Khoảng 25% phụ nữ vẫn bị trĩ sau sinh và thậm chí phải sử dụng đến các biện pháp can thiệp bằng phẫu thuật.
Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có nhiều thay đổi và dễ mắc một số bệnh thường gặp. Trong đó, trĩ là một trong những bệnh thường gặp và còn có khả năng kéo dài đến sau sinh.
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là một bệnh lý thuộc hậu môn trực tràng. Trong cơ thể chúng ta có những mạch máu, được gọi là tĩnh mạch, khi những tĩnh mạch tại hậu môn bị co giãn quá mức sẽ dẫn tới bệnh trĩ. Bệnh nhân sẽ cảm thấy một khối thịt mềm dính vào hậu môn.
Khối trĩ ban đầu có thể có kích thước nhỏ như một quả nho khô nhưng sau đó có thể to dần lên.
Bệnh trĩ nhẹ ở giai đoạn đầu chỉ có cảm giác ngứa rát một chút, nhưng về lâu về dài sẽ hết sức đau đớn, thậm chí có thể gây chảy máu trực tràng, đặc biệt là khi đi đại tiện.
Bệnh trĩ khá phổ biến ở phụ nữ mang thai và sau sinh. Trong hầu hết các trường hợp, trĩ phát triển khi mang thai sẽ tự biến mất sau khi sinh, đặc biết nếu người mẹ có biện pháp phòng ngừa, không để táo bón xảy ra.
Tuy nhiên, khoảng 25% phụ nữ vẫn bị trĩ sau sinh và thậm chí phải sử dụng đến các biện pháp can thiệp bằng phẫu thuật.
Bị trĩ sau sinh là vấn đề khiến nhiều chị em khó nói và rất khổ sở. (Ảnh minh họa)
Tại sao phụ nữ mang thai và sau sinh dễ bị trĩ?
Mang thai khiến phụ nữ dễ bị trĩ hơn. Thực tế, không chỉ tĩnh mạch ở vùng hậu môn mà tĩnh mạch ở chân, tay phụ nữ mang thai cũng dễ bị giãn và sưng lên vì nhiều lý do khác nhau.
Thứ nhất, tử cung ngày càng phát triển khi mang thai sẽ gây áp lực lên các tĩnh mạch khung xương chậu và tĩnh mạch chủ dưới. Đây là một tĩnh mạch lớn nằm ở phía bên phải cơ thể giúp lưu thông máu đến các chi dưới. Áp lực tạo ra sẽ cản trở quá trình lưu thông máu đến phần dưới cơ thể, chèn ép các tĩnh mạch bên dưới tử cung khiến chúng giãn nở ra.
Ngoài ra, sự gia tăng hormone progesterone khi mang thai cũng khiến thành của các tĩnh mạch “lỏng lẻo” và dễ giãn ra hơn. Progesterone cũng khiến nguy cơ bị táo bón ở bà bầu tăng lên. Táo bón có thể là một trong những nguyên nhân hoặc là tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh trĩ.
Hơn nữa, việc dùng sức trong quá trình rặn sinh cũng có thể gây ra bệnh trĩ.
Mẹ rặn sai cách khi sinh thường có thể dẫn đến bị trĩ sau sinh. (Ảnh minh họa)
Cách giảm đau khi bị trĩ sau sinh
Hầu hết các trường hợp bị trĩ sau sinh đều không phải can thiệp bằng biện pháp phẫu thuật mà khối trĩ sẽ tự tiêu sau một thời gian nếu biết cách chăm sóc và thay đổi chế độ sinh hoạt. Trong khoảng thời gian chờ đợi bệnh trĩ thuyên giảm, đây là một số lưu ý giúp giảm đau trĩ cho mẹ sau sinh:
Tránh ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài để giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng. Hãy nằm khi cho con bú, đọc sách hay xem TV.
Để giảm đau tạm thời, bạn có uống acetaminophen hoặc ibuprofen, ngay cả khi đang cho con bú. Tuy nhiên, bạn phải dùng đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không dùng aspirin (hoặc các sản phẩm có chứa aspirin) khi đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Chườm đá lên khu vực bị sưng đau nhiều lần trong ngày có thể giúp bạn cảm thấy bớt khó chịu.
Ngâm vùng dưới của bạn trong nước ấm 10 phút mỗi ngày cũng có thể giúp giảm đau. Hoặc bạn có thể dùng biện pháp nóng lạnh xen kẽ, chườm đá sau đó ngâm nước nóng.
Sử dụng giấy vệ sinh loại mềm và không có mùi sẽ ít gây kích ứng hơn các loại khác.
Bạn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm đau đớn khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (1 tuần hoặc ít hơn) vì sử dụng lâu dài dễ gây viêm nhiễm khi đang có trĩ.
Bị trĩ sau sinh, làm thế nào để nhanh khỏi?
Những thói quen lành mạnh có thể giúp đẩy nhanh quá trình lành bệnh và ngăn ngừa bệnh quay lại trong tương lai. Muốn vậy, trước tiên bạn phải duy trì các thói quen dưới đây để tránh táo bón:
Ăn các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.
Uống đủ nước (8-10 ly mỗi ngày).
Tập thể dục thường xuyên dù chỉ là đi bộ. Bên cạnh đó, tập Kegel hàng ngày sẽ giúp tăng cường cơ xung quanh hậu môn và giảm nguy cơ trĩ. Bài tập này cũng giúp tăng cường các cơ xung quanh âm đạo và niệu đạo để phục hồi “vùng kín” sau sinh.
Tuyệt đối không nhịn đi vệ sinh. Việc chờ đợi có thể khiến phân bị khô và khó đi hơn. Ngoài ra, không nên dùng sức rặn khi đi vệ sinh vì có thể khiến bạn đau đớn, bệnh nghiêm trọng hơn.
Khi nào cần can thiệp y tế?
Sau thời gian dài chăm sóc tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu chảy máu trực tràng thì bạn nên đi khám ngay.
Ngoài ra, nếu nhận thấy khối trĩ ngày càng cứng và đau hơn thì có thể bên trong đã hình thành huyết khối. Lúc này, bạn sẽ cần làm một vài thủ thuật nhỏ can thiệp. Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật loại bỏ trĩ sẽ được tiến hành.