máu.

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia.  

Thanh Loan (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác khi mang thai