Những yêu cầu đặc biệt của nghề nghiệp khiến các cô giáo mệt mỏi hơn khi mang thai.
Khi mang bầu, mẹ nào cũng phải trải qua những nỗi vất vả chung như ốm nghén, mất ngủ, sưng phù chân tay,... Vậy nhưng đối với những mẹ bầu làm nghề giáo viên, vì đặc thù công việc nên họ còn gặp phải những khó khăn riêng mà ít ai hiểu được. Gần đây, một cô giáo dạy tiểu học đã chia sẻ những điều "tuyệt vời" cô đã được tận hưởng khi mang bầu mà vẫn đi dạy. Từ "tuyệt vời" ở đây đương nhiên đã được chơi chữ.
Khi mang thai đứa con của mình, các cô vẫn còn hàng chục "đứa con" khác phải chăm lo. (Ảnh minh họa)
"Mang thai là một thời kỳ đẹp đẻ và bí ẩn. Nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc khi chuẩn bị được đón một thiên thần nhỏ, nó chắc chắn cũng khiến bạn gặp nhiều khó chịu, đau đớn và lúng túng. Và những điều bất tiện đó sẽ nhân lên gấp đôi khi bạn dành cả ngày trong một lớp học đầy trẻ con", cô viết. Nhưng điều bất tiện được cô nhắc đến bao gồm:
1. Thường xuyên phải đứng nhiều, đi nhiều
Tôi không muốn phủ nhận rằng làm những nghề nghiệp khác thì không mệt mỏi, vất vả. Vậy nhưng dạy học đòi hỏi bạn phải đứng liên tục gần như cả ngày, 5 ngày/tuần hoặc hơn. Đôi khi, bạn cũng sẽ không thể ngồi ăn trưa. Cũng có khi phải tự mình bê máy tính, máy chiếu lên xuống cầu thang vì bạn không được phép bắt một đứa trẻ làm thế. Những cô cậu bé "nhất quỷ, nhì ma" sẽ khiến bạn xoay vòng vòng cả ngày. Tôi đã không dám kể toàn bộ những việc mình làm cho bác sĩ sản khoa vì sợ ông ấy sẽ bắt nghỉ việc ngay lập tức.
Đứng giảng bài liên tục sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi. (Ảnh minh họa)
2. Không thể ra ngoài đi vệ sinh liên tục
Mẹ bầu nào mà không khốn khổ vì cứ phải ra vào nhà vệ sinh liên tục. Vậy nhưng là một giáo viên, tôi không thể cứ bỏ dở tiết dạy, chạy ra ngoài vì nhu cầu cá nhân. Thú thật là cơ sở vật chất tại các trường học cũng không phải đều tốt. Không biết bao nhiều lần tôi đã phải "muối mặt" nhờ các giáo viên khác nhường cho vào nhà vệ sinh trước trong mỗi lần nghỉ giải lao.
3. Những triệu chứng khó chịu khiến bản thân phân tâm
Tôi vẫn đi dạy như những giáo viên bình thường khác, cố gắng để bản thân tập trung vào công việc. Nhưng thực tế, vùng lưng đang đau nhói, chân tê rần, sưng phù khiến tôi phân tâm rất nhiều. Điều tôi lo lắng hơn cả là mình sẽ mang cả những khó chịu của bản thân vào bài học, khiến học sinh cảm thấy không thoải mái.
4. Dù nghỉ sinh cũng không yên tâm
Tôi sẽ sinh bé vào đầu mùa đông này và tôi dự định chỉ nghỉ 2 tuần trước khi sinh và 8 tuần sau sinh. Tôi biết làm như vậy thật quá có lỗi với đứa con bé bỏng của mình nhưng tôi cũng không nỡ bỏ rơi những "đứa con" khác. Chúng chỉ là những đứa trẻ mới 7, 8 tuổi và tôi đã mất hơn 1 năm để có thể quen thuộc, thấy hiểu tính cách của từng đứa con trong lớp. Tôi lo lắng các thầy cô mới sẽ không đủ hiểu để giải quyết vô vàn những rắc rối không tên của các con.
Đến tận ngày đi sinh, cô vẫn không hết bận lòng vì những bài thi còn chấm dở. (Ảnh minh họa)
5. Đau đầu với những câu hỏi của học sinh
Lần đầu tiên tôi giải thích với học sinh rằng bụng tôi to lên là do có một em bé đang sống ở trong, tất cả đều cực kỳ ngạc nhiên. Sau đó, hàng loạt câu hỏi về chuyện mang thai được đặt ra. Những câu hỏi như: "Em bé đến từ đâu? Em bé sống thế nào trong bụng cô? Cô cho em bé ăn thế nào?... " không ít lần khiến tôi bối rối. Và đương nhiên, không dưới 10 lần đã có những em học sinh xin phép được chạm vào bụng tôi để cảm nhận em bé. Ban đầu, tôi thấy rất tự hào và thú vị nhưng lời đề nghị được đưa ra quá nhiều lần cũng khiến tôi cảm thấy đôi chút không thoải mái.
Cuối cùng, bà mẹ này kết luận mang thai khi đang đi dạy là chuyện không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nó cũng khiến cô có nhiều trải nghiệm thú vị và đặc biệt mà những mẹ bầu không làm công việc giảng dạy không thể hiểu được.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |