Nhiều chị em rất quan tâm đến vấn đề mẹ bầu ốm nghén từ tuần thứ mấy vì ốm nghén là triệu chứng rõ ràng nhất cho thấy bạn đang có thai.
Cơn ốm nghén là gì?
Rất nhiều chị em khổ sở và sợ hãi vì vì tình trạng ốm nghén khi mang thai. Tuy nhiên đây lại là một hiện tượng bình thường xuất hiện trong thai kỳ. Có những mẹ bầu cơn ốm nghén chỉ xuất hiện thoáng qua, nhẹ nhàng nhưng có người lại ốm nghén rất nghiêm trọng, cơ thể sút cân nhanh chóng do bị mất nước và thiếu hụt dinh dưỡng.
Cơ thể mệt mỏi kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn là những dấu hiệu điển hình thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Theo thống kê có đến 70% chị em chị buồn nôn trong giai đoạn đầu mang thai, 50% chị em nôn mửa. Thông thường, sau khi kết thúc tam cá nguyệt thứ nhất hơn 1 nửa số mẹ bầu ốm nghén sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe khoắn dần và tạm biệt cơn ốm nghén. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bà bầu tiếp tục chiến đấu với tình trạng ốm nghén đến tháng thứ 5, thứ 6, thậm chí là đến khi sinh nở.
70% thai phụ có triệu chứng buồn nôn do ốm nghén. (Ảnh minh họa)
Hiện tượng ốm nghén dễ gặp khi mang thai, nhưng những đối tượng mẹ bầu này lại có khả năng ốm nghén cao hơn những người khác:
- Phụ nữ đã có tiền sử ốm nghén ở lần mang thai trước.
- Phụ nữ dễ bị say tàu xe.
- Mẹ bầu mang thai lần đầu.
- Mẹ bầu mang bầu đa thai.
- Chị em làm việc trong môi trường có nhiều áp lực căng thẳng.
Đa số các trường hợp ốm nghén là bình thường, thậm chí còn là dấu hiệu em bé đang phát triển tốt. Với trường hợp chị em bị ốm nghén quá nghiêm trọng, kéo dài thì cần đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nếu cần thiết có thể nhập viện theo dõi và truyền dịch để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Khi nào thì mẹ bầu bắt đầu ốm nghén?
Nhiều chị em cho biết mang chiếc bụng bầu nặng nề mấy tháng vẫn nhẹ nhàng hơn là ốm nghén, vì vậy cứ nhắc đến ốm nghén là sợ hãi. Vậy mẹ bầu ốm nghén từ tuần thứ mấy?
Thông thường, khi mang thai chị em bị ốm nghén sẽ diễn ra xuyên suốt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Một số người có cơ địa “nhạy cảm” sẽ có biểu hiện ốm nghén bắt đầu sớm nhất vào khoảng tuần 4 – 6 khi phôi thai đã ổn định trong buồng tử cung. Một số khác sẽ bắt đầu ốm nghén muộn hơn từ tuần 8 – 12.
Sự vất vả, khổ sở của mẹ vì ốm nghén nhưng lại đem nhiều lợi ích bất ngờ cho bé yêu
Nguyên nhân gây ốm nghén ở phụ nữ mang thai
- Nồng độ hormone HCG tăng nhanh: Hormone HCG được gọi là hormone thai kỳ, chỉ xuất hiện ở phụ nữ mang thai và tăng nhanh dần khi bào thai phát triển. Người ta nhận thấy nồng độ HCG có liên quan đến tình trạng ốm nghén, đặc biệt là mẹ bầu mang song thai trở lên thì nồng độ HCG càng cao, mức độ ốm nghén cũng nặng hơn.
- Trong 3 tháng đầu bầu bí, hormone progesterone cũng tăng dần khiến các cơ của hệ tiêu hóa giãn ra gây ra hiện tượng trào ngược thực quản khiến chị em có cảm giác buồn nôn mạnh mẽ. Loại hormone này cũng khiến thức ăn trong dạ dày khó tiêu hóa hơn nên mẹ bầu hay bị đầy hơi, chướng bụng nên không muốn ăn uống nhiều.
- Hệ thần kinh của một số chị em khá nhạy cảm, thính giác trở nên nhạy bén hơn với các loại thực phẩm và mùi vị trước đây bạn cảm thấy bình thường nhưng hiện tại lại gây cảm giác buồn nôn, khó chịu.
- Những chị em trước khi mang thai đã có thói quen ăn uống thất thường, có lượng đường trong máu thấp hoặc những người phụ nữ trong gia đình khi mang thai đều bị ốm nghén.
Một tách trà gừng kèm lát chanh giúp đánh bay cơn buồn nôn do ốm nghén nhanh chóng.
Ốm nghén đem lại lợi ích bất ngờ
Ốm nghén hoàn toàn không đáng sợ như nhiều mẹ nghĩ vì nhiều công trình nghiên cứu đã nhận thấy những lợi ích của việc ốm nghén như: chị em giảm được nguy cơ sảy thai; những đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ ốm nghén trong thai kỳ có chỉ số thông minh cao hơn những trẻ khác, đồng thời trẻ cũng ít có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, cân nặng và chiều dài tốt hơn; đặc biệt triệu chứng ốm nghén còn là một phản ứng thích nghi để bảo vệ thai nhi trong bụng mẹ, khi mẹ nôn ói các độc tố được giải phóng khỏi cơ thể, bé cũng ít bị nhiễm trùng do người mẹ cẩn thận hơn khi ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Như vậy bạn đã nắm rõ ốm nghén từ tuần thứ mấy mới xuất hiện để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với nó rồi chứ. Đừng sợ hãi vì có nhiều cách để giảm bớt tình trạng ốm nghén như tích cực nghỉ ngơi tránh để bị stress, uống trà gừng, ngậm kẹo gừng hay kẹo bạc hà, bổ sung vitamin B6 để giảm buồn nôn và tăng hiệu quả việc hấp thụ chất sắt, các vitamin trong giai đoạn đầu thai kỳ.